'Con kiệt sức rồi, cho con nghỉ đàn một ngày'

Đó là thời điểm tôi bắt đầu hành trình đối đầu với người thân để bảo vệ con người mình... những năm tháng đó rút kiệt sức lực và gây cho tôi những hủy hoại tinh thần rất lớn.

Lời tác giả: Không bị bỏ rơi, không bị đánh đập, nhưng Hương, một nhân vật trong cuốn "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" có một tuổi thơ bị tàn phá. Bố mẹ của cô, những phụ huynh ái kỷ, sĩ diện đặc trưng, coi con mình như một công cụ để thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của họ, và do đó vô cảm trước những đau đớn của đứa trẻ. Cuối cùng, cô gái 20 tuổi này vẫn có thể sống được đúng theo con người mình, nhưng cái giá Hương phải trả mới đắt làm sao. Vào thời điểm này, cô vẫn phải tới bác sĩ tâm lý và vật lộn với những tổn thương của mình.

"Con kiệt sức rồi"

Cả nhà nội tôi theo nghiệp âm nhạc, và đó cũng là con đường duy nhất dành cho tôi mà bố mẹ có thể hình dung. Chị tôi học nhạc nhiều năm nhưng không chịu vào Nhạc viện, nên bố mẹ lại càng cương quyết với tôi. Ba tuổi, tôi bắt đầu phải học nhạc lý và xướng âm. Bốn tuổi, ngồi trên ghế chân còn chưa chạm đất, tôi bị bắt học piano.

Chị được bố mẹ giao kèm tôi học đàn, mỗi ngày ba, bốn tiếng, rồi tuần hai lần phải đèo tôi tới Nhạc viện trả bài cho cô. Tôi vừa tập vừa khóc, chị thì dỗ, dọa, mắng. Rồi bố mẹ lại mắng chị là không kèm được tôi, chị chui vào góc nhà, khóc. Đến giờ nhớ lại những cảnh đó tôi vẫn rùng mình.

Vào lớp Một thì một ngày của tôi kín đặc. Sáng học văn hóa, trưa bán trú ở trường, chiều về tới nhà thì ngồi ngay vào đàn, bảy giờ tối ăn cơm, sau đó làm bài cho sáng hôm sau. Ở lớp tôi sợ nhất là bị cô lấy thước kẻ đánh vào tay, vì buổi chiều đau sẽ không tập đàn được. Mỗi tuần tôi phải hoàn thành bốn, năm tiểu phẩm, nghỉ Tết thì còn nhiều hơn, không trả đủ bài sẽ bị mắng rất ghê.

Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao mình có thể nhồi nhét được khối lượng bài nhiều thế. “Con kiệt sức rồi”, tôi nói với mẹ, “cho con nghỉ đàn một ngày”. Mẹ không cho, “Tất cả là bố mẹ muốn tốt cho con thôi”. Một thời gian dài sau này tôi sợ nhìn vào bản nhạc.

Bị khiển trách, mắng mỏ, nhiếc móc mỗi ngày, tôi lớn lên với mặc cảm là mình không thể làm được điều gì nên hồn, mình không thực sự biết gì về âm nhạc cả. Giờ đây, khi đã trở thành một nghệ sĩ âm thanh, một người viết nhạc điện tử, đã cộng tác cùng nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, đã tham gia các chương trình trao đổi ở nước ngoài, có báo chí phỏng vấn, tôi vẫn phải hàng ngày chiến đấu với mặc cảm đó để có thể tập trung làm việc. Nó làm tôi bứt rứt muốn phát điên, kể cả lúc này, khi tôi đang nói ra những điều này với bạn.

Tôi sống như vậy 5 năm, tất cả nhằm để hướng tới kỳ thi trọng đại vào hệ piano trung cấp của Nhạc viện. Nửa năm trước kỳ thi thì mọi chuyện được nâng lên một mức độ mới. Mỗi buổi trả bài kéo dài một, hai tiếng, thay vì chỉ bốn lăm phút như trước kia. Cứ vài tuần cô lại lôi ra một quyển sách mới, để tôi tập song song với cuốn cũ.

