Con hết biếng ăn, háo hức mỗi bữa nhờ cách sử dụng gia vị chế biến món ăn cực khoa học của 9X Sài thành

Chị Thoa (28 tuổi, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) luôn ưu tiên việc sử dụng những gia vị tự nhiên để tạo nên độ ngọt trong món ăn cho bé.

9X Sài thành chia sẻ, nêm gia vị quá sớm ở độ tuổi mới bắt đầu ăn dặm sẽ dẫn đến rối loạn vị giác, nguy cơ gây ra biếng ăn ở trẻ nhỏ. Quan trọng hơn hết, dư thừa muối, đường cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

Chị Thoa và bé Gold (Ảnh: NVCC)

Chị Thoa và bé Gold (Ảnh: NVCC)

Trẻ nhỏ khác người lớn, vị giác của các con gần như "tờ giấy trắng" chính vì thế trẻ không hề đòi hỏi phải có mắm muối mới ăn được, thức ăn không muối không có nghĩa rằng không có hương vị. Thay vào đó, mẹ có thể sử dụng các gia vị tự nhiên kết hợp cùng hương vị vốn có của thực phẩm, để tạo nên món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, mẹ cũng nên quan sát phản ứng cơ thể của bé mỗi khi dùng một loại gia vị mới nhé.

“Có thể nhiều mẹ chưa biết, nhưng trong sữa và các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, thịt cá, trái cây, rau tươi đều có chứa một lượng muối nhất định, hàm lượng muối tự nhiên trong các thực phẩm này hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu muối của cơ thể trẻ. Do đó không cần phải nêm thêm mắm, muối, gia vị vào khẩu phần ăn dặm của bé trước khi bé được 1 tuổi. Sau 1 tuổi được nêm gia vị nhưng hãy cố gắng duy trì chế độ ăn nhạt hơn so với người lớn”, chị Thoa nhấn mạnh.

Bé Gold rất bụ bẫm và đáng yêu (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, bà mẹ trẻ cũng nêu lên một số hậu quả nếu trẻ ăn quá nhiều muối và đường. Theo đó, con sẽ bị giảm chức năng hệ bài tiết, nguy cơ suy thận, loãng xương, bệnh tim mạch và bệnh tiêu hóa. Trong khi đó, nếu ăn quá nhiều đường con sẽ dễ bị sâu răng, béo phì, thiếu chất, lười ăn, tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Gia vị tự nhiên trong ăn dặm

Dựa trên những kiến thức đã đúc kết từ quá trình học hỏi, chị Thoa thường chia gia vị thành các nhóm như sau :

- Gia vị có nguồn gốc động vật: Bé dưới 1 tuổi chưa sử dụng được: các loại mắm nêm, mắm tôm, mắm ruốc, mắm cá (cá linh, cá lóc….), mật ong…

- Gia vị có nguồn gốc vô cơ: Bé dưới 1 tuổi chưa sử dụng được: Muối, đường, bột ngọt, hạt nêm…được sản xuất mà chúng ta vẫn hay ăn hằng ngày.

Nếp ăn ngủ của con rất điều độ và khoa học (Ảnh: NVCC)

- Gia vị có nguồn gốc thực vật: Bé dưới 1 tuổi đã sử dụng được: Các loại lá: ngò rí, hành, thì lá, lá chanh, lá dứa, rau quế, ngò gai, bạc hà, tía tô,...các loại trái: chanh, tắc, khế, bưởi, me, khóm, chanh leo...

Ngoài ra còn có: nấm đông cô, nước cốt dừa, nước táo, lê, ngũ vị hương, bột cà ri, bơ thực vật...Như vậy, tùy món mà các mẹ có thể biến tấu thêm những gia vị tự nhiên trên để món ăn hấp dẫn hơn. Ở độ tuổi bắt đầu ăn dặm, trẻ cần phát triển vị giác dựa trên vị tự nhiên của thực phẩm, giúp vị giác của trẻ ổn định và dễ thích nghi ở giai đoạn sau.

Cách dùng các loại gia vị để chế biến món ăn của mẹ Gold

Theo đó, chị Thoa chia theo từng giai đoạn của bé để có cách nên gia vị phù hợp, bé dưới 1 tuổi nói không với nhóm động vật và vô cơ, chỉ được phép sử dụng những gia vị có nguồn gốc thực vật tự nhiên.

“Giai đoạn 1 (6-7 tháng): ở giai đoạn này bé mới tập làm quen với mùi vị thức ăn, nên mình chỉ cho bé ăn riêng biệt của từng loại thực phẩm, chủ yếu hấp rồi rây ra để cho bé ăn riêng từng món.

Giai đoạn 2 (8 tháng -1 tuổi): lúc này mình đã giới thiệu cho bé các gia vị thực vật tự nhiên nhẹ nhàng, liều lượng rất nhỏ, cụ thể là gừng, nghệ, hành, ngò, tiêu, hành tây, nước táo, nước lê, nước dừa.. tùy món mà mình áp dụng sao cho hợp lí.

Ví dụ như, các loại cá mình thường cho hành tím, lát gừng hoặc tỏi đã phi thơm vào, rồi hấp để khử mùi tanh cá, cho cá thơm hơn. Nước dừa, nước lê để kho thịt, kho cá. Hoặc cá hồi chiên áp chảo rồi làm sốt rưới lên (sốt cà chua, sốt chanh leo, sốt cam).

Giai đoạn 3 (bé trên 12 tháng): lúc này mình đã sử dụng được gia vị vô cơ cho bé được, tuy nhiên lưu ý chỉ nên dùng lượng ít, nêm vẫn nhạt hơn so với thức ăn người lớn”, 9X Sài thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị Thoa cũng chia sẻ thêm, chị dùng hạt nêm của Nhật để nêm thức ăn. Dùng mật thốt nốt thay đường, để tạo độ ngọt khi làm các món sốt, các món kho, roti, khiến món ăn ngon tuyệt, màu sắc cũng khá bắt mắt, như vậy không cần đến nước màu.

Việc sử dụng nước tương, được chị Thoa đưa ra quan điểm rằng, hiện nay có nhiều hãng nước tương của Nhật ăn cũng rất ngon, bé trên 1 tuổi cũng đã sử dụng được, nhưng tốt nhất nên dùng nước tương có thành phần tự nhiên, nên dùng lượng ít khi mới bắt đầu.

Ngoài ra, mẹ trẻ 9X cũng chia sẻ thêm về cách sử dụng dầu chiên xào, mặc dù nguyên liệu này không tính là gia vị. “Mình dùng dầu hoa cải của Nhật, tốt nhất các mẹ nên dùng dầu chuyên để chiên xào nhiệt độ cao, không nên dùng dầu cho vào cháo, vì nhiệt độ không đúng có thể gây biến chất”.

Văn Anh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/con-het-bieng-an-hao-huc-moi-bua-nho-cach-su-dung-gia-vi-che-bien-mon-an-cuc-khoa-hoc-cua-9x-sai-thanh-20191010110710713.htm