Cơn khủng hoảng của Boeing: Không đơn giản chỉ là an toàn bay

Chỉ trong vòng 5 tháng, hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc trên hai chuyến bay của Lion Air và Ethiopian Airlines đã xảy ra, khiến cả thế giới hoài nghi về độ an toàn của máy bay Boeing 737 MAX 8 - phiên bản mới nhất của dòng Boeing 737.

Trong bối cảnh nguyên nhân chính xác của những vụ tai nạn vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu đã ra lệnh cấm bay đối với máy bay 737 MAX 8, khiến “gã khổng lồ hàng không” Boeing của Mỹ rơi vào khủng hoảng toàn cầu.

Truyền thông cho rằng, phía sau làn sóng cấm sử dụng máy bay “thần chết” này có thể ẩn chứa những “thuyết âm mưu” nào đó(?!).

Những sự cố đáng ngờ

Thảm kịch hàng không của Boeing 737 MAX 8 với Ethiopian Airlines (ngày 10-3-2019), và trước đó là Lion Air (29-10-2018), giáng đòn chí tử vào uy tín của Boeing khi dòng MAX được coi là “con át chủ bài” cạnh tranh trực tiếp với dòng phi cơ SE của Airbus.

Chỉ trong vòng 5 tháng, hai vụ tai nạn hàng không của Lion Air và Ethiopian Airlines khiến cả thế giới hoài nghi về độ an toàn của máy bay Boeing 737 MAX 8.

Chỉ trong vòng 5 tháng, hai vụ tai nạn hàng không của Lion Air và Ethiopian Airlines khiến cả thế giới hoài nghi về độ an toàn của máy bay Boeing 737 MAX 8.

Hiện nay, sự nghi ngờ hướng đến Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS) - được thiết kế để ngăn các phi cơ Boeing 737 MAX thất tốc khi bay. Giới điều tra cho rằng, hai vụ tai nạn xuất phát từ lỗi cảm biến khiến MCAS đọc sai thông tin và liên tục điều khiển máy bay “thần chết” chúc mũi xuống đất.

Thế nhưng, tiết lộ gây sốc hơn là phi công không được thực hành lái mô phỏng Boeing 737 MAX 8, mà chỉ tham gia một khóa huấn luyện kéo dài hai giờ trên... iPad. Phía Boeing và Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) cho rằng lái thử không cần thiết khi phi công đã có kinh nghiệm lái những chiếc Boeing thế hệ trước. Ngoài ra, cẩm nang hướng dẫn bay được soạn thảo bởi những phi công kinh nghiệm nhất đã không đề cập tới phần mềm MCAS.

Hai sự cố “rất đáng ngờ” đã đẩy Boeing vào một cuộc khủng hoảng hàng không sau “cơn bão” lệnh cấm bay với dòng 737 MAX trên toàn cầu, đồng thời khiến FAA bị điều tra liên quan đến quy trình cấp phép cho máy bay Boeing 737 MAX.

Tờ The New York Times tiết lộ, FAA từ năm 2009 đã ủy thác một số phần trong quy trình cấp chứng chỉ bay cho chính nhà sản xuất máy bay hoặc các chuyên gia bên ngoài do ngân sách bị cắt giảm. FAA đã để chính kỹ sư của Boeing đánh giá về MCAS, đồng thời bỏ qua những phân tích an toàn ban đầu chứa một số lỗ hổng nghiêm trọng do bên Boeing cung cấp.

Giới điều tra cũng nghi ngờ sự minh bạch của FAA sau khi có thông tin chính các phi công Mỹ nhiều lần phàn nàn nghiêm trọng về hệ thống mới nhưng chỉ nhận lại “ánh nhìn thờ ơ”. Dường như FAA đã “bật đèn xanh” cho Boeing tự do để bắt kịp với những công nghệ tối tân hơn của đối thủ Airbus.

Trong bối cảnh này, FAA từ chối bình luận về cuộc điều tra, cho rằng chương trình cấp chứng chỉ cho 737 MAX tuân thủ đúng quy trình tiêu chuẩn, dựa trên danh tiếng lâu đời với những thiết kế máy bay “chắc chắn an toàn” của Boeing.

