Con heo đất

Thấm thoát Bông đã sắp có cái Tết thứ tư rồi. Tết đầu tiên Bông còn nhỏ xíu, mẹ còn chả đi được ra ngoài chúc Tết ai nữa là cho Bông đi chơi. Tết thứ hai, Bông hơn một tuổi, vừa mới biết đi, còn bé quá chỉ loanh quanh trong nhà là chính. Tết thứ ba, Bông đã là tân sinh viên trường mầm non, biết bi bô mấy câu chúc Tết trên tivi…

Minh họa: MINH SƠN

Minh họa: MINH SƠN

Hai mẹ con chở nhau đi chùa, đi chúc Tết các bác, các cô, dì bạn mẹ. Gần một năm qua Bông đã lớn và phát triển nhanh tới mức mẹ luôn ở bên cạnh mà cũng phải ngỡ ngàng. Trước tiên, Bông biết giúp mẹ làm một số việc nhà, đương nhiên là những việc ấy phải mới mẻ, lạ lẫm một tí; Ví như lấy đồ cho mẹ, chải tóc, kéo móc khóa, thậm chí là giặt đồ, nhặt rau, lau nhà, miễn Bông thích, chứ còn đến đồ chơi của Bông, nhắc Bông nhặt vào Bông cũng thường làm ngơ, rồi mẹ cũng phải dọn cho nữa. Nói thì rành rõ, lý sự hơn cả người lớn. Bông “dạy dỗ” mẹ có khi còn chu đáo hơn cả mẹ dạy Bông nữa. Tỷ như Bông dặn mẹ không được xem ti vi khi quá khuya, chơi Ipad hay nhắn tin nhiều là hại mắt. Việc mà mẹ “ hãi” nhất là Bông hỏi và cãi lý; Nào là “Mẹ có yêu Bông không? Tại sao mẹ nói mẹ yêu Bông mà mẹ lại mắng Bông?” “Tại sao lại bắt Bông đi học trong khi mẹ và ông bà đều thích Bông ở nhà? Tại sao lại có ông già Noel mà không có bà già Noel? Tại sao lại bắt Bông ăn chuối mà không cho Bông ăn kẹo?… Còn hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi khác làm mẹ vừa thích thú vừa đau đầu nên mẹ rất hồi hộp, không biết Bông sẽ đón tết này như thế nào.

Buổi tối, khi cả nhà đã ăn cơm xong, đang quây quần bên bàn nước, mẹ lấy từ trong cốp xe ra một con heo màu đỏ tuyệt đẹp. Chú heo rất ngộ nghĩnh, hai mắt tròn to được vẽ đường viền đậm, lông mi cong và cái miệng cười toe vui vẻ. Bông ôm con heo, reo lên:

- Con pig, một con pig màu đỏ.

Ông bà ngơ ngác nhìn nhau. Từ ngày học chương trình Monkey Junier đến nay Bông toàn xài tiếng Anh kiểu đó.

- Mẹ mua em heo này để Bông nuôi cho lớn đấy.

- Nuôi như thế nào hả mẹ? Bông thích thú hỏi ngay.

- À… là khi ông, bà, mẹ và các cô bác lì xì Bông sẽ cho tiền vào bụng heo qua cái khe này này, đó là cho heo ăn. Mà Bông phải chăm ngoan thì mọi người mới giúp để Bông có tiền nuôi heo đó. Bông đồng ý không?

Bông ôm heo vào lòng ngắm nghía, con heo bụng tròn căng và rỗng, lắc mãi không kêu. Bông ôm heo đến chỗ mẹ: Mẹ, con heo chưa có ăn gì này mẹ! Cả nhà cười phá lên. Ông bảo: Để ông cho cháu cái này, cháu cho nó ăn nha! Ông đưa cho Bông tờ 20 ngàn. Bông nhanh nhảu gấp lại, rón rén nhét vào cái khe nhỏ gần đuôi heo. Bà cũng lấy từ trong túi ra tờ 50 ngàn và nói:

- Bà cũng cho con 50 ngàn đỏ để lấy may. Thế là ngày hôm nay, con heo đã no rồi nhé!

