Còn lâu trí tuệ nhân tạo mới thật sự thông minh

Những ca tụng về tiềm năng của trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) làm nhiều người hiểu nhầm máy chẳng mấy chốc còn thông minh hơn người. Trong một bài viết trên tờ New York Times, bà Melanie Mitchell, Giáo sư tin học Đại học Portland đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy con đường đạt được trí tuệ thông minh nhân tạo không dễ như thế vì vẫn còn nhiều gian truân.

Hiện nay, AI đã làm được nhiều thứ như nhận diện gương mặt người, vạch lộ trình lái xe tốt nhất, đánh bại con người trong các môn cờ, dịch qua lại hàng trăm thứ tiếng... Khả năng chúng ta sắp chứng kiến xe tự lái, máy chẩn đoán ung thư, robot lau chùi nhà cửa... là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên các hệ thống AI tân tiến nhất ngày nay vẫn chưa làm được một điều cơ bản: hiểu được bối cảnh tình hình hay nói cách khác, AI vẫn chưa thể vượt qua rào cản hiểu được ý nghĩa của sự việc từ đó dễ rơi vào sai sót ngớ ngẩn.

Chẳng hạn, một học sinh yếu tiếng Anh nhất cũng biết dịch câu “I put the pig in the pen” thành “Tôi đặt con lợn vào cây bút” là sai hoàn toàn vì vô nghĩa. Thế nhưng AI của Google Translate vẫn tỉnh bơ dịch như thế mà không chịu chọn nghĩa khác của từ “pen” là “chuồng”.

Tương tự các chương trình nhận diện gương mặt người sẽ cho kết quả sai ngay khi hình ảnh bị chỉnh sửa độ sáng hay góc sáng - những chỉnh sửa không mảy may tác động đến khả năng nhận diện của con người. Một nghiên cứu, được đặt tên theo kiểu hài hước “Con voi trong phòng”, cho thấy chỉ cần chêm một hình nhỏ, như hình con voi vào góc phòng cũng làm các chương trình miêu tả đồ vật nhận dạng sai các vật khác trong phòng. “Con voi trong phòng” là một thành ngữ tiếng Anh mang hàm ý một vấn đề hiển nhiên mà không ai muốn đề cập.

Từ những ví dụ nhỏ như thế, Giáo sư Mitchell cho rằng sai sót của các hệ thống AI có thể là chuyện cười nhưng cũng có thể dẫn tới các tai họa khôn lường. Chẳng hạn, hệ thống an ninh của sân bay không biết vì sao nhầm bạn với một tên khủng bố nào đó nên không chịu làm thủ tục cho bạn lên máy bay hay một chiếc xe tự lái, do lỗi phần mềm, không biết có người đang băng qua đường nên vẫn phóng tới.

Đó là chưa kể đến khả năng bọn tin tặc can thiệp thay đổi thông tin đầu vào của hệ thống AI từ đó tác động lên kết quả đầu ra. Chuyện này rất có thể xảy ra với mọi ứng dụng dùng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống, từ xử lý hình ảnh y tế, nhận biết giọng nói đến xử lý ngôn ngữ. Nếu có ai dán một hình gì đó lên bảng STOP (dừng hẳn) làm xe tự lái hiểu nhầm đó là bảng YIELD (nhường đường) hay chỉnh sửa âm thanh nền mà người bình thường nghe như nhạc nhưng Siri hay Alexa sẽ nghe thành lệnh phải thực thi, tai nạn có thể xảy ra.

Làm sao để máy đạt được mức độ hiểu biết như con người, có nghĩa có thể loại trừ các thông tin nhiễu và tập trung vào thông tin chính nhờ hiểu được bối cảnh của tình hình là bài toán đang làm đau đầu các nhà phát triển các hệ thống AI. Con người nắm được tình hình là nhờ kiến thức tổng hợp, nhờ suy luận theo lẽ thường tình. Đây là một quá trình phức tạp vì phải dựa vào kỳ vọng của người này đối với ứng xử của người khác. Sự hiểu biết bối cảnh môi trường con người đang gặp phải cũng nhờ khả năng khái quát hóa của con người, đưa ra những suy luận hợp lý, nói gọn là tính thích nghi rất linh hoạt của con người với hoàn cảnh chung quanh. Tuy nhiên mọi nỗ lực đưa những khả năng khái quát hóa, khả năng suy luận dựa vào lẽ thường tình vào các hệ thống AI chưa đạt được kết quả mong muốn. Máy chỉ hiểu một với một là hai; nó không tài nào hiểu được tình huống châm biếm một với một là ba.

Nguyễn Phan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281626/con-lau-tri-tue-nhan-tao-moi-that-su-thong-minh-.html