'Cơn gió chướng' cản đà tăng nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2016

Đà tăng trên thị trường đã đẩy chỉ số VN-Index lên đỉnh cao tám năm những cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam không được hưởng lợi.

Nhóm sáu cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE giảm 6,7% tính từ đầu năm tính đến ngày 5/10, trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 19%, Bloomberg so sánh.

Điển hình là cổ phiếu Sacombank giảm 27%, cổ phiếu BIDV giảm 16%. Cả hai ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng từ đầu năm. Cổ phiếu Eximbank giảm 7,1% và cổ phiếu Vietinbank giảm 5,4%.

Cổ phiếu BIDV (trắng) và Sacombank (xanh) giảm trong khi VN-Index (hồng) tăng từ đầu năm tới nay. Ảnh: Bloomberg

Theo ngân hàng Credit Suisse Group, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào tăng trưởng tín dụng và nhà nước không đủ nguồn quỹ để thúc đẩy tài chính các ngân hàng.

Ông Marc Dandji, Giám đốc khối khách hàng tổ chức và nước ngoài tại Chứng khoán Rồng Việt, nhận xét vấn đề chính của hệ thống ngân hàng là tình trạng thiếu vốn. Cộng hưởng với tỷ lệ nợ xấu cao, ngân hàng của Việt Nam gặp khó khăn trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư ngoại đang để mắt tới thị trường cận biên.

Theo tiêu chuẩn Basel II sắp được áp dụng vào năm 2017, các ngân hàng phải có nhiều vốn hơn. Credit Suisse ước tính BIDV sẽ cần thêm 458 triệu USD, VietinBank cần thêm 231 triệu USD.

Khi tăng trưởng tín dụng tăng để đạt mục tiêu đề ra, tiêu chuẩn để cho vay sẽ bị hạ xuống, Credit Suisse cảnh báo.

Vốn ngoại là tin tốt lành đối với ngành ngân hàng của Việt Nam, Fitch Ratings nhận định. Mới đây, Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore đã ký kết biên bản thỏa thuận ghi nhớ mua 7,73% cổ phần của Vietcombank. Trước đó, International Finance Corporation đã mua 5% cổ phần của TienPhong Bank.

Tuy nhiên, khả năng huy động vốn từ nước ngoài vẫn bị hạn chế vì trần sở hữu khối ngoại chỉ là 30%. Do đó, tạm thời ngân hàng Việt Nam sẽ vẫn phải huy động phần lớn vốn từ nội địa

Tình trạng khát vốn, biểu hiện ở chỉ số CAR thấp và nợ xấu cao, sẽ trở nên nóng bỏng trong hai năm tới khi 10 ngân hàng đang được chỉ định thí điểm Basel II.

Fitch cảnh báo tăng trưởng tín dụng nhanh làm nảy sinh rủi ro với tính ổn định tài chính trong trung hạn của Việt Nam. Tỷ lệ tín dụng/GDP đạt 110,5% vào năm 2015, cực cao so với tiêu chuẩn của các thị trường cận biên.

Tăng trưởng tín dụng “nóng” cũng là vấn đề được Moody’s lưu ý. Việc tăng trưởng tín dụng quá nhanh, ở mức 25% trong năm 2015, so với 16% trong năm 2014, biến ngành ngân hàng thành yếu tố rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam.

Thảo Mai

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/con-gio-chuong-can-da-tang-nhom-co-phieu-ngan-hang-trong-nam-2016-2055405.html