'Cơn lốc' hàng giá rẻ qua Temu, 1688... vào Việt Nam: Điều gì sẽ xảy ra?

Nhiều ông lớn thương mại điện tử (TMĐT) chuyên bán sỉ của Trung Quốc đang tìm đường vào Việt Nam khiến nhà bán hàng đứng ngồi không yên trước áp lực về giá và thị phần.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy chỉ trong 5 năm gần đây, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần từ mức chỉ 8,06 tỉ USD của năm 2018 lên đến 20,5 tỉ USD vào năm 2023.

Mức tăng trưởng này đã tạo ra làn sóng đầy kỳ vọng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều ông lớn TMĐT "thích" Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Phó ban truyền thông của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, 1688.com là trang web TMĐT bán hàng sỉ lớn nhất Trung Quốc, gần đây đã chính thức cho phép nhà kinh doanh ở Việt Nam đăng ký mua hàng, thanh toán và đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Điều này cho thấy Việt Nam đang là tầm ngắm mở rộng địa bàn của nền tảng này.

Cũng từ đầu tháng 10, Temu là sàn bán hàng giá rẻ xuyên biên giới của Trung Quốc, được cho là đã âm thầm tiến vào Việt Nam, và có thể thâu tóm 1 sàn thương mại điện tử Việt. Thông tin trên được công ty nghiên cứu Momentum Works đưa ra.

Dù hiện tại phiên bản website của Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, nhưng cam kết thời gian giao hàng chỉ từ 4 - 7 ngày.

Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, gần đây nhiều người dùng phát hiện trên ứng dụng Viettel Post âm thầm xuất hiện một mục mới có tên Vipo Mall, được giới thiệu là giải pháp mua hàng xuyên biên giới từ các nền tảng nội địa Trung Quốc nổi tiếng như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD.com.

Theo các chuyên gia TMĐT, Vipo Mall được hiểu là ứng dụng mua hộ, tương tự như Fado, một nền tảng TMĐT mua hộ hàng trên Amazon và giao đến người dùng trong nước.

Trao đổi với PLO, về sản phẩm mua hộ, giao hàng xuyên biên giới, đại diện Viettel Post cho biết ứng dụng vẫn chưa được công bố chính thức, đang trong thời gian thử nghiệm và sẽ cung cấp thông tin chi tiết trong thời gian tới.

Trước đó, vào năm 2019, Viettel Post cũng cho ra mắt sàn TMĐT Voso.com chuyên hàng đặc sản. Tuy nhiên từ tháng 5-2023 sàn này đã tạm dừng để nâng cấp, bảo trì, tới nay vẫn chưa quay lại thị trường.

Thị trường thêm phần khốc liệt

Trước làn sóng ngoại nhập này, chuyên gia TMĐT Lê Anh Tuấn, Giám đốc điều hành A1Demy, đã ví Temu là “cơn lũ” bởi sàn này sẽ cuốn đi rất nhiều nhà bán hoặc chuỗi kinh doanh nhỏ lẻ.

“Temu bán hàng trực tiếp từ nhà máy tới tay người dùng, cắt đến hơn 50% khâu trung gian, tức giá thành bán ra sẽ rẻ hơn nhiều so với giá ở cửa hàng. Tôi có người bạn bên Úc kể rằng đến cái ốc ở vòi nước, họ cũng mua từ Temu với giá chưa tới 1 USD mà còn freeship.

Tôi cho rằng những suy nghĩ theo kiểu nhập hàng từ kho Trung Quốc, về bán kiếm lời gấp 3 - 4 lần đã đến lúc cần xem xét lại”- ông Tuấn nói.

Nhìn sâu hơn về thị trường, ông Lê Anh Tuấn nói: TMĐT Việt Nam đang bước vào giai đoạn đào thải khắc nghiệt.

“Trước đây 1 ngách thị trường có 100 nhà bán thì 30% số đó được chia thị phần. Giờ đây sẽ chỉ còn 50 nhà bán, và có khoảng 8 người giành được thị phần. Điều này cho thấy cuộc chơi dần khó và cần nguồn lực mạnh để tiếp tục đi với thị trường”- ông Tuấn bày tỏ.

Bà Đỗ Mai Phương, Quản lý phát triển khách hàng của nền tảng số liệu Metric cũng nhìn nhận, sự gia nhập của các sàn TMĐT xuyên biên giới như 1688, Taobao, và đặc biệt là Temu, sẽ tạo ra một bức tranh thị trường phức tạp hơn. Ở đó không chỉ người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp đều đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội.

"Tôi đánh giá, sự xuất hiện của các sàn này sẽ không chỉ làm tăng tính cạnh tranh mà còn buộc các sàn TMĐT trong nước phải tái cấu trúc chiến lược.

Điều này có thể bao gồm việc cải tiến hệ thống logistics, đầu tư vào AI và Big Data để phân tích hành vi người tiêu dùng sâu sắc hơn, cũng như tối ưu hóa quy trình vận hành, nhằm giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng đáp ứng.

Với các sàn TMĐT mới, cuộc chiến giá cả sẽ càng trở nên căng thẳng, không chỉ bởi mức giá rẻ của sản phẩm Trung Quốc mà còn bởi các chiến lược "đốt tiền" từ voucher và freeship mà cả sàn mới và cũ sẽ phải tung ra để giữ chân người bán và người mua”- bà Phương nói.

Ở góc độ nhà bán, ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu Midori, thừa nhận rất áp lực. Nguyên nhân là do các nền tảng này đều là bán sỉ, họ đưa các sản phẩm ở Trung Quốc và bán qua Việt Nam với giá rất rẻ. Với mức giá ấy, ông Vinh cho rằng người dùng chắc chắn sẽ chọn mua, trong khi người bán lại không có cửa, bởi trên Temu và 1688 vốn đã quá nhiều nhà bán nội địa rồi.

“Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp sản xuất, nhất là thời trang sẽ dễ bị cuốn vào cuộc chiến giá, buộc phải hạ giá thành, mà khi hạ giá thì buộc phải giảm nhân sự. Lúc này khủng hoảng việc làm sẽ trở nên khốc liệt hơn”- ông Vinh nói.

Ông Vinh lấy ví dụ, trước đây mặt hàng áo thun luôn là “best seller” của Midori. Tuy nhiên từ khi có các tổng kho hàng sát biên giới, thì hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam với giá rất rẻ, khiến Midori phải điều chỉnh chính sách về giá.

“Dù tự sản xuất, và giảm hết cỡ mọi chi phí trung gian thì giá của chúng tôi vẫn không thể rẻ bằng sản xuất ồ ạt của Trung Quốc được. Hiện 1 chiếc áo thun Midori bán ra trên sàn là 99.000 đồng, coi như huề vốn, lấy công làm lời”- ông Vinh nói.

Hãy hành động

Mặc dù rất lo ngại, song theo ông Vinh, nhà bán hàng Việt Nam vẫn nên tự tìm cách thay đổi.

“Tôi thừa nhận, không thể cạnh tranh nổi với cùng mã hàng của họ, do đó thay vì đối đầu, tôi tìm sự khác biệt. Ở Midori, từ nhiều năm trước, tôi đã tập trung phát triển đội ngũ R&D, để tìm kiếm và phát triển sản phẩm có sự khác biệt của Trung Quốc. Chúng tôi liên tục thay đổi mẫu mã, tăng cường chăm sóc khách hàng, phát triển đa kênh để giữ chân người dùng với thương hiệu”- ông Vinh nói.

Tương tự, ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House, với 7 nhãn hàng đang kinh doanh trên sàn TMĐT cũng chọn sự khác biệt khi chọn mô hình sản xuất và phát triển bền vững theo mô hình ESG. Đồng thời đẩy mạnh các dòng sản phẩm thiên nhiên, sử dụng nguyên liệu nội địa an toàn để phát triển sản phẩm.

“Một yếu tố khác các nhà bán nên chú trọng là xây dựng thương hiệu và bản quyền cho doanh nghiệp, tránh tình trạng bị sao chép, làm giả, bán rẻ hơn thương hiệu chính”- ông Lâm nói.

Cùng quan điểm, bà Đỗ Mai Phương cho rằng, thay vì cạnh tranh trực tiếp về giá, nhà bán hàng có thể tập trung vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc không thể cạnh tranh mạnh. Chẳng hạn như sản phẩm đặc trưng địa phương, dịch vụ hậu mãi tốt, và sự am hiểu thị trường nội địa.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao khả năng sử dụng công nghệ như phân tích dữ liệu lớn để hiểu sâu hơn về nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa chiến lược bán hàng và tận dụng tối đa các nền tảng TMĐT sẵn có như Shopee, Lazada, và Tiki.

Một giải pháp dài hạn là doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ phân tích, dự đoán thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh, tập trung vào trải nghiệm khách hàng và dịch vụ cá nhân hóa cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.

"Bản thân các sàn TMĐT cũng nên tìm cách tối ưu hóa các dịch vụ của mình để không chỉ cạnh tranh về giá mà còn mang đến trải nghiệm toàn diện cho nhà bán và người tiêu dùng.

Ví dụ, nếu một sàn TMĐT có thể cung cấp hệ thống logistics nhanh và hiệu quả, giảm chi phí và thời gian cho nhà bán hàng, thì đó sẽ là một lợi thế lớn.

Ngoài ra, việc "đốt tiền" vào voucher, chương trình khuyến mãi hay freeship có thể mang lại lợi thế ngắn hạn, nhưng về dài hạn, cần kết hợp các chiến lược khác như tối ưu chi phí vận hành, logistics, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho nhà bán"- bà Phương nói thêm.

 Cần nâng cao hạ tầng logistics TMĐT tại Việt Nam. ẢNH: THU HÀ

Cần nâng cao hạ tầng logistics TMĐT tại Việt Nam. ẢNH: THU HÀ

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, thị trường mở ra, miếng bánh sẽ lớn hơn, người tiêu dùng cũng sẽ trở nên thông thái.

"Dù nền tảng nào vào thị trường, thì theo tôi các nhà máy, nhà phân phối cũng sẽ nhanh nhạy tìm và biết cách cộng sinh để cùng phát triển.

Ở thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biết cách đào sâu vào dịch vụ nghiên cứu sản phẩm R&D, hậu cần, chăm sóc hỗ trợ… những thứ mà Temu không làm được”- ông Tuấn gợi ý.

Vị này cũng nhìn nhận, những nhà bán, doanh nghiệp có lợi thế về sản phẩm như giỏi R&D, mạnh nguồn hàng, chuẩn pháp lý, mạnh về vốn và quan hệ sẽ nhìn ra các ngách thị trường và sự sáng tạo không ngừng nghỉ sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại được với cuộc chơi này.

Một yếu tố khác, người kinh doanh online cần tính đến là tinh gọn mô hình, tăng hiệu suất, cùng cộng sinh để giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành xuống thấp, kéo hiệu suất lên mức cao hơn.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có nội dung về phát triển TMĐT, sàn giao dịch điện tử từ nay đến 2030.

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục rà soát pháp luật về TMĐT, lưu ý bổ sung quy định cụ thể về hoạt động TMĐT qua biên giới đang có xu hướng ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/con-loc-hang-gia-re-qua-temu-1688-vao-viet-nam-dieu-gi-se-xay-ra-post814134.html