Con lợn suýt đẩy Anh, Mỹ tới chiến tranh

Cuộc tranh chấp đất đai xuất phát từ một con lợn suýt chút nữa thổi bùng thành một cuộc chiến giữa Mỹ và Anh.

Năm 1846, Mỹ và Anh ký kết Hiệp ước Oregon, trong đó thống nhất lấy vĩ tuyến 49 làm đường biên giới ngang qua eo biển Georgia ở phía Tây cho đến Thái Bình Dương.

Hiệp ước phân chia đất đai khá đồng đều, nhưng lại không đả động gì tới đảo San Juan- quần đảo nằm phía Nam vĩ tuyến 49. Anh và Mỹ đều tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này và đưa dân tới đây định cư.

Người Anh thành lập Hudson’s Bay, một công ty chăn nuôi cá hồi và cừu thành công trên đảo trong khi người Mỹ định cư trên đất liền và làm ruộng.

 Đảo San Juan ngày nay. (Ảnh: Wikimedia)

Đảo San Juan ngày nay. (Ảnh: Wikimedia)

Tới năm 1849, tranh chấp giữa Anh và Mỹ lên đến đỉnh điểm vào đúng kỷ niệm 13 năm ngày Hiệp định Oregon ra đời.

Ngày 15/6, nông dân Mỹ Lyman Cutlar phát hiện một con lợn đang ăn khoai tây trên mảnh đất của mình và bắn nó. Con lợn trên thực tế thuộc về công dân Anh Charles Griffin làm việc cho Hudson’s Bay.

Griffin hết sức tức giận khi hay tin con lợn của mình bị một người Mỹ bắn chết. Ông này lập tức trình báo "tội ác" của Cutlar với chính quyền Anh ở địa phương.

Họ lập tức đe dọa bắt giữ Cutlar. Điều này khiến người Mỹ trên đảo tức giận, nộp đơn kiến nghị quân đội Mỹ giúp đỡ.

Chuẩn tướng Wiliam S. Harney mang tư tưởng chống Anh sau khi nhận được đơn thỉnh cầu lập tức điều một đại đội gồm 66 binh sĩ tới San Juan để bảo vệ công dân nước mình.

Người Anh không chịu thua. Họ trả đũa bằng bằng cách gửi 3 tàu chiến tới khu vực. 2 bên tiếp tục leo thang căng thẳng bằng cách điều thêm quân tới.

Vào lúc đỉnh điểm. ít nhất 5 tàu chiến Anh và hơn 400 lính Mỹ cùng 14 khẩu pháo luôn sẵn sàng bước vào cuộc chiến sinh tử.

Rất may, khi mọi chuyện tưởng như vượt quá tầm kiểm soát, câu chuyện đến tai các quan chức ở London và Washington. 2 bên nhanh chóng cử người tới đàm phán và đi đến quyết định giới hạn dân số định cư ở trên hòn đảo ở con số 100 người cho tới khi đạt được một thỏa thuận chính thức về chủ quyền.

Mỹ sau đó cũng rút hết lực lượng, chỉ để lại một đại đội trong khi Anh duy trì một lực lượng nhỏ trên đảo.

Tới năm 1873, Đức đứng ra phân xử bất đồng. San Juan cuối cùng được trao về tay người Mỹ. Người dân Anh phải rời khỏi hòn đảo này.

Hiện nay, các du khách tới thăm San Juan có thể tới thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trên hòn đảo này, nơi lưu giữ tiền đồn Mỹ và căn cứ thủy quân lục chiến Anh - biểu tượng để nhắc nhở về một cuộc xung đột suýt nữa diễn ra trong quá khứ.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/con-lon-suyt-day-anh-my-toi-chien-tranh-d513661.html