'Con giáp của tôi - Lợn sung túc'

Chào Tết Nguyên đán Kỉ Hợi 2019, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tạp chí Xưa & Nay, cùng Hội quán Di Sản tổ chức triển lãm 'Con giáp của tôi - Lợn sung túc'. Triển lãm giới thiệu gần 2.000 tác phẩm, đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợn của Nhà sử học Dương Trung Quốc và những người bạn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Bắt đầu là thú vui bất chợt đối với cảm tính ứng với tuổi “Hợi”, nhưng cùng với thời gian, khi sưu tập thành “một đàn”, nhìn lại thấy không chỉ là số cộng, mà nhận ra những giá trị “gia tăng”. Đó là một bộ kí ức mà mỗi món đồ là một kỉ niệm về hoàn cảnh nhập đàn lợn của mỗi chú lợn; đó là một gợi ý đa dạng về sức sáng tạo của thiên hạ đối với nhu cầu phong phú cuộc sống cho con người chỉ qua hình tượng con vật.

Bí thư Thành ủy Hà Nội - Hoàng Trung Hải đến tham quan triển lãm

Gần 2.000 tác phẩm về lợn tại triển lãm

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại triển lãm

Con lợn đã đi vào tâm thức người Việt

"Tết Kỉ Hợi mang bộ sưu tập của mình trưng bày Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chỉ nhằm góp vui, nhất là cho con trẻ ngày Tết. Nhưng mong muốn hơn có nhiều bạn trẻ nhận ra quanh mình có rất nhiều cái để sưu tập và hãy chọn một món đồ đầu tiên, bạn sẽ thấy cảm hứng để rồi một khi nó đã trở thành bộ sưu tập bạn sẽ có niềm vui không chỉ cho riêng mình - người sưu tập mà có khi nhiều hơn cho người đến xem" - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.

Lợn được chế tác bằng đồng

Lợn được chế tác bằng gỗ

Những chú lợn tiết kiệm bằng gốm

Với 5 chủ đề thể hiện: Tác giả - tác phẩm; Lợn trong văn hóa người Việt; Lợn trên thế giới; Lợn tiết kiệm; Đồ lưu niệm và đồ dùng hình lợn, triển lãm giới thiệu tới công chúng sự đa dạng trong ngôn ngữ, thể hiện qua một trong những linh vật vô cùng gần gũi với đời sống người Việt.

Lợn thân thiện gần gũi với người Việt

Lợn biểu tượng cho sự phồn thực, sung túc

Đàn lợn tí hon

Lợn thiền

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Con vật được thuần hóa đầu tiên có lẽ là con lợn. Hầu khắp các di tích lịch sử, nơi nào có con người sinh sống, đều có dấu tích của con lợn. Lợn là một con vật mà chỉ nói đến tên chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gũi; một con vật mà hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và là biểu tượng văn hóa.

Lợn đã đi vào thơ ca, hội họa

Lợn biểu trưng cho sự sinh sôi, nảy nở

Theo văn hóa Việt Nam, lợn là biểu trưng của tiền bạc, sự phồn thịnh, sung túc, tài lộc, nên nhiều nghệ nhân đã đúc tượng lợn vàng, lịch ảnh lợn treo tường, lợn ống tiết kiệm làm giàu, tranh dân gian để thể hiện sự chúc tụng năm mới nhiều may mắn, con cháu đông vui, sanh sôi nảy nở, phúc lộc dồi dào phong phú. Lợn cũng còn là biểu tượng của vật tế lễ cúng bái như sính lễ hôn nhân, đám giỗ, quà cưới cho cô dâu, tạ lễ sau khi thành công ở thương trường buôn bán, sanh con, cúng tế thần linh, lễ khai trương…

Lợn làm bằng sành

Biểu trưng cho sự sung túc, tài lộc

Triển lãm “Con Giáp của tôi - Lợn sung túc”, mong muốn gửi đến công chúng thông điệp về một năm mới ấm no và hạnh phúc. Đây là năm đầu tiên Bảo tàng phụ nữ Việt Nam mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến thăm quan vui chơi trong dịp tết cổ truyền.

Rực rỡ sắc màu

Du khách nước ngoài cũng rất thích thú với triển lãm

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao bằng chứng nhận và kỷ niệm chương “Xác lập kỷ lục”: “Bộ sưu tập tượng con giáp năm Hợi nhiều nhất Việt Nam” cho nhà sử học Dương Trung Quốc. Triển lãm “Con giáp của tôi - Lợn sung túc” sẽ mở cửa từ nay đến hết ngày 19/2.

Phạm Tiệp-Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/con-giap-cua-toi-lon-sung-tuc-115139.html