Con gái cựu binh Mỹ là ân nhân của hàng trăm mảnh đời bất hạnh ở Việt Nam

TĐO - 'Nếu cha biết được về những điều tôi đang làm, ông hẳn sẽ rất hạnh phúc và tự hào,' đó là những lời chia sẻ của Susan Hammond, con gái một cựu binh Mỹ từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam. Mới đây, bà đã được nhận Huân chương Hữu nghị ghi nhận sự đồng hành tận tụy với nạn nhân chất độc da cam, bom mìn Việt Nam.

Bà Susan Hammond với nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hội Chữ thập Đỏ Hà Nam

Bà Susan Hammond với nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hội Chữ thập Đỏ Hà Nam

Hai phía chung một nỗi đau

Khi chiến tranh Việt Nam xảy ra, Susan mới chỉ là một cô bé lên 5 lên 6. Susan chỉ biết tới nó qua những thông tin từ đài phát thanh, giọng nói của cha trong những cuộn băng ghi âm gửi về từ bên kia địa cầu.

Sau hai năm, người cha trở về lành lặn, hầu như không bao giờ nói với các con về cuộc chiến. Nhắc tới Việt Nam, ông chỉ kể về cảnh đẹp ở những nơi từng đặt chân tới, như những bờ biển thơ mộng của miền Trung.

Mùa xuân năm 1991, ở tuổi 26, Susan đến Việt Nam lần đầu tiên trong một chuyến du lịch “bụi” khám phá châu Á. Tới Việt Nam, Susan lập tức bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, và đồng thời bị sốc khi chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp cuộc chiến. 16 năm sau khi hòa bình lập lại, hậu quả của chiến tranh vẫn in hằn trên những công trình đổ nát, trong bóng dáng những người tàn tật phải chật vật mưu sinh trên hè phố.

“Mình nhất định sẽ trở lại và làm điều gì đó cho Việt Nam!”, Susan tự nhủ như thế. Chuyến đi đầu tiên chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời Susan và rất nhiều người khác.

Năm 1996, sau khi hoàn thành chương trình Cao học tại Mỹ, Susan trở lại Việt Nam với tư cách Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển Mỹ (FFRD - một tổ chức phi lợi nhuận với nhiệm vụ thúc đẩy giao lưu nhân dân, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và trường đại học Mỹ xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ Việt Nam).

Cũng trong thời gian đó, cha Susan, người cựu binh tưởng như may mắn đã trở về lành lặn, được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, có liên quan đến chất độc da cam trong thuốc diệt cỏ mà quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam...

Ân nhân của hàng trăm cuộc đời bất hạnh

Buồn phiền và lo lắng về tình trạng sức khỏe của cha bao nhiêu, Susan càng thấm thía tình cảnh của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bấy nhiêu. “Họ thiệt thòi hơn cha tôi rất nhiều. Trong khi cha tôi và các cựu binh Mỹ nhận được những hỗ trợ về y tế, tài chính từ chính phủ hay những quỹ cựu binh, thì ở Việt Nam, trong những năm 90, do điều kiện kinh tế khó khăn, phúc lợi dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất hạn chế” bà kể lại.

Năm 1999 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Susan, khi bà quyết định sáng lập War Legacies Project (WLP - Dự án Di chứng chiến tranh) để hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

WLP thực hiện các dự án dựa trên tài trợ bởi gia đình và bạn bè các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, điển hình là quỹ Bob Feldman (mang tên một cựu binh từng đóng quân ở Biên Hòa đã mất năm 2006 do phơi nhiễm chất độc da cam).

Trong 20 năm qua, WLP đã kêu gọi được số tiền trên 500.000 USD (gần 12 tỉ đồng) để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh. “Chủ yếu chúng tôi hỗ trợ họ sửa chữa nhà cửa, cung cấp vốn/ con giống để phát triển kinh tế hộ gia đình, tặng xe lăn, chân tay giả, hỗ trợ chẩn đoán sớm, trị liệu và giáo dục đặc biệt”, bà cho biết.

Những dự án WLP thực hiện không quy mô, giá trị lớn về vật chất, nhưng tiếp cận tới từng hộ gia đình, từng cá nhân cần được giúp đỡ một cách sát sao và lâu dài.

Cuộc đời hai anh em Phú, Phi đã có những thay đổi tích cực từ khi gặp bà Susan Hammond. Ảnh: WLP

Nhiều cuộc đời đã được thay đổi nhờ vào tấm lòng của Susan Hammond, trong đó có hai anh em Phú, Phi (tỉnh Đồng Nai). Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, suốt hai mươi năm đầu đời, hai anh em chưa bao giờ có thể tự di chuyển khỏi nhà, mà phải nhờ người mẹ cõng trên lưng mỗi khi cần đi đâu.