Mấy tuần trước kỳ thi thì tôi thấy buồn nôn cuối mỗi buổi tập, đóng đàn lại thấy chóng mặt, có cảm giác muốn ngã vào cái ghế bên cạnh. Bố thì không có nhà, mẹ thì mải cơm nước, chị thì nghĩ tôi giả vờ để trốn tập. Rồi tôi lăn ra sốt mà không ai hiểu vì sao. Sau đó tôi đau bụng, mọi người tưởng bị ngộ độc thức ăn.

Rồi tôi bị đau đầu dữ dội và buổi đêm khóc vô cớ. Mẹ sợ quá, đem tôi tới Viện Nhi khám. Họ bảo tôi bị trầm cảm. Những hiện tượng đó là phản ứng của cơ thể tôi, một đứa trẻ chín tuổi, trước áp lực.

Cả năm sau đấy tôi đi lại giữa Viện Nhi và Bệnh viện Mai Hương. Tác dụng phụ của thuốc khiến tôi lúc nào cũng thấy bứt rứt, hay khóc, và đêm ngủ mê lảm nhảm. Trong thời gian đó, tôi vẫn phải học đàn, tuy cường độ giảm xuống, cho tới hôm cô giáo bắt tôi nghỉ.

Một năm sau, khi tôi đỡ hơn thì bố mẹ bắt tôi quay lại học đàn, vì “không thể để mấy năm học tự dưng phí như thế được”. Được nửa năm thì tôi ngẩng lên, bảo bố “Con không muốn học đàn nữa”. Bố giơ tay định tát tôi một cái nhưng may mẹ ngăn kịp. Giằng co hàng tháng trời, cuối cùng chị tôi nói “Nó không muốn học nữa thì thôi, đừng có ép”. Đó là thời điểm tôi bắt đầu hành trình đối đầu với người thân để bảo vệ con người mình. Vốn là một đứa trẻ lặng lẽ, ít nói, những năm tháng đó rút kiệt sức lực của tôi và gây cho tôi những hủy hoại tinh thần rất lớn.

Trước kia, bố là người sản xuất các chương trình biểu diễn nhạc nhẹ, một năm thì vắng nhà mười một tháng. Năm tôi 14 tuổi, bố dính vào lô đề, cờ bạc, nhà tôi vỡ nợ, phải vay bác bên nội nhiều tiền. Từ đó gia đình bất hòa, bố mẹ thường xuyên cãi nhau. “Mày phải nói với bố mày là đừng có mà tiêu hết tiền cho gái với lô đề”, mẹ hay nói với tôi, “mày phải tìm cách moi tiền từ tay bố mày”. Tôi vẫn nhớ cảm giác bất lực của mình trước bài toán mẹ trao.

Nhưng những gì tôi chịu đựng trong gia đình không thấm vào đâu so với chị tôi. Sau lưng chị, mẹ cay nghiệt về chuyện chị mãi không lấy chồng. Mẹ cho rằng như thế là bất hiếu và “không biết thương bố mẹ", mặc dù kể từ khi nhà tôi vướng vào nợ nần thì chị phải đứng ra đỡ đần về kinh tế. Tôi phản đối thì mẹ bảo “Mày lúc nào cũng bênh nó!”

Mẹ làm mối, bắt ép, chửi rủa, bắt đi cắt duyên âm, nhờ họ hàng gây áp lực, khiến chị như sống trong địa ngục. Một buổi tối, tôi đi về thì thấy nhà tối om, chị đang ngồi khóc ở trong phòng. Mẹ lại vừa mắng chị. Chị nói mình thừa khả năng ra ở riêng nhưng thương mẹ nên mới ở lại.

