Con gái 'ông trùm' quỳ gối xin làm dâu không cần cưới hỏi

Là con gái của ông trùm 'thế giới ngầm' nhưng Nguyễn Cẩm Nhung (SN 1980, ngụ Văn Điển, Hà Nội) luôn ghét những việc bố mình làm.

Có lẽ bởi cô biết cái ác sớm muộn gì cũng phải trả giá. Đó là lý do khiến cô muốn “người trong mộng” tránh xa vũng bùn tội lỗi. Bằng tình yêu và lòng kiên trì vượt qua thử thách mười mấy năm ròng, cuối cùng, cô cũng cứu được một con người.

Quân “đen” kiếm tiền bẩn bằng cách mở các sới bạc. (Hình minh họa).

Yêu người cứu mạng mình

Những năm 1980, 1990, ở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội), cái tên Quân “đen” ai cũng biết. Thời trai tráng, Quân “đen” đâm chém khét tiếng, nhiều lần ra tù vào tội, đến tuổi trung niên, ông ta đã gây dựng được “số má” trong giới giang hồ khu vực.

Không còn phải trực tiếp vác hung khí xuống đường nữa, Quân đã có hàng chục đàn em sẵn sàng gánh hộ việc máu me này. Sẵn lực lượng hùng hậu, ông ta hoạt động đủ các lĩnh vực phi pháp, kiếm không ít tiền “bẩn”.

Cuối những năm 1990, Quân dồn sức vào việc mở sới bạc. Tinh quái sau hàng chục năm lăn lộn giang hồ, Quân hiểu rằng hoạt động cờ bạc vừa ít xung đột lại thu lợi nhuận khủng. Ông ta thâu tóm hết, từ làm cái, bảo vệ an ninh cho đến làm tín dụng cho vay trong sới bạc.

Đầu tư tận gốc ăn tận ngọn, guồng máy đỏ đen hoạt động hết công suất. Từ một sới ban đầu, chỉ sau thời gian ngắn, Quân đã mở thêm hai sới nữa ngay tại thị trấn Văn Điển. Có những thời điểm, hàng trăm kẻ “khát nước” sát phạt thâu đêm suốt sáng tại các sòng bạc của Quân “đen”.

Làm ăn bành trướng, sổ sách tiền nong không thể để người ngoài quản lý. Đây là lúc “ông trùm” cần đến tiền con gái “rượu”.

Nhung là con cả của Quân “đen” và người vợ đầu. Mẹ Nhung mất sớm, bố đi bước nữa nên cô còn có hai đứa em cùng cha khác mẹ. Dù thế, ông trùm luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho Nhung. Thương con gái sớm mất mẹ, Quân “đen" không bao giờ để chuyện dì ghẻ đè nén con chồng xảy ra. Sẵn tiền phi pháp, “ông trùm” cưng chiều con gái đầu hết mực.

Có thể nói là muốn gì được nấy nhưng Nhung lại không bao giờ đòi hỏi gì quá đáng từ bố mình. Ngoài chuyện ăn học, một số nhu cầu thiết yếu, cô không tiêu xài hoang phí, đua đòi chúng bạn dù thừa điều kiện.

Chính điều này càng khiến Quân “đen” thương và nể con gái hơn. Giải thích sự lạ này, về sau, Nhung kể: “Mẹ mất năm tôi 10 tuổi. Ký ức về mẹ trong tôi là rất nhiều những cuộc nói chuyện về bố. Ngay từ lúc đó, mẹ đã giúp tôi hiểu, bố kiếm tiền bằng những cách sai trái, tiền đó có thể mất bất cứ lúc nào và tôi phải học cách chuẩn bị sống bằng chính sức mình.

Nhiều khi tôi nghĩ, mẹ mất sớm bởi lo nghĩ quá nhiều về bố tôi”. Nhung 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3 thì “ông trùm” yêu cầu cô giúp việc gia đình. Nhung không thể từ chối khi người bố nói, sổ sách sới bạc nếu lộ ra ngoài, ông ta sẽ phải rũ tù.

Là con, đương nhiên Nhung phải lo lắng cho sự an nguy của bố. Nhung quản lý sổ sách, tiền nong vừa kịp quen việc thì như điềm báo, “ông trùm” bị bắt. Quân “đen” quá may mắn vì bị tóm khi đang manh nha mở sới bạc nhỏ ở đường Giải Phóng, án tù chỉ là 18 tháng.

“Ông trùm” bắn tin về, nói con gái tiếp tục duy trì các sới bạc đang hoạt động. Không còn cách nào, Nhung đành tuân theo. Thời điểm “ông trùm” đi tù, Nhung giống như “đại tiểu thư”. Mọi việc, đám đàn em của bố đều phải hỏi ý kiến cô.

Nói gì thì nói, con vẫn phải giống cha, Nhung thừa hưởng từ Quân “đen” cái uy khiến người khác phải nể sợ. Cô điều khiển đâu ra đấy, tiền luân chuyển trong sới, tiền cho vay không sai chạy một đồng. Chính sự “rắn mặt” ấy đã khiến Nhung suýt phải trả giá đắt. Một con bạc sau khi thua cháy túi, muốn dùng uy tín để vay tiền.

Người trong nghề gọi việc này là “tín chấp”, việc xảy ra khá thường xuyên khi con bạc là kẻ có số má. Tuy nhiên Nhung kiên quyết không chịu. Lý lẽ cô đưa ra là, “Có thể bố tôi biết ông, nhưng tôi không biết ông. Và luật là phải có thế chấp mới được vay tiền”.