May mắn đã đến với họ khi nhận được món quà đặc biệt từ WLP vào năm 2007: những chiếc xe lăn điện. Nhờ đó, Phú và Phi đã có thể tự chủ, tự do và tự tin hơn trong cuộc sống, khi được tự đứng vững trên “đôi chân” của mình. Không lâu sau, họ đã trở thành những thầy giáo cho trẻ em trong xóm. Căn nhà nhỏ trở thành lớp học. WLP hỗ trợ trang thiết bị dạy học, máy tính.

Trong hơn 10 năm qua, WLP còn liên tục tài trợ hai anh em chi phí kết nối Internet, để góp phần giúp họ trau dồi kiến thức, giao lưu với bè bạn bốn phương. Internet cũng là công cụ để chính Susan và hai anh em duy trì liên lạc, để người phụ nữ Mỹ nhân hậu có thể dõi theo từng bước trưởng thành của những người bạn trẻ nghị lực từ bên kia địa cầu. Hầu như hàng năm, Susan đều cố gắng trực tiếp tới thăm Phú và Phi ít nhất một lần, để cập nhật tình hình của họ.

Lạc quan, chăm chỉ và hoạt bát, Phú và Phi là niềm tự hào của Susan. “Hai anh em luôn tràn đầy năng lượng, đầy nhiệt huyết trong công việc gia sư kèm cặp các em nhỏ trong xóm...”

“Phú mới qua đời cách đây không lâu do viêm phổi, một di chứng do chất độc da cam” Susan nghẹn lời khi được hỏi về tình hình hai anh em hiện tại.

"Khi nhớ về cậu ấy, tôi luôn nhớ về người bạn trẻ với nụ cười luôn nở trên môi..." bà nói tiếp.

Bàn tay nhân ái vươn xa

Hiện tại, WLP đang tiếp tục làm việc với Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Quảng Nam để hỗ trợ trực tiếp cho hơn 20 gia đình nạn nhân chất độc da cam, giúp sửa sang nhà cửa, cung cấp cây, con giống, xe lăn cho người khuyết tật,...

Bên cạnh đó, WLP cũng đang hỗ trợ các trường dạy trẻ khuyết tật tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế trong chẩn đoán, can thiệp sớm và vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Hơn 25 năm gắn bó với công cuộc giải quyết hậu quả chiến tranh, với Susan chưa bao giờ là đủ. Bàn tay nhân ái của bà, đã và đang vươn tới nhiều số phận bất hạnh khác, không chỉ có nạn nhân chiến tranh, và không chỉ ở Việt Nam.

Đem niềm vui đến với người kém may mắn là hạnh phúc của Susan. Ảnh: dacamvietnam.vn

Đầu năm 2019, trên trang Facebook cá nhân, Susan đã tự tặng cho mình một “món quà” sinh nhật ý nghĩa: Một dự án gây quỹ (Birthday Fundraiser) để bè bạn cùng nhau đóng góp cho WLP.

Susan vui mừng chia sẻ, một cậu bé nghèo ở huyện Phù Ninh, Quảng Nam bị chứng bại não bẩm sinh đã có thể được tiếp cận với dụng cụ hỗ trợ di chuyển, thông qua quỹ sinh nhật của bà, thắp lên hi vọng cho em và gia đình.

“Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ giúp đỡ ít nhất 30 gia đình/cá nhân tại Việt Nam năm nay. Và 100 người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, bom mìn ở Nam Lào, dọc đường mòn Hồ Chí Minh (cũ)," bà cho biết.

Không chỉ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam một cách trực tiếp, bà Susan Hammond còn hết sức tích cực trong công tác truyền thông để tác động vào nhận thức của chính phủ và người dân Mỹ về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với người Việt Nam và cựu binh Mỹ.

Bà đã cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu xây dựng nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất da cam ở Việt Nam và đem tới trình chiếu tại Mỹ.

Susan cũng xây dựng trang agentorangerecord.com, cập nhập các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất độc da cam, thu hút 35.000 lượt truy cập mỗi năm từ Mỹ, châu Âu, Canada và Việt Nam. Bà làm tất cả những điều này bởi bà tin rằng: “Điều mà các nạn nhân cần không chỉ là sự hỗ trợ mà còn là ai đó có thể hiểu được nỗi đau của họ”

Phi Yến

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/con-gai-cuu-binh-my-va-hanh-trinh-the-ky-chua-lanh-vet-thuong-chien-tranh-75629.html