Trong khi mẹ xoay xở tìm cách trả món nợ thì chị trở thành người chăm sóc tôi, đóng tiền học, mua sách vở, quần áo, tổ chức sinh nhật cho tôi. Chị trách bố mẹ đã để cho tôi nhìn thấy cảnh hai người mắng chửi nhau. Năm sau, chị phát hiện khối u, sau thì biết là u lành, nhưng lúc đầu chị mất ngủ cả tuần. Chị lo là bị ung thư thì không nuôi được em.

Tôi xin lỗi, tôi kể lộn xộn quá, những kỷ niệm cứ ùa về… Tôi nhận ra là đến tận hôm nay tôi không tài nào khóc nổi mỗi khi nghĩ tới những chuyện đã xảy ra, mặc dù tôi biết là nếu khóc được thì mọi thứ sẽ đỡ bức bối hơn.

Đây là thời điểm đầu tiên tôi thử đối diện với quá khứ của mình. Bình thường tôi gặp rất nhiều cản trở tâm lý để có thể chia sẻ về cuộc sống riêng tư. Tôi đã rất cố gắng để có thể tới gặp bạn.

Âm nhạc vẫn trở nên rất quan trọng trong cuộc đời tôi, nhưng không theo cái cách mà bố mẹ tôi mong muốn. Từ hồi cấp Hai, tôi đã mày mò cài phần mềm và sáng tác nhạc. Đến lớp Mười một thì tôi bắt đầu sinh hoạt trong giới nhạc điện tử và đi diễn ở bên ngoài.

Chưa bao giờ bố mẹ vượt qua được nỗi thất vọng mà tôi gây ra cho họ, và vẫn ép tôi thi vào Nhạc viện, để thành “cái gì đó tử tế”. Đã quá muộn để vào khoa piano, nhưng họ nghĩ tôi có thể học lý luận hay phê bình âm nhạc gì đó, chỉ cần có cái bằng. “Nhà mình có nhiều mối quan hệ trong đó, kiểu gì thi chả đỗ”.

Bố mẹ không coi việc tôi làm nhạc điện tử là cái gì nghiêm túc. Tôi bị chửi trước khi đi diễn, khi đi diễn về, khi ngủ dậy vào sáng hôm sau. Mỗi khi có ai đã học Nhạc viện đến chơi, mẹ lại kháy “Đấy thấy chưa, người ta có bằng cấp, người ta được đào tạo bài bản, kiểu gì cũng hơn mày".

Mỗi đứa trẻ đều có một trải nghiệm quan trọng, cái mà chúng nhớ từng chi tiết nhỏ. Với tôi, đó là một buổi hòa nhạc tôi được dự khi mới tròn 16 tuổi. Hôm đó, Vladimir Ashkenazy, một nghệ sĩ piano huyền thoại của thế kỷ 20, cũng là người truyền cảm hứng và tình yêu âm nhạc cho tôi nhiều nhất, chơi ở Nhà hát Lớn. Tối đó, trời mưa to và lạnh buốt. Tôi đang ở trong một thời kỳ vô cùng tệ hại, nhiều lúc không có động lực để sống nữa. Các cơn cãi vã giữa tôi và bố mẹ, giữa bố và mẹ, giữa bố và bác, người cho nhà tôi vay nợ, ngày càng nhiều lên.

Để tránh mọi chuyện trở nên be bét hơn nữa, tôi cố gắng có thành tích ổn ở trường và cảm thấy mình đang đánh mất bản thân vì không được làm cái mình muốn. Tôi chẳng ưa gì lớp tôi, mấy đứa nhà nghèo thì bị cô lập, bọn còn lại thì ganh đua nhau. Tôi có nhiều ý tưởng nghệ thuật, nhiều hoài bão, nhưng tôi không thể thực hiện được. Tôi không muốn mình phí thời gian cho trường lớp nữa, nhưng làm sao để bố mẹ chấp nhận?

Bước chân vào Nhà hát Lớn, tôi thấy ấm cúng và thân thương. Đây là nơi tôi cảm thấy gắn bó và nó có một chút thiêng liêng. Tôi ngồi tít trên tầng ba, không nhìn thấy mặt nghệ sĩ, nhưng chính vì thế mà tôi tập trung được vào âm nhạc.

