Còn hơn 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 12/7, tại Hà Nội. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo: Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; các bộ, ban, ngành và UBND một số tỉnh/ thành phố.

Phấn đầu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công

Trong hơn hai thập kỷ qua, dưới sự Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thường xuyên, sát sao, cùng với sự nỗ lực liên tục, không ngừng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,23% năm 2018. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong các quốc gia đạt các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, người có công với cách mạng là đối tượng luôn được Nhà nước tập trung ưu tiên giải quyết đầu tiên, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện. So với mức sàn an sinh xã hội thì đối tượng người có công đạt cao nhất, cao hơn tất cả các nhóm chính sách khác. Về cơ bản người có công không còn hộ đói, hộ nghèo ở dưới mức sàn an sinh xã hội. “Tuy nhiên, theo tổng hợp kết quả giảm nghèo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn trên 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước). Đây thực sự là điều trăn trở khi mà chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để người có công sống dưới mức sàn an sinh xã hội, vẫn còn thành viên là người có công vẫn đang còn sống trong hộ nghèo”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo, để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công thuộc hộ nghèo, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đến hết năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công. Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của người có công thuộc hộ nghèo từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để hộ người có công nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.

Nhiều giải pháp để không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi cho biết, việc phân loại đối tượng hộ nghèo thời gian qua đã giúp cho các địa phương, các cấp, các ngành nhìn được bức tranh tổng thể về đối tượng nghèo để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng là hộ nghèo hay hộ nghèo thuộc nhóm chính sách bảo trợ xã hội không còn khả năng lao động, hay hộ nghèo có thành viên thuộc đối tương chính sách người có công. Thực tế cho thấy, do đặc thù của từng vùng, từng địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công có nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả nguyên nhân chủ quan (như hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa...) và nguyên nhân khách quan (do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học…), nhiều địa phương cũng đã đánh giá, phân loại nguyên nhân để ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ như Quảng Nam, Đồng Tháp…

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị các địa phương vào cuộc để giúp đỡ các hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công.

“Tuy nhiên, về cơ bản thì hiện nay cũng còn nhiều tỉnh vẫn chưa thực sự có giải pháp căn cơ để giảm hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, do số lượng hộ nghèo thuộc chính sách khá lớn, trong khi đa số đều là hộ người có công không được hưởng trợ cấp hàng tháng cao tuổi, hộ gia đình nhiều nhân khẩu ăn theo, không có lao động hoặc bệnh tật…”, ông Thi cho hay.

Để giải quyết tình trạng nghèo của hộ nghèo có thành viên thuộc diện đối tượng người có công, bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công đề xuất một số đề xuất giải pháp cụ thể. Đó là, cần rà soát đánh giá thực trạng, nguyên nhân dẫn đến nghèo của những hộ nghèo ở từng cấp địa phương để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ đối với từng địa phương cho phù hợp, tăng hiệu quả của chính sách giảm nghèo. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người có công và con em họ về giải quyết việc làm, chủ động tìm kiếm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc để tăng thu nhập. Hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo mà có người có công thông qua chương trình giảm nghèo của nhà nước, cụ thể: Chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn...

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người có công vay vốn đầu tư cho sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, giải ngân cho các đối tượng vay vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, mục đích sử dụng vốn, đánh giá hiệu quả, chỉ tiêu tạo việc làm cho người có công tăng thêm qua các dự án vay vốn. Hỗ trợ người có công và con em của họ khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua việc cung cấp các kiến thức, thông tin, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường.

Đến cuối năm 2018, có 53/63 tỉnh, thành phố còn 16.560 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công chiếm 1,27% tổng số hộ nghèo cả nước. Trong đó: có 2 tỉnh có trên 1.000 hộ (Nghệ An và Quảng Bình); Từ trên 500 đến dưới 1.000 hộ có 8 tỉnh (Hà Tĩnh, Bình Định, Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Quảng Nam, Sơn La); Từ trên 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh (Bến Tre, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn, Kon Tum, Thái Bình, Sóc Trăng); Từ 100 đến dưới 300 hộ: 21 tỉnh (Hòa Bình, Hậu Giang, Điện Biên, Ninh Bình, Tiền Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Hưng Yên, Lào Cai, Nam Định, Đắk Nông, Vĩnh Long, Hà Nam, Bắc Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Bình Thuận, Trà Vinh); và dưới 100 hộ có 13 tỉnh (Long An, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Dương, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Bình Phước, Bắc Ninh, Hải Phòng) và 10 tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công (Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương).

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/con-hon-16-nghin-ho-ngheo-co-thanh-vien-thuoc-doi-tuong-nguoi-co-cong-d101537.html