Cơn hoảng loạn trên thị trường cho vay ngang hàng Trung Quốc

Nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc đang lo lắng vì có nguy cơ mất trắng khi chứng kiến làn sóng các nền tảng tài chính cho vay theo hình thức ngang hàng ở nước này đóng cửa trong những tuần gần đây giữa lúc các cơ quan quản lý siết chặt quản lý tình trạng bát nháo trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Các nhà đầu tư của nền tảng cho vay ngang hàng Yinduo tụ tập bên ngoài trụ sở chính quyền thành phố Bắc Kinh hôm 20-7. Ảnh: WSJ

Hàng loạt nền tảng tài chính rơi rụng

Tờ The Wall Street Journal cho biết từ cuối tháng 6 đến nay, trên khắp Trung Quốc, hơn 200 nền tảng tài chính cho vay ngang hàng đã phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần do vỡ nợ hoặc đang lâm vào tình cảnh thiếu tiền mặt, khuyết các vị trí lãnh đạo và các vấn đề khác, theo cổng thông tin thị trường cho vay ngang hàng Wangdaizhijia.

Cho vay ngang hàng (peer to peer lending – P2P) là hình thức một công ty công nghệ tài chính cung cấp một nền tảng trực tuyến để kết nối người có nhu cầu vay tiền (cá nhân hoặc doanh nghiệp) với người cho vay, với các thủ tục xét duyêt và thẩm định cho vay đơn giản và nhanh chóng.

Tình hình chuyển biến xấu vào cuối tháng 6, khi đến thời hạn cuối mà các cơ quan quản lý Trung Quốc bao gồm Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) yêu cầu các nền tảng tài chính phải nộp các sổ sách hoạt động, chẳng hạn như chi tiết về hoạt động kinh doanh của họ bao gồm các đối tượng cho vay và các biện pháp quản lý rủi ro cho các cơ quan quản ý ở địa phương. Dựa vào các thông tin này, các cơ quan quản lý sẽ cấp phép hoạt động chính thức cho các công ty cho vay ngang hàng có đủ năng lực và loại bỏ những công ty có độ rủi ro cao. Mặc dù thời hạn cuối này đã được dời lại vì các cơ quan quản lý trung ương vẫn đang tìm cách dung hòa xung đột với các quy định tại địa phương nhưng việc hàng loạt nền tảng tài chính rơi rụng đã tạo ra một cơn hoảng loạn cho những nhà đầu tư đã gửi tiền cho các nền tảng này.

Các nhà phân tích cho biết khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ, khiến một số nền tảng cho vay ngang hàng phải đóng cửa vì vỡ nợ. Các nhà đầu tư, vốn đang lo sợ trước các động thái siết chặt quản lý của nhà chức trách, bắt đầu ồ ạt rút tiền, càng khiến các nền tảng cho vay rơi vào cơn túng quẫn tiền mặt.

Nhiều nhà đầu tư trắng tay

Làn sóng đóng cửa ồ ạt của các nền tảng tài chính cho vay ngang hàng khiến Ji Zheng trở tay không kịp. Bác sĩ khoa châm cứu này mất 50.000 nhân dân tệ (hơn 7.400 đô la) mà anh đầu tư vào nền tảng Tourongjia.com vì công ty cho vay ngang hàng này đột ngột đóng cửa mà không hề báo trước vào hồi đầu tháng 7.

Tuần trước, nền tảng cho vay ngang hàng Yinduo, nơi Zheng đã đầu tư 77.000 nhân dân tệ, cũng đóng cửa nốt.

“Mọi người đang cố tìm cách rút lại vốn đầu tư nhưng đã quá trễ”, anh nói tại một đồn cảnh sát ở Bắc Kinh, nơi mà anh và một số nhà đầu tư khác đang nộp đơn tố cáo hành vi xù nợ của các nền tảng tài chính.

Tourongjia.com vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào. Trong khi đó, nền tảng Yinduo ra thông báo cho biết công ty mất khả năng hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư. Yinduo nói giám đốc điều hành của công ty đã ra trình diện cảnh sát và công ty đang có tìm cách truy tìm người nằm giữ tài chính thực sự của Yinduo.

Hôm 20-7, một nhóm nhà đầu tư của nền tảng cho vay ngang hàng Yinduo đã tụ tập biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền Bắc Kinh với hy vọng gây áp lực để nhà chức trách giúp họ đòi tiền lại. Họ đến từ mọi miền đất nước, có người đến từ Tân Cương.

