Còn gần 4.000 container phế liệu nhựa tồn dư tại cảng biển Việt Nam

Việt Nam đang còn 3.830 container phế liệu nhựa nhập khẩu tồn dư trên 90 ngày tập trung tại 3 cảng lớn là Hải Phòng, Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) và Vũng Tàu.

Còn 3.830 container phế liệu nhựa nhập khẩu tồn dư trên 90 ngày. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Còn 3.830 container phế liệu nhựa nhập khẩu tồn dư trên 90 ngày. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Dẫn số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải Quan, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết hiện nay còn 3.830 container phế liệu nhựa nhập khẩu tồn dư trên 90 ngày đang chờ xử lý ở các cảng biển Việt Nam.

Phần lớn container phế liệu nhựa trên hiện đang được tập kết tại 3 cảng lớn là Hải Phòng, Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thông tin thêm tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 14/10, ông Thức cho biết đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận còn 6.456 container. Trong đó có khoảng 3.830 container là phế liệu nhựa nhập khẩu; 2.388 container hàng hóa đã qua sử dụng nhưng không phải là hàng phế liệu.

Theo ông Thức, sau khi có Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết bài toán cấp bách trong công tác kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu, từ tháng 9/2018 đến nay Việt Nam đã kiểm soát tốt việc này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định, phân loại phế liệu ra 6 nhóm nhập về làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia...

Một số Bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Giao thông vận tải cũng đã đưa ra những “rào cản,” buộc các doanh nghiệp, chủ tàu vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về phải xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu; phải có tờ khai ghi rõ thông tin doanh nghiệp nhập khẩu còn hạn hay không và khối lượng nhập cụ thể.

“Từ tháng 9/2018 đến nay đã không còn tình trạng doanh nghiệp cố tình trốn tránh hay sử dụng giấy nhập khẩu mập mờ. Khi hải quan cho tàu vào cảng, hay khi hạ các container hàng, cơ quan đặc vụ của các cảng đều xác nhận là không có vụ nào vi phạm,” ông Thức nói.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình bốc dỡ, thống kê số phế liệu nhập lậu vừa bắt được. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Vị lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng cho biết, từ tháng 9/2018 đến nay, Việt Nam đã yêu cầu các hãng vận tải biển chuyển ra khỏi lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam 503 container. Trong đó có 289 container phế liệu nhựa, 106 container phế liệu giấy, 98 container phế liệu sắt thép, 10 container phế liệu khác.

Về hướng quản lý phế liệu sắp tới, ông Thức cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp và xây dựng báo cáo trình lên Thủ tướng cũng như phối hợp với các Bộ, ngành để có những kiểm soát quyết quyết liệt hơn và chặt chẽ hơn.

Với gần 4.000 container phế liệu nhựa nói trên, Thủ tướng chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và các đơn vị thực thi, trực tiếp là ngành hải quan chủ trì đứng ra thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

“Những lô hàng nào đã vi phạm, tức là nhập không đúng sẽ yêu cầu bắt buộc các chủ tàu sẽ phải tái xuất khỏi lãnh hải Việt Nam. Những lô hàng nào đúng quy chuẩn có thể được phép sử dụng lại,” ông Thức nhấn mạnh../.

Hồng Nhung (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/con-gan-4000-container-phe-lieu-nhua-ton-du-tai-cang-bien-viet-nam/600718.vnp