Còn khó khăn trong cung cấp thực phẩm an toàn có xác nhận qua chuỗi liên kết

Mặc dù các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đã nỗ lực xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT), nhưng tỷ lệ sản phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp qua các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh cung ứng TPAT có xác nhận còn ở mức thấp.

Công nhân Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng (TP Thanh Hóa) đóng gói sản phẩm rau an toàn.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng TPAT; trong đó, có 193 chuỗi cung ứng lúa, gạo; 219 chuỗi cung ứng rau, quả; 269 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm; 102 chuỗi cung ứng thủy sản và các sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ sản phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp qua các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh TPAT có xác nhận chỉ đạt 34,5% (trong đó, gạo 34%; rau, củ, quả 47%; thịt gia súc, gia cầm 33,7%; thủy sản 30,3%)... Nguyên nhân, do thị trường tiêu thụ TPAT gặp nhiều khó khăn, giá bán còn cao; chi phí sản xuất cao nên khả năng cạnh tranh thấp, gây khó khăn cho việc duy trì, phát triển và mở rộng các sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT. Chưa tạo được động lực thúc đẩy người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng TPAT. Địa bàn quản lý rộng, lực lượng cán bộ tham mưu, thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại các đơn vị trực thuộc còn thiếu. Phần lớn ở cấp huyện, cấp xã hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả tham mưu quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Tìm hiểu thực tế tại các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung và được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, tại các xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), xã Vạn Hòa (Nông Cống), xã Thọ Hải (Thọ Xuân), phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa)... Theo người dân sản xuất tại các vùng rau an toàn, hiện nay mới chỉ khoảng 30% sản lượng rau, củ, quả được tiêu thụ theo hợp đồng liên kết; trong đó, chỉ có 3 - 5% được nhập bán cho các siêu thị, còn lại được tiêu thụ ở các chợ truyền thống hoặc chợ đầu mối. Ngoài ra, việc kích cầu tiêu thụ rau an toàn từ liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân tuy đã có, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

Trước thực trạng trên, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về TPAT nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác đảm bảo TPAT cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng TPAT, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GAHP, GaqP, GHP, GMP, HACCP, SSOP) vào sản xuất... Các đơn vị liên quan, các địa phương trong tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu “Thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng TPAT có xác nhận” đã đề ra. Xây dựng và nhân rộng các chuỗi giá trị nông sản, thủy sản an toàn đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo hướng ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Thúc đẩy liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, kinh doanh TPAT. Đồng thời, phát huy vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/con-kho-khan-trong-cung-cap-thuc-pham-an-toan-co-xac-nhan-qua-chuoi-lien-ket/133578.htm