Con gặp họa nếu bố mẹ coi thường việc bổ sung I-ốt trong bữa ăn

I-ốt là một loại vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày để giúp phát triển trí tuệ cũng như bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Mặc dù lượng I-ốt cần cung cấp hàng ngày không cần nhiều nhưng không thể thiếu. Nếu thiếu I-ốt sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ.

Thiếu I-ốt gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe. Ảnh: TL

Việt Nam nằm trong 19 quốc gia thiếu I-ốt nhất thế giới

Theo các số liệu thống kê, trước năm 2005, Chương trình phòng chống rối loạn thiếu I-ốt của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực và thực hiện thành công chiến lược tăng cường cung cấp I-ốt cho toàn dân. Bằng chứng là có hơn 90% các hộ gia đình được sử dụng muối I-ốt đầy đủ trong những năm 2005 về trước. Tổng thể kết quả của chương trình đã giúp giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em và tăng tỷ lệ I-ốt trong cơ thể người dân trên mức tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới.

Tuy nhiên, từ sau năm 2005, khi Chương trình Quốc gia Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt bị rút khỏi chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế, việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý tăng cường I-ốt và các hoạt động liên quan đã bị ngừng lại. Sau khi việc sử dụng muối I-ốt chuyển sang mang tính tự nguyện thì sự thiếu hụt I-ốt đã trở lại.

Các báo cáo của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2010-2011 cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt tại Việt Nam chiếm tỷ lệ chung trong toàn quốc là 45,1%, trong đó, khu vực thành thị 44,4%, nông thôn 45,4%; khu vực Đồng bằng sông Hồng: 27,8%; Trung du miền núi phía Bắc: 40%; Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung: 50,2%; Tây Nguyên: 88,1%; Đông Nam Bộ: 56,2%; Đồng bằng sông Cửu Long: 42,4%.

Đặc biệt, số liệu tổng hợp của Mạng lưới I-ốt toàn cầu năm 2017 cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng và nhóm phụ nữ có thai. Thậm chí, Việt Nam là một trong 19 quốc gia trên thế giới có tình trạng thiếu I-ốt ở mức tồi tệ. Đây là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt I-ốt đã quay trở lại Việt Nam.

Thực tế, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong 2 năm 2013 và 2014 cho thấy, tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 - 10 tuổi là 9,8%. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt khoảng 60%.

Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự tổng hợp được I-ốt mà phải thu nạp từ bên ngoài qua thực phẩm. Không những thế, I-ốt lại dễ hao hụt trong quá trình chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm. Theo ước tính, thực phẩm chế biến hiện nay cung cấp khoảng 75% tổng lượng muối ăn vào, chỉ 15% tổng lượng muối ăn vào là thông qua muối ăn trực tiếp. Do đó, ở những quốc gia mà muối I-ốt không được sử dụng trong thực phẩm chế biến, sự chuyển đổi cách tiêu thụ hiện tại có thể làm giảm lượng muối I-ốt vào.

Thiếu I-ốt không chỉ gây bướu cổ mà còn nhiều hệ lụy khác

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, I-ốt là một loại vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày để giúp phát triển trí tuệ cũng như bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Mặc dù lượng I-ốt cần cung cấp hàng ngày không nhiều nhưng không thể thiếu. Đặc biệt, trẻ em, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú có nguy cơ cao thiếu I-ốt vì nhu cầu I-ốt cho sự tăng trưởng và phát triển nhiều hơn, do đó, càng phải đảm bảo cung cấp đủ lượng I-ốt tối thiểu.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, với những người bình thường, thiếu I-ốt sẽ gây ra tình trạng bướu cổ do phì đại tuyến giáp. Tuy nhiên, bướu cổ do thiếu I-ốt chỉ là biểu hiện bên ngoài mà chúng ta dễ nhận thấy. Điều nguy hại là thiếu I-ốt sẽ gây ra một loạt các rối loạn chức năng với các hậu quả nghiêm trọng trong đó có ảnh hưởng đến sự chậm phát triển thể lực, đần độn.

Riêng với phụ nữ mang thai, nếu để thiếu I-ốt sẽ gặp nguy cơ đe dọa thai nhi rất lớn. Ngoài nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, thai kém phát triển, đứa trẻ sinh ra sẽ bị thiểu năng trí tuệ do tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ cũng có nguy cơ bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân... Không những thế, nếu đứa trẻ khi sinh ra mà thiếu I-ốt hay thời kỳ thiếu niên mà thiếu I-ốt cũng có thể gây ra tình trạng chậm phát triển thể lực, đần độn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu iốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em.

Theo các chuyên gia, cách đơn giản nhất để phòng ngừa và cải thiện tình trạng thiếu hụt I-ốt là sử dụng I-ốt hoặc các loại thực phẩm chứa I-ốt mỗi ngày. Do đó, người dân nên sử dụng muối I-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn. Mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng một thìa cà phê muối I-ốt là đảm bảo cung cấp đủ lượng I-ốt cần thiết cho cơ thể. Nên đựng muối I-ốt trong lọ có nắp đậy kín hoặc buộc chặt trong túi nilon, để ở nơi thoáng mát, tránh gần bếp lửa hoặc nơi có ánh nắng chiếu vào, vì I-ốt là chất dễ bay hơi.

Bên cạnh đó, tăng cường một số loại thực phẩm giàu I-ốt như: Các loại hải sản, trong đó, cá thu là một thực phẩm có thể cung cấp các vi chất dinh dưỡng magiê, canxi, kali và hơn 60% I-ốt cần thiết mỗi ngày. Khoai tây cũng rất giàu hàm lượng I-ốt. Một củ khoai tây cỡ lớn có thể cung cấp khoảng 60 micrôgam I-ốt cho cơ thể. Ngoài ra, các loại trái cây tươi, thịt, sữa, pho mát, dâu tây, quả việt quất… cũng được coi là những thực phẩm giúp cung cấp lượng I-ốt cần thiết cho cơ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên lạm dụng việc bổ sung I-ốt một cách quá mức. Việc dư thừa I-ốt trong cơ thể sẽ làm biến đổi chức năng tuyến giáp, hoặc tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp. Do đó, lượng I-ốt cần thiết mỗi ngày trong khoảng 100-300 micrôgam I-ốt ((tương đương 0,1 – 0,3 mg/ngày). Trong đó, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, lượng I-ốt ở mức 0,1mg; 0,12 mg cho trẻ em từ 6-12 tuổi, và 0,15 mg đối với thanh thiếu niên và người lớn từ 13 tuổi đến tuổi trưởng thành. Phụ nữ mang thai và cho con bú là 0,25 mg mỗi ngày.

Mai Thùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/con-gap-hoa-neu-bo-me-coi-thuong-viec-bo-sung-i-ot-trong-bua-an-20181228140502178.htm