Bông thích chí cười tít. Nhưng chỉ được hai phút, Bông lại sợ heo đói lại luẩn quẩn bên mẹ: Mẹ ơi, con muốn cho heo ăn nữa!

Bà bảo: Đúng rồi, ông bà đều đã cho heo ăn, mẹ nó chưa cho, nó đòi là phải. Mẹ bảo: Mẹ đã nói là con ngoan thì mẹ mới cho heo ăn cơ mà. Bông nũng nịu: Nhưng mà con ngoan mà mẹ! Con ngoan như thế nào? Con ngoan là con không khóc nhè, không tè dầm, không mè nheo, không nghịch bẩn... Bông đọc ngay bài học thuộc lòng mẹ dạy từ hồi mới lên hai. Mẹ phì cười: Con đòi xin tiền như thế này là mè nheo rồi chứ còn nói là không mè nheo à?... Nhưng thôi, ông bà đã cho, mẹ cũng sẽ cho heo ăn nhưng chỉ hôm nay thôi còn sau, con nhất quyết không được đòi như thế nữa. Ngoan, biết nghe lời ông bà, bố mẹ thì mẹ sẽ cho heo ăn thường xuyên. Con nhớ chưa!? Bông gật đầu lia lịa.

Bông nuôi heo cẩn thận và tích cực hệt như ông chăm lau nhà, bà chăm mấy chậu dây bầu trước ngõ vậy. Thường thì Bông chơi đồ chơi gì cũng mau chán, chỉ vài ba phút là vất sang bên nhưng với heo thì khác. Bông để heo trên đầu giường, thường xuyên đòi mẹ cho heo ăn. Nâng lên đặt xuống hoài không chán.

Ngày Tết, Bông mũm mĩm, xinh xắn trong chiếc váy đỏ, đi đôi giày đỏ, bế chú heo màu đỏ ngộ nghĩnh y nhau. Ai thấy cũng thích cũng muốn thơm vào hai má bầu bĩnh của Bông và lì xì cho Bông, cho “em heo của con” những đồng mới cứng. Chưa hết Tết, bụng heo đã đầy ách tiền. Mẹ bảo tới hè hoặc sinh nhật, có thể khui heo mua cho Bông nhiều món đồ chơi đẹp. Hè thì Bông không có khái niệm rõ rệt nhưng sinh nhật thì Bông biết: có bánh kem, nến,… nên Bông rất nôn nóng chờ tới sinh nhật. Ngày nào cũng nhắc tới tháng chín, luôn miệng hát happy birthday và hỏi bà xem hôm nay đã là tháng chín chưa. Mẹ bảo: Sinh nhật con còn lâu lắm ấy nhưng nếu con ngoan thì mẹ sẽ mổ heo sớm lấy tiền mua đồ chơi cho con.

Ngoan là như thế nào hả mẹ? À, ngoan là phải biết nghe lời ông bà, bố mẹ, thầy cô. Ngoan là phải tự mặc quần áo, tự xúc ăn, gần bốn tuổi rồi ai lại phải đút. Bông mách: Bi chưa ngoan. Bi vẫn phải đút. Nhưng Bi mới có hai tuổi? Anh Chít cũng phải đút. Ừ anh Chít 6 tuổi rồi mà vẫn phải đút, vậy là anh Chít không ngoan. Chỉ có những bé không ngoan mới phải đút. Thế em heo không ngoan nên con mới phải đút. Mẹ phì cười nhưng lập tức nghiêm túc ngay: Em heo còn bé quá, mới có mấy tháng à, đương nhiên là phải đút rồi. So với em heo thì Bông là người lớn đấy. Phải gương mẫu cho đáng mặt chị Hai nha! Thế là từ đấy mỗi ngày Bông đều chăm chỉ tự đút lấy cơm. Bông còn lấy giấy, hộp chữ cái và bút màu ra ngồi cặm cụi học bài tập tô màu, vẽ hình. Nhìn Bông học hành nghiêm túc trông yêu quá, mẹ bế lên hôn vào má thì Bông lại không cho. Ứ để con học cho em heo xem. Ừ, học cho giỏi mai mốt lớn làm… mà làm gì thì mẹ Bông vẫn chưa nghĩ ra. Bông thích gì thì cho Bông theo nghề đó thôi…

