Con lãnh đạo được nâng điểm: Thủ tướng yêu cầu xác minh việc đưa hối lộ

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu đưa, nhận hối lộ.

Công an tỉnh Sơn La công bố quyết định khởi tố bà Nguyễn Thanh Nhàn (áo trắng) - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La.

Công an tỉnh Sơn La công bố quyết định khởi tố bà Nguyễn Thanh Nhàn (áo trắng) - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.

Trước đó, báo chí phản ánh việc Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, “gia cảnh của các thí sinh được nâng điểm dần lộ diện và thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ. Điểm các thí sinh được nâng đều từ 28 điểm trở lên, bất kể điểm thực bao nhiêu, cho thấy dấu hiệu hành vi chạy trường rất rõ. Phụ huynh thí sinh đều có chức vụ, cần làm rõ và là căn cứ để xử lý tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ mới đúng bản chất vụ việc”.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh nêu trên, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/5/2019.

Thông tin từ Bộ Giáo dục- Đào tạo cho biết, trong số 108 thí sinh được nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình có 81 thí sinh đã nhập học 26 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Đến nay, hầu hết các trường hợp vi phạm đều đã được xử lý, hiện có 12 thí sinh thuộc danh sách "gian lận điểm" của Hòa Bình và Sơn La vẫn tiếp tục theo học tại các trường đại học vì điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Giáo dục- Đào tạo, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chiều 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Sau cuộc họp, ngày 24/4, ông Phan Viết Lượng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thông tin với PV Báo Giao thông về nội dung buổi làm việc này và cho biết, Ủy ban đã đề nghị Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ, sớm công bố kết quả điều tra.

Ủy ban cũng lưu ý Bộ Công an phải điều tra, làm rõ hành vi, đối tượng vi phạm, nhất là với những phụ huynh, người thân có chức quyền để bảo vệ uy tín, đồng thời phát huy tính nêu gương của người cán bộ Đảng viên.

“Có hay không những người lợi dụng chức vụ quyền hạn, có hay không những người đưa hối lộ và nhận hối lộ? Cơ quan điều tra phải đặc biệt lưu ý đến nội dung này”, ông Lượng cho biết.

Ủy ban cũng đề nghị phải chú ý, đảm bảo sự công bằng trong điều tra giữa các tỉnh. Bởi hiện có tỉnh thì cơ quan an ninh điều tra của Bộ vào cuộc, nhưng có tỉnh lại do chính địa phương tự làm. Bộ Công an phải hỗ trợ, tham gia với các đơn vị địa phương để có sự công bằng giữa các tỉnh.

Theo luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), động cơ, mục đích, ý chí và mong muốn của người được lợi trong các vụ việc xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình là “mong muốn con em mình thi đỗ vào một số trường đại học uy tín”.

Để làm được việc này thì một số phụ huynh, người thân của học sinh có thể đã dùng tiền, quan hệ, các lợi thế khác… để tác động vào một chủ thể có quyền, có chức vụ, người được phân công làm nhiệm vụ mà những người này có thể thay đổi được điểm thi, kết quả thi để đem lại lợi ích cho người nhờ, “chạy”.

Đối với vụ việc tại Hòa Bình, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một số bị can là cán bộ giáo dục về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, theo luật sư Cường, dường như CQĐT đã xác định tội danh chưa chính xác, bởi trong vụ án này, có bị can đã thừa nhận được hưởng 500 triệu đồng để sửa điểm.

Vì thế, tội danh khởi tố phải là “Đưa và nhận hối lộ” mới chính xác, bởi đã có người nhận thì phải có người đưa.

Với vụ việc ở Sơn La, nơi đang dần lộ diện nhiều em được nâng điểm là con em của cán bộ, đảng viên, luật sư nêu quan điểm: “Không ai tự dưng đi nâng điểm, sửa điểm cho các học sinh. Nghi vấn phụ huynh của các học sinh đã đưa tiền hoặc dùng quan hệ, chức vụ để tác động tới việc nâng điểm là điều mà dư luận có quyền đặt ra”.

T.Dũng

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/con-lanh-dao-duoc-nang-diem-thu-tuong-yeu-cau-xac-minh-hanh-vi-nhan-hoi-lo-d418974.html