Khủng hoảng lan rộng

Truyền thông cho rằng, hai vụ tai nạn cho thấy Boeing dường như đang muốn che giấu sự thật. Trong vụ tai nạn của Ethiopian Airlines, trước đó phi công đã báo cáo điều khiển máy bay gặp khó khăn, khi đầu máy bay xuất hiện vấn đề chúc xuống dưới.

Còn với vụ Lion Air, có chuyên gia nghi ngờ do MCAS mới cập nhật dẫn đến thảm họa. Boeing sau đó không đưa ra giải pháp cụ thể nào mà chỉ dừng lại ở việc đưa ra bản hướng dẫn phi công xử lý nếu gặp tình huống tương tự hay tuyên bố “sẽ” thay thế phần mềm liên quan, làm dấy lên nghi ngờ che đậy rủi ro tiềm tàng của hệ thống đề phòng mất tốc độ.

Bên cạnh đó, lệnh cấm bay cùng hàng loạt những đơn hàng bị hủy bỏ hoặc chờ đàm phán lại khiến Boeing lao đao được cho rằng vượt ra khỏi lý do “an toàn bay”. Thuyết âm mưu được hình thành, cho rằng đối thủ cạnh tranh của Boeing là Airbus đang “động thủ”.

Việc EU nhanh chóng đưa ra phản ứng loại bỏ 737 MAX được suy đoán từ mối quan hệ mật thiết với Airbus, sau cáo buộc từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng EU đã vi phạm quy định hỗ trợ cho Airbus tranh giành thị phần hàng không vào năm 2016.

Tiếp đó, vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia khiến Boeing càng thêm lo ngại về các hợp đồng bán máy bay cho Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh là thị trường xuất khẩu đơn lớn nhất của Boeing.

Thảm họa Boeing 737 MAX đã khiến Bắc Kinh trở nên dè chừng với Boeing, mở ra cơ hội cho Airbus tiến sâu vào thị trường Trung Quốc vốn đang cần giải quyết nhu cầu ngày càng lớn về máy bay. Hiện có những dấu hiệu tích cực cho thấy cơ hội có thể đến với Airbus khi hãng sắp đạt được một thỏa thuận được đàm phán lâu ngày với Trung Quốc về hàng chục chiếc máy bay thân hẹp.

Tuy nhiên, truyền thông cảnh báo, khủng hoảng Boeing có thể sẽ lan sang lĩnh vực thương mại, thậm chí là chính trị và ngoại giao. Việc Trung Quốc đi đầu quyết định cấm bay đối với Boeing 737 MAX là điều ngoài dự đoán, khi mà quốc gia này là khách hàng lớn của ngành chế tạo máy bay của Mỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng, động thái của Bắc Kinh có liên quan đến cuộc chiến thương mại song phương với Washington hiện nay, tiếp tục phủ bóng đen lên các nhà sản xuất máy bay Mỹ - vốn đang hy vọng về những đơn đặt hàng lớn có liên quan tới một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã trở thành vấn đề gây rủi ro ngày càng lớn cho ngành chế tạo máy bay ở Mỹ. Hàng trăm máy bay Airbus cứ ùn ứ ở châu Âu vì Trung Quốc chưa “gật đầu”. Một vài nguồn tin cho rằng, nguyên nhân nằm ở yếu tố chính trị hơn là yếu tố kỹ thuật, có thể do Bắc Kinh và châu Âu đã thống nhất về hiệp định an toàn kỹ thuật hàng không mới.

Trong khi đó, Boeing không giành được bất kỳ đơn đặt hàng nào từ Trung Quốc trong năm 2018, rơi vào trạng thái “đi trên dây” sau hàng loạt những đòn trả đũa thuế quan giữa hai bên. Rơi vào khủng hoảng, dường như Boeing sẽ chẳng thể làm tốt vai trò người hòa giải cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như giới quan sát kỳ vọng...

Nam Hồng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/con-khung-hoang-cua-boeing-khong-don-gian-chi-la-an-toan-bay-537289/