Tôi được lay động nơi tâm can sâu thẳm nhất và cảm thấy chao đảo, một sự chao đảo đẹp đẽ. Giờ giải lao, tôi thu mình đứng lặng lẽ ở một góc. Ở phần hai, Đêm trên núi trọc của Mussorgsky khiến tôi cảm thấy nghẹt thở và cảm động muốn khóc. Tôi không muốn đêm nhạc kết thúc.

Trong năm sau đó, cuộc sống của tôi vẫn tiếp tục là ác mộng. Tôi ốm liên miên, tâm thần hoảng loạn sau mỗi lần cãi nhau với bố mẹ. Nhưng trải nghiệm này vẫn sáng lấp lánh bên trong tôi, và khiến tôi tràn đầy lòng biết ơn. Nó cho tôi động lực để nghiêm túc coi âm nhạc như một nơi tôi sẽ dồn hết sức lực vào, dù nó là sự nghiệp hay chỉ là một tình yêu âm thầm trong cuộc sống.

Tôi mang trong mình tổn thương từ quá khứ

Âm nhạc là thứ duy nhất giữ tôi lại, ngăn không cho tôi kết thúc mọi thứ, nuôi dưỡng tôi qua những chai sạn triền miên về tinh thần. Đôi khi, trong những giấc ngủ vật vờ, tôi bật nhạc trong tai nghe thật to để át đi tiếng bố mẹ cãi nhau, và hồi tưởng đến buổi tối ở Nhà hát Lớn hôm đó, cả không khí trong phòng hòa nhạc lẫn cơn mưa tầm tã đến tận đêm. Trong những ngày khó khăn nhất của tuổi 16, 17, âm nhạc của Brahms, Mussorgsky, Maurice Ravel giữ cho tôi ngủ yên.

Tôi không bao giờ quên được quãng thời gian này, nó vĩnh viễn là một dấu ấn buồn mà tôi cảm thấy nhức nhối mỗi khi nhớ lại. Tôi ước gì các em họ của mình, các bạn bè ít tuổi hơn không bao giờ phải trải qua những cảm giác tệ hại đó.

Đầu năm lớp Mười hai, tôi quyết định bỏ học để dành trọn thời gian cho việc sáng tác nhạc. Bố mẹ nổi cơn thịnh nộ, nói rằng tôi “sướng mà không biết đường mà sướng”. Cho tới khi học bạ của tôi được rút ra thì không tuần nào không xảy ra chuyện giữa tôi một bên với bố mẹ và chị một bên. Tôi khóc triền miên, sức khỏe suy sụp, nằm sốt ở nhà và chỉ muốn được biến mất hoặc ngủ một giấc dậy thì trí nhớ bị xóa sạch.

May sao, hồi đó tôi mượn tài khoản Paypal của chị để nhận thù lao cho mấy việc freelance tôi làm cho vài dự án nghệ thuật đương đại, rồi người ta gửi mấy cái thiếp và catalog về nhà tôi. Thấy tôi làm được những chuyện như vậy, chị dịu lại. Mãi sau thì chị bảo bố mẹ “Thôi, để cho nó tự chịu trách nhiệm về cuộc đời nó, con không đồng ý nhưng cũng không phản đối”. Sau này tôi biết thêm là một vị sư mà chị hay lui tới khuyên chị giải thoát cho tôi, và chị nghe theo.

Ngày cuối cùng, tôi đứng cạnh cả lớp trong giờ thể dục trên sân trường và thấy mình không thuộc về nơi này. Đến giờ tôi vẫn thấy mình quyết định đúng, dù khá dị ứng với các bài báo tô hồng về chuyện sinh viên này sinh viên kia bỏ học để theo đuổi đam mê.

