Con gái thờ bố mẹ đẻ: Xã hội không can thiệp, người phụ nữ phải tự gỡ rối

Xưa, những nhà không có con trai thường nhận con nuôi để nối hương hỏa, nhưng thời hiện đại, con gái đứng ra lo việc đó và họ thường gặp cản trở từ phía nhà chồng.

Bài chia sẻ của anh Hoàng Lâm trong bài Vợ không hiểu chuyện, nhất định đòi thờ bố mẹ đẻ ở nhà chúng tôi trên mục Tâm sự của VTC News thu hút được quan tâm của nhiều độc giả. Nói về vấn đề này, các chuyên gia như nhà văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình đều cho rằng truyền thống chỉ con trai có quyền hương khói cho bố mẹ, phụ nữ chỉ được thờ tổ tiên nhà chồng được hình thành do chế độ phụ hệ từ hàng nghìn năm nay, và vẫn duy trì đến nay, không dễ thay đổi.

"Thay đổi nhận thức của cả thế hệ là điều khó, thay đổi tín ngưỡng thờ cúng lâu đời lại càng khó khăn hơn", PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, xu hướng sinh ít con khiến số gia đình chỉ có một con gái khá đông, bên cạnh những gia đình sinh con một bề là gái. Vì thế, được thờ cúng bố mẹ đẻ là nhu cầu tâm linh của rất nhiều phụ nữ, và với nhiều người thì đó là "niềm đau chốn giấu" nhức nhối nhiều năm vì không đạt ý nguyện. Vậy vấn đề này phải giải quyết thế nào?

Giải pháp của người xưa

Trong chuyện này, người xưa đặt vấn đề theo hướng ngược lại, không phải "làm thế nào để con gái được thờ bố mẹ đẻ" mà là "người không có con trai thì sau này ai hương khói cho họ". Từ cách đặt vấn đề này, có khá nhiều giải pháp được áp dụng.

Nhà văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: "Người xưa sẽ giải quyết bằng cách nhận con nuôi. Người ta sẽ chọn trong họ trước, như con chú, con bác, con anh..., nếu không có thì họ chọn con nuôi gần và đổi họ để người đó thờ cúng mình. Nếu không có con nuôi, người ta sẽ gửi vong lên chùa, lên đền để cúng tế, gọi là gửi hậu hoặc giỗ hậu.

Trong đền, chùa thường có bia hậu, những người gửi một phần ruộng, đóng góp mấy cây cột gỗ làm cầu, làm cống, làm đường... được ghi trong bia, đến ngày thì tổ chức lễ giỗ ở đó. Trên bia ghi ông/bà nào đó đã cúng vào đền/chùa/làng này bao nhiêu… Họ chôn người quá cố vào đó, không mất tên, không mất ngày giỗ, không mất công đức".

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cho biết, chuyện nhận con nuôi trong huyết thống nhà nội phổ biến ở các nhà danh gia vọng tộc và quan lại: "Để duy trì hương hỏa, con cháu trong họ gần xa sẽ lựa chọn để được thế vào chỗ người con hương khói, thờ cúng tổ tiên".

Người phụ nữ phải tự "gỡ rối"

Trong xã hội hiện đại, các gia đình không có con trai thường không nghĩ đến chuyện trao hương hỏa cho người không phải con ruột mình, vì thế con gái họ luôn phải đau đáu về việc thờ cúng bố mẹ. Theo ông Trịnh Hòa Bình, xã hội không thể can thiệp chuyện này mà chính người phụ nữ phải tự tìm cách giải quyết: "Dù có nói ủng hộ phụ nữ thờ bố mẹ đẻ cũng chẳng giải quyết được gì. Ở đây không có chuyện xã hội phải giáo dục, làm việc với gia đình nhà chồng để thu xếp khoảng không gian cho người con gái muốn thờ cúng bố mẹ, tổ tiên mình. Không thể nào làm việc vận động như thế được.

Nếu người phụ nữ đi làm dâu, muốn thờ cúng thì phải tự mình xử lý việc đó thôi. Họ phải đối thoại, nêu vấn đề với nhà chồng. Câu chuyện này không phải chỉ là của 2 người, vì dẫu sao nó cũng gắn với tập quán, truyền thống, không phải chỉ xin phép mà xong. Rõ ràng, người ta sẽ không có không gian để thờ cúng, câu chuyện một bàn thờ không thể thờ hai dòng họ luôn xảy ra".

Ở nhiều gia đình, người vợ vẫn chính thức hoặc không chính thức thắp hương cho bố mẹ, họ hàng của mình trên bàn thờ ấy tại nhà chồng. Tuy nhiên theo ông Bình, đây là những câu chuyện riêng lẻ.

