Còn lỗ hổng trong nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng

Việc nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ là nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu hàng hóa là chất thải, phế liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Chi cục Hải quan Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) kiểm tra máy móc NK. Ảnh: H.Nụ.

Chi cục Hải quan Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) kiểm tra máy móc NK. Ảnh: H.Nụ.

Nên quy định rõ ràng: Được và cấm

Phân tích về những vấn đề pháp lý liên quan đến NK hàng hóa đã qua sử dụng và chất thải, Bộ Tài chính cho biết chính sách pháp luật đã có nhiều quy định, trong đó theo Điều 10 Luật Quản lý ngoại thương: Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa cấm XK, cấm NK. Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép XK, NK hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều này nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã ban hành Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm NK đi kèm mã số HS; Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố chi tiết Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm NK kèm mã số HS; Bộ Giao thông vận tải hiện cũng đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 13/2015/TT-BGTVT công bố danh mục hàng hóa NK thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ trong đó bao gồm cả danh mục hàng hóa cấm NK. Bên cạnh đó, việc NK hàng hóa đã qua sử dụng thực hiện theo Quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Song song đó, tại Khoản 9 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường quy định cấm NK, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Hiện nay để xác định một vật có phải là chất thải hay không thì không dựa vào tiêu chí đã qua sử dụng mà phải căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”, nhưng các văn bản hướng dẫn đều không quy định rõ thế nào là “thải ra”. Do Việt Nam đã là thành viên của Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy phải tuân thủ quy định của công ước này. Cụ thể Công ước Basel quy định “chất thải là các chất hoặc các đồ vật mà người ta tiêu hủy, có ý định tiêu hủy hoặc phải tiêu hủy chiếu theo các điều khoản của luật lệ quốc gia”.

Như vậy, theo Bộ Tài chính, trên cơ sở các quy định trên có thể thấy, những hàng hóa đã qua sử dụng nằm ngoài các Danh mục cấm nêu trên (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải) hoặc nằm trong Danh mục nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho phép NK theo các quy định riêng biệt thì được phép NK. Đồng thời, trường hợp hàng hóa đã qua sử dụng không xác định là “chất thải” mà xác định là “phế liệu” thì NK theo quy định về quản lý phế liệu; nếu xác định là hàng hóa thông thường (không phải là phế liệu) và không thuộc các danh mục cấm nêu trên thì thực hiện thủ tục NK bình thường.

Do vậy, thời gian qua một số DN NK mặt hàng khai báo là hàng hóa đã qua sử dụng, vẫn còn giá trị sử dụng ban đầu, không phải là hàng hóa đã qua sử dụng, vẫn còn giá trị sử dụng ban đầu, không phải là chất thải và không thuộc các danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cấm NK nên vẫn được xem xét giải quyết thủ tục thông quan theo quy định.

Bộ Tài chính cho rằng, các quy định về hàng hóa đã qua sử dụng hiện nay vẫn còn lỗ hổng về pháp lý, dẫn đến một số doanh nghiệp lợi dụng NK một số hàng hóa đã qua sử dụng (có thể là chất thải, phế liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường) nhưng khai báo NK về để sử dụng như mục đích ban đầu để NK vào Việt Nam.

Do vậy, để quản lý chặt chẽ, không để các doanh nghiệp lợi dụng NK chất thải, hàng hóa đã qua sử dụng bị các nước loại bỏ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu phương án xây dựng Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng được phép NK ban hành kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện, các trường hợp NK hàng hóa đã qua sử dụng nằm ngoài danh mục này thì cấm NK.

Hải quan kiểm soát chặt khâu thông quan

Hiện nay việc NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo quản lý chặt chẽ việc NK, tránh việc lợi dụng các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư để đưa vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, chất lượng kém, không đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, làm tăng giá thành sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã có công văn chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố không làm thủ tục hải quan, thông quan đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được xuất khẩu từ các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường hoặc không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu người khai hải quan khai đầy đủ thông tin về tên hàng, chủng loại, nhãn mác, chất lượng, model, ký mã hiệu, năm sản xuất, nước xuất xứ, mã số HS, mã văn bản pháp quy trên tờ khai hải quan điện tử; kiểm tra đối chiếu với bộ hồ sơ NK. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện tra cứu danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên Cổng thông tin điện tử.

Khi đưa hàng về bảo quản, công chức hải quan niêm phong toàn bộ lô hàng, lập Biên bản bàn giao, trong đó nêu rõ các nội dung nghi vấn của cơ quan Hải quan về lô hàng để chuyển đến tổ chức giám định được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, thừa nhận. Chứng thư giám định do người khai hải quan nộp cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục thông quan phải có xác nhận của tổ chức giám định về việc tiếp nhận lô hàng còn nguyên niêm phong hải quan. Cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận kết quả giám định của tổ chức giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, thừa nhận và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện thông quan.

Đồng thời, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được thông quan nếu hồ sơ NK đầy đủ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg. Trường hợp máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc thì phải có chứng thư giám định kết luận máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 6 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.

Đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ không khai báo chất lượng hoặc khai báo là hàng mới, nếu kiểm tra hồ sơ, nghi ngờ có dấu hiệu khai báo sai thông tin về hàng hóa để NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thì chuyển kiểm tra thực tế; khi kiểm tra thực tế nếu không xác định được chất lượng hàng hóa thì trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, thừa nhận để xác định. Cơ quan Hải quan căn cứ kết quả giám định để quyết định thông quan. Hàng hóa trong khi chờ kết quả giám định không được đưa về bảo quản.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra thực tế, kiểm soát chặt chẽ đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ được XK từ quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc và có dấu hiệu chuyển dịch đầu tư sản xuất sang Việt Nam nhằm lợi dụng xuất xứ Việt Nam để XK hàng hóa đi nước ngoài để được hưởng các chính sách về ưu đãi thuế quan.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/con-lo-hong-trong-nhap-khau-hang-hoa-da-qua-su-dung-112875-112875.html