Sau khi nghỉ học, sức khỏe của tôi khá lên một chút, nhưng cảm giác bồn chồn và hoảng loạn vẫn không hết hẳn, nhiều buổi sáng tôi mất vài tiếng để rũ được các ác mộng ra khỏi đầu. Thỉnh thoảng sự hằn học của bố mẹ lại bùng lên. “Sau này mày sẽ phải hối hận. Lúc đó đừng có trách tao không bảo ban mày”.

Giờ đây, cuộc sống của tôi vẫn rất khó khăn, với những trận cãi vã trong gia đình, sự cô độc, và trạng thái tâm lý yếu ớt. Những cơn hoảng loạn tấn công đột ngột khiến tôi sợ hãi mà tôi không thể nói cho mẹ vì mẹ sẽ bảo không muốn nhìn thấy “cái thái độ ấy” của tôi.

Nhưng tôi thấy may mắn vì có thể làm được điều mình mong muốn. Thật may là sau những chuyện như vậy tôi vẫn giữ được tình yêu với âm nhạc, không như chị họ tôi. Chị ấy cũng bị bắt vào Nhạc viện, tầm mười mấy tuổi thì ho ra máu và đổ bệnh vì stress. Tốt nghiệp Nhạc viện xong, chị quay ra làm truyền thông và không muốn liên quan gì tới âm nhạc nữa.

Mấy năm qua, tôi tiếp tục tự học về nhạc điện tử và làm việc với các nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm hơn. “Mày là thất bại của gia đình”, thỉnh thoảng mẹ vẫn nhìn tôi cho laptop vào túi, chuẩn bị ra khỏi nhà, và nói vậy. Sau khi tôi được mời tham gia vào một chương trình trao đổi quốc tế thì mẹ có vẻ bắt đầu có chút gì như là công nhận công việc của tôi, mặc dù mẹ vẫn không hiểu nó là cái gì. “Năm sau quay lại đi học nhớ?” Thỉnh thoảng mẹ vẫn gạ. “Hở? Hay là năm sau vào Nhạc viện?”

Hôm nào bố ở nhà thì sáu giờ sáng tôi sẽ bị thức giấc vì bố mẹ bắt đầu cãi nhau. Từ chuyện lớn như nợ nần tới chuyện nhỏ như là bố vấp phải cái quạt. Bố sẽ chửi bác tôi, tức là anh ruột của mình, rồi chửi sang vợ bác ấy, rồi sang các cô chú bên ngoại. Mẹ sẽ cãi lại để bênh. Bố sẽ nói lũ em nhà mày thế này thế nọ, còn mẹ sẽ nói, anh nói thế nào, chúng nó làm gì đến nỗi thế. Từ lâu tôi đã tập không để ý tới cái đống âm thanh đó. Sau đó chị tôi dậy và mẹ sẽ mắng chị là bất hiếu vì chị không lấy chồng.

Đã có lần bố mẹ suýt ly dị, nhưng lại ở lại với nhau vì được khuyên là nên “nghĩ tới con cái”. Chị tôi vẫn tiếc, chị nói giá họ bỏ nhau sớm thì mình còn giữ được những hình ảnh tốt đẹp của hai người, mình không phải chứng kiến họ đối xử với nhau kinh khủng như thế nào. Có lần, khi bố mẹ đang chửi nhau rất kinh thì chị xen vào “Hay bố mẹ bỏ nhau đi?” Hai người im bặt, rồi bố quay ra vặc chị “Mày đừng làm tao điên lên!” Chị lại nói “Những gì con chứng kiến ở bố mẹ khiến con không muốn lấy chồng đấy!” Hai người đơ ra, đầy tức tối, vẻ mặt hiện rõ câu hỏi “Ơ, tao làm gì sai mà mày lại nói tao như thế?”

Tôi nghĩ là họ bất ngờ thật. Bố luôn nghĩ là mình đã làm hết trách nhiệm với con cái và hay tự khen về cách dạy con của mình. Mẹ nghĩ mình chỉ có hai thiếu sót: Một là đã quá chiều nên tôi trở thành đứa kém cỏi trong giao tiếp, hai là không thuyết phục được chị đi lấy chồng. Mẹ không nghĩ rằng quan hệ lủng củng giữa bố và mẹ là lý do chúng tôi cảm thấy không hạnh phúc.