Điên tiết vì con nhóc chưa cáo máu đầu dám coi thường mình, sau vài câu cãi vã, con bạc bất ngờ rút dao truy sát Nhung. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, cả sới bạc hoảng loạn, chỉ có một người kịp phản ứng.

Người này là Dương Văn Dũng (tức Dũng “lì”, sinh năm 1976, ngụ Văn Điển) mới vào làm bảo vệ trong sới bạc. Dũng lao vào đỡ hộ cho Nhung một dao rồi nén đau ôm chặt đối thủ, cho đến lúc đám chiến hữu ứng cứu, đánh hắn ta bầm dập. Nhung mặt mày tái mét, đích thân đưa ân nhân máu me loang áo đi cấp cứu.

“Nàng dâu hờ” hiền thảo

Dũng sống cách nhà Nhung vài cây số, vì nhiều lý do, sớm lạc bước vào chốn giang hồ. Kể về thứ bậc, Dũng chỉ là đàn em cấp thấp của “ông trùm”, nên mới phải làm bảo vệ trong sới bạc. Còn Nhung, trước đó không quan tâm đến việc của bố nên không biết Dũng.

Nhưng từ lúc được cứu mạng, cô biết ơn, quan tâm chăm sóc rồi yêu Dũng lúc nào không biết. Dũng khá đẹp trai, đi cùng Nhung cũng đẹp đôi, có điều vì cô là con “ông trùm”, Dũng phần nào ngán ngao. Hai người cứ dở yêu dở bạn như thế, cho đến lúc Quân “đen” ra tù.

Nghe chuyện Dũng cứu Nhung, biết hai người có cảm tình, “ông trùm”chẳng đồng ý cũng chẳng phản đối. Có lẽ là dân anh chị, ông ta chỉ quan tâm “hai nắm đấm” của Dũng sẽ giúp mình thế nào. Còn việc yêu đương, nghĩ con mình còn trẻ, thích đấy chán đấy, “ông trùm” chẳng mấy để ý. Nhưng Nhung không nghĩ vậy.

Cô thực sự yêu Dũng, không muốn người thương đi theo con đường sai trái. Tuy nhiên, chưa kịp làm gì thì biến cố đã xảy ra. Năm 2001, Quân “đen” mở một sới bạc ở Ngọc Hồi, muốn bành trướng lãnh địa xuống khu vực này. Đám anh chị ở đây biết tiếng “ông trùm” chuyên “cá lớn nuốt cá bé”, phản ứng quyết liệt.

Nhiều vụ xô xát tranh chấp địa bàn xảy ra. Trong một vụ như thế, Dũng “lì” đã lỡ tay sát hại một người của băng nhóm đối địch. Án mạng xảy ra, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra quyết liệt “ông trùm” lắm tiền nhiều của cũng không thể một tay che trời.

Biết vậy, Quân “đen’ chơi trò “thí tốt”. Ông ta rũ sạch mọi liên quan, chỉ đạo đàn em đổ hết tội cho Dũng. Không có bằng chứng nào có lợi cho mình, Dũng cay đắng nhận bản án 10 năm tù. Nhung biết hết “mưu hèn kế bẩn” của bố mình. Cô cầu xin nhưng “ông trùm” không chút động lòng. Ông ta bảo: “Nó giết người thì nó phải chịu. Giờ muốn nó nhẹ tội thì bố rũ tù. Con chọn ai?”.

Nhung không chọn, cô chỉ tìm lối đi đúng cho mình. Cô đến nhà Dũng, căn nhà đơn sơ chẳng có gì đáng giá. Chỉ có mẹ Dũng già yếu nằm khóc thương con bởi bố Dũng đã mất từ lâu. Cầm bàn tay người mẹ, Nhung kể lại không giấu giếm điều điều gì.

Rồi cô quỳ xuống, cầu xin bà tha thứ cho bố mình, mong muốn được thay Dũng chăm sóc bà và thay bà thăm nuôi Dũng, là dâu con trong nhà. Cảm động trước tấm lòng cô gái, người mẹ gạt nước mắt chấp thuận. Với Dũng thì không đơn giản như thế.

Những ngày đầu Nhung lên trại tiếp tế, Dũng không thèm nhận quà, chửi mắng cô như tát nước vào mặt. Thậm chí, có lần biết Nhung đến một mình, Dũng còn cự tuyệt không ra gặp.

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn ấy, Nhung kể: “Bị anh nhiếc móc, tôi tủi nhục vô cùng. Nhưng tôi biết gia đình mình có lỗi. Anh từng nhận thay tôi một dao, vậy mà bố tôi lại trả ơn bằng cách khiến anh bị án nặng. Phải đến 3 năm kiên trì, thêm mẹ anh động viên, nói tốt, anh mới chấp nhận tình cảm của tôi”.

Gần chục năm Dũng chịu án, Nhung thăm nuôi không thiếu tháng nào. Đặc biệt, cô không chịu nhận hỗ trợ từ bố. Cô một mình bươn trải, buôn bán ngược xuôi, phụng dưỡng mẹ Dũng và tiếp tế cho Dũng bằng những đồng tiền trong sạch.

Năm 2009, Dũng ra tù, họ tổ chức một đám cưới nhỏ, chỉ có bạn bè thân thiết tham dự. Nói về vợ, Dũng “lì’ xúc động: “Bố cô ấy khiến tôi phải tù tội, nhưng tôi chẳng giận nữa. Vì ông ấy đã cho tôi một cô con gái tuyệt vời. Đời tôi may mắn có Nhung, tình yêu thủy chung, sự nhẫn nại của cô ấy đã cứu vớt tôi khỏi con đường tối”.

Việt Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/con-gai-ong-trum-quy-goi-xin-lam-dau-khong-can-cuoi-hoi-d76658.html