Còn ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng cần tốt nhất là được thực hành một cách tự do cho tất cả mọi người, là quyền tự do của phụ nữ cũng như nam giới. Người phụ nữ có thể nói với chồng để thờ tại nhà mình. Tuy nhiên đây là quyền tín ngưỡng nên phải tôn trọng quyết định của nhau. Nếu đủ sự tôn trọng, yêu thương, bỏ qua cho nhau thì mới dẫn đến đồng thuận. Nếu thoát khỏi sự cố chấp, sân si thì chuyện sẽ êm đẹp.

Theo ông Vỹ, việc gửi vong linh lên chùa rồi đến đó thắp hương cũng là một cách, thay vì lập bàn thờ trong nhà. "Trong phố hẹp, một nhà thắp hương, 15 nhà được hưởng mùi thơm của nó. Cứ tưởng tượng một nhà có 2 bàn thờ, kèm theo giỗ 4-5 đời, thì phố Hàng Trống hay Hàng Ngang, Hàng Đào sẽ thế nào?", chuyên gia nói.

Trong thực tế, không ít phụ nữ ngày nay thờ cúng bố mẹ đẻ, thường là trong các gia đình chỉ có 2 thế hệ (vợ chồng và các con), khi đó người chồng ít phải chịu sức ép từ bề trên và họ tộc, dễ dàng đồng ý với vợ mình. Sự độc lập về kinh tế của phụ nữ cũng đóng góp khá nhiều trong vấn đề này.

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: " Với các gia đình mà người vợ nắm kinh tế, kèm ở riêng thì việc này không quá khó khăn. Nhà cậu tôi là một ví dụ. Vợ cậu chỉ sinh 2 em gái. Hai cô đều thờ ông bà ngoại". TS Hương cho biết bố mẹ chị cũng sinh 3 con gái, hiện các cụ còn nên chưa có vấn đề gì, nhưng các gia đình gặp khó khăn về chuyện này có thể rước vong linh các cụ lên chùa rồi cúng theo phong tục.

Bình luận về chủ đề này, nhiều độc giả VTC News cũng nêu giải pháp thực tế để giải quyết ổn thỏa mà không mất hòa khí gia đình. Độc giả Loan Dương viết: "Bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng cùng là người một nhà mà. Tốt nhất là không bày di ảnh các cụ lên bàn thờ mỗi khi giỗ chạp; mùng 1 hôm rằm thì lòng thành mời bố mẹ cả 2 bên về. Nghĩ đơn giản thôi. Lòng thành là quan trọng".

Đức Truyền cho biết: "Nếu người vợ có anh em trai thì thờ cha mẹ, tổ tiên ở nhà anh em trai bằng cách gửi lễ. Nếu người vợ là con một thì thờ bố mẹ, tổ tiên tại nhà hai vợ chồng ở bằng bát nhang riêng. Nếu nhà chồng hiểu và đồng ý thì chung một ban thờ, bat nhang nội, ngoại riêng; không đồng ý thì làm 2 ban thờ riêng".

Nguyễn Phương viết: "Giải pháp rất đơn giản là ban thờ gia đình không bày hình ảnh vị tổ tiên nào cả, dù là bên nội hay bên ngoại. Cứ đến ngày giỗ của tổ tiên nào, dù là bố đẻ, bố vợ, mẹ đẻ, mẹ vợ, cụ nội, cụ ngoại thì đều làm lễ, đơn giản thì hương hoa, cẩn thận hơn thì có mâm cơm cúng. Nếu giỗ chạp các cụ bên nội thì chồng là người thắp hương, giỗ các cụ bên ngoại thì vợ thắp hương. Thế là vẹn toàn. Còn di ảnh có thể bày chỗ khác để con cháu chiêm ngưỡng khi cần. Như vậy, bên nội hay bên ngoại đến chơi cũng ai trách được 2 bạn hương khói thế nào đâu".

Nguyễn Hoàng Hải góp ý: "Còn một giải pháp nhất cử lưỡng tiện. Các cụ có câu sống quê cha, chết làm ma quê chồng. Trong trường hợp của anh Hoàng Lâm, anh có thể xin đưa ảnh và ban thờ bố mẹ vợ về quê gốc bố vợ, nhà thờ chi hoặc của gia đinh. Như vậy về đạo lý là vẹn toàn. Bố mẹ vợ bạn được về quê cha đất tổ, nhờ anh em họ mạc thắp hương ngày rằm mùng 1.

Ngày giỗ có thể về quê làm mâm cơm cúng, mời họ hàng sang dự, vừa tròn bổn phận làm con, vừa gắn kết họ hàng. Nếu quá bận thì làm mâm cơm tại nhà mình, thắp hương rồi khấn mời các cụ hai bên về dự cùng, coi như họp gia đình. Như vậy vẫn thờ bố mẹ vợ mà không ảnh hưởng đến phong tục thờ cúng. Người cõi âm chắc cũng có qui tắc riêng như vậy, phong tục ngàn đời mà".

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.

Hạ Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-dep/con-gai-tho-bo-me-de-xa-hoi-khong-can-thiep-nguoi-phu-nu-phai-tu-go-roi-ar548894.html