Tôi không giận bố mẹ, tôi nghĩ họ là những người đáng thương. Họ đã dành cả tuổi trẻ và tuổi trung niên của mình ra để mạt sát nhau. Bố là người cô đơn, mặc dù ông giao du nhiều trong giới nhạc. Và ông bất hạnh, bất hạnh bởi sự căm ghét và thù hận bên trong mình. Từ nhỏ đến lớn tôi đã thấy quá nhiều sự hằn học trong gia đình mà tôi sẽ không thể nào quên. Bố không có mặt trong đám tang ông ngoại, không sang chúc Tết bà ngoại, cay nghiệt với mẹ khi mẹ chăm ông bà ngoại. Mẹ không bao giờ nói điều gì tốt đẹp về bà nội, dù bà đã mất hơn 20 năm.

Mẹ cũng cô đơn, nên mẹ bấu víu vào con cái, theo nghĩa đen luôn. Mẹ không chịu đựng được việc ở nhà một mình, lúc nào cũng phải có người bên cạnh. Những đợt mà chị đi công tác, tôi cũng phải đi diễn, thì mẹ sẽ chì chiết là chúng tôi không bao giờ biết nghĩ tới mẹ, không biết làm trọn đạo làm con, toàn đi lo chuyện bao đồng bên ngoài. Chị và tôi nói với nhau là mẹ muốn chúng tôi ở bên, nhưng mẹ không thực tâm muốn gần con cái. Tôi đã ngừng chia sẻ nội tâm của mình từ lâu. Tôi có nói ra được một câu thì sẽ bị cắt lời và bị bắt nghe những lý lẽ tràng giang đại hải.

Có hôm tôi nói với mẹ là những mâu thuẫn trong nhà đã khiến tôi bị tổn thương vô cùng. Mẹ lại tưởng tôi khóc vì chuyện yêu đương. Tôi phải nói thẳng một lần nữa, rất rõ ràng, là mình khóc vì chuyện trong gia đình. Đến lúc này mẹ vẫn không chấp nhận là bố mẹ đã làm đau hai đứa con như thế nào, vẫn không thừa nhận trách nhiệm của mình. “Ôi giời! Nhà nào chả có mâu thuẫn. Cãi nhau qua lại là chuyện bình thường”.

Tuần trước, tôi quay lại Nhà hát Lớn để tham gia một đêm diễn. Tôi vào nhà hát rất lâu trước khi chương trình bắt đầu, ngồi một mình giữa các hàng ghế trống, cảm nhận sự bình yên và thiêng liêng. Tôi không hề tiếc nuối những đánh đổi của mình để được sống như hôm nay. Con cái không có trách nhiệm làm theo kỳ vọng của bố mẹ. Tôi thấy may mắn là giờ đây tôi có sự độc lập để tự quyết mọi thứ. Bố mẹ không thể ra lệnh cho tôi là tôi phải làm gì, phải sống như thế nào được nữa.

Cuộc sống trước mắt tôi không đơn giản. Hết buổi diễn, tôi vẫn phải về nhà. Tôi vẫn mang trong mình đầy những tổn thương từ quá khứ, nhiều khi tôi ước mình xóa được những kỷ niệm tuổi thơ ra khỏi đầu. Nhưng trong buổi tối đó, tôi có cái để nương tựa vào, có nơi chốn để tôi có thể thực sự gọi là nhà, nơi tôi được là chính mình. Tôi có âm nhạc. Tôi không thay đổi được những chuyện đã xảy ra nữa, tôi chỉ biết cố gắng sống tốt nhất có thể với những thứ mình đang có.

Trích từ "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" - tác giả Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam xuất bản năm 2020.

Đặng Hoàng Giang
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/con-kiet-suc-roi-cho-con-nghi-dan-mot-ngay-post1064772.html