Rồi cũng đến ngày Bông được nghỉ hè. Sáng Chủ nhật, trước khi đi chơi, mẹ đập heo, trích ra một khoản cho Bông mua đồ chơi. Trước tiên, Bông mua ngay một hộp đất sét nhiều màu, một chú Doreamon biết múa hát, kể chuyện và cuối cùng là một bộ đồ câu cá. Bông còn thích nhiều thứ khác như chiếc lều công chúa, những quả bóng bay, cô bé Hello kitty màu hồng biết hát và nhảy xoay tròn theo điệu nhạc, chiếc quạt phát sáng khi quay… nhưng mẹ bảo để dành đến sinh nhật mua tiếp. Mẹ hứa sẽ không dùng đến tiền thừa trong heo của Bông. Mẹ cũng lấy tiền mua cho Bông hai bộ quần áo mặc hè rất mát. Tiền trong heo dĩ nhiên bị vơi đi đáng kể, nhưng mẹ Bông không lấy làm buồn. Mấy tháng qua Bông đã rất ngoan. Những phần thưởng trên là xứng đáng. Thêm nữa là đợt hè Bông có nhiều đồ chơi thì có lẽ sẽ không cho Bông đi học hè nữa. Học phí hè cao gấp đôi so với trong năm và cái chính là mẹ Bông muốn Bông có những ấn tượng đặc biệt với mùa hè cũng như sinh nhật.

Mẹ tạm thời cất bộ đất sét chỉ cho Bông chơi Doremon và đồ câu cá, thậm chí còn cho Bông mang sang nhà mấy bạn hàng xóm để chơi chung. Mấy bé vây quanh chú Doreamon biết múa và bộ đồ câu. Anh Chit lớn đầu rồi thì nhảy lên khoái trá mỗi khi câu được cá. Việc các bạn bu lấy những món đồ chơi và tỏ ra vô cùng thích thú khiến Bông hết sức tự hào.

Bông mải mê với hai món đồ chơi mới, báo hại mẹ phải đi mua cả tá pin tiểu. Được mấy ngày, mẹ đi làm về thấy bà nhăn nhó là Bông lại không chịu ăn, đút mãi mới được mấy miếng lại còn vất đồ chơi lung tung khiến bà phải dọn mệt. Bà kết luận: Hư quá, chịu không nổi, chắc phải cho đi học hè. Mẹ cười: Mới được 3 ngày mà bà. Rồi ngày thứ 4 Bông đã tỏ ra thờ ơ với đồ chơi mới. Cũng đúng thôi. Đồ chơi hiện đại thật nhưng Bông nghe và nhìn mãi cũng chán. Cá thì Bông cầm lưỡi câu nam châm gí vào cái miệng kim loại. Bắt hết cả đàn trong vòng mười phút. Doreamon thì ngày nào cũng bài múa đó, bài hát đó, câu chuyện đó… Mẹ để tâm quan sát thấy Bông có vẻ bần thần. Tới ngày thứ 5, mẹ vừa dắt xe vào nhà Bông đã nhảy lao ra. Mẹ, mẹ em heo đất của con đâu rồi hả mẹ? Mẹ nhìn chú Doreamon nằm lăn quay bên cạnh bồ đồ câu tiu nghỉu không xoay không nhạc, hiểu ra vấn đề. Có những thứ đồ chơi đơn giản nhưng lại có tác dụng giáo dục cao, nhất là khi bé phải đầu tư công sức vào.

Ngày hôm sau Bông đã có một chú heo đất khác y chang. Hết tết rồi nhưng mẹ đã cho heo ăn số tiền còn lại của heo cũ và hứa nếu Bông ngoan mẹ sẽ giúp Bông cho heo ăn thường xuyên để đến cuối năm sẽ lại đập heo tổ chức sinh nhật rồi mua heo mới cho Bông nuôi luôn. Bây giờ thỉnh thoảng Bông lại bế heo đất sang phòng mẹ hỏi: Mẹ ơi, bao giờ thì đến Tết hả mẹ?

Truyện ngắn của BÙI ĐẾ YÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202102/con-heo-dat-920284/