Nhiều nhà đầu tư phàn nàn vào hồi đầu tháng này rằng họ không thể rút tiền từ nền tảng cho vay trực tuyến Zhuaqianmao có trụ sở ở thành phố Hàng Châu. Sun Lei, nhà đầu tư 32 tuổi đến từ Thượng Hải, cho biết anh mất 600.000 nhân dân tệ, số tiền mà anh huy động từ gia đình để góp vào nền tảng Zhuaqianmao. Thông báo của cảnh sát cho biết họ đang điều tra công ty mẹ của Zhuaqianmao, bị cáo buộc đã “cuỗm” tiền gửi của các nhà đầu tư.

Chấn chỉnh tình trạng bát nháo

Các công ty tài chính cho vay ngang hàng giúp kết nối các khách hàng vay với người cho vay song ở Trung Quốc, các công ty này hoạt động giống như là nơi huy động vốn từ các nhà đầu tư để cung cấp các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao cho các doanh nghiệp đang kẹt tiền mặt. Ảnh: Medium

Các công ty tài chính cho vay ngang hàng kết nối các khách hàng có nhu cầu vay tiền với các nhà đầu tư và họ được hưởng phí khi một giao dịch thành công. Song ở Trung Quốc, các công ty này hoạt động giống như là nơi huy động vốn từ các nhà đầu tư để cung cấp các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao cho các doanh nghiệp đang kẹt tiền mặt.
Các công ty dạng này nở rộ trong vào những năm trước đây ở Trung Quốc, giúp hàng chục triệu doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn mà họ không thể tìm được ở các ngân hàng thương mại lớn vốn đặt ra các điều kiện thẩm định cho vay nghiêm ngặt. Vì các điều kiện cho vay dễ dãi nên các công ty công nghệ tài chính đối mặt với rủi ro vỡ nợ cao nếu không thể thu hồi các khoản nợ. Nhiều công ty công nghệ tài chính cho vay ngang hàng với mức lãi suất cao cắt cổ lên đến 36% rồi dùng các biện pháp đe dọa để thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ tài chính lợi dụng mô hình này để lừa đảo, dụ dỗ mọi người góp tiền đầu tư bằng cách cam kết trả mức lãi suất cao nhưng thực tế là huy động tiền của người sau trả tiền cho người trước.

Cho vay ngang hàng phát triển nở rộ nhờ sự khuyến khích của nhà chức trách vốn xem các dịch vụ tài chính dựa vào công nghệ như là một động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2012-2015, số lượng nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc tăng 18 lần.

“Quả bom” đầu tiên trên thị trường cho vay ngang hàng phát nổ vào cuối năm 2015 khi Ezubao, nền tảng cho vay ngang hàng lớn nhất Trung Quốc sụp đổ, khiến hàng trăm ngàn nhà nhà đầu tư mất trắng 7,6 tỉ đô la trong một vụ án mà chức trách sau đó kết luận là lừa đảo theo mô hình Ponzi (huy động tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước)

Bắt đầu từ năm 2016, các cơ quan quản lý Trung Quốc phát động chiến dịch chấn chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng với các quy định nghiêm ngặt, chẳng hạn cấm các nền tảng tài chính huy động tiền từ nhà đầu tư để thực hiện các dự án riêng của họ, giới hạn số tiền tối đa mà một cá nhân hay một doanh nghiệp được phép vay từ một nền tảng tài chính....

Đến cuối tháng 6-2018, chỉ còn 1.836 nền tảng cho vay ngang hàng so với con số hơn 5.000 vào năm 2014. Quy mô cho vay ngang hàng ở Trung Quốc vẫn còn nhỏ, khoảng 1,3 nghìn tỉ nhân tệ, tương đương 1% tổng nợ chưa trả ở các ngân hàng thương mại nước này, theo công ty dữ liệu Wind Information. Một số nhà phân tích cảnh báo đổ vỡ ở thị trường cho vay ngang hàng có thể trở thành một vấn đề lớn hơn nếu nó lan ra các ngành khác có mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hơn như ngân hàng và bất động sản.

Các cơ quan quản lý tài chính đã vào cuộc vào ban hành các quy định siết chặt hoạt động cho vay ngang hàng. Tuy nhiên thực hiện chúng là một thách thức lớn vì nhiều nền tảng cho vay ngang hàng đăng ký hoạt động giống như doanh nghiệp bình thường trong khi các quan chức địa phương không có kinh nghiệm quản lý hoạt động cho vay trực tuyến. Paul Shi, người đồng sáng lập Wangdaizhijia, cho biết cơ quan quản lý ngân hàng ở Trung Quốc không có đủ nhân sự hoặc nguồn lực để kiểm soát ngành công nghệ tài chính cho vay ngang hàng.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276224/con-hoang-loan-tren-thi-truong-cho-vay-ngang-hang-trung-quoc.html