Con gái chim phượng hoàng - ngày trở về

LOAN – tôi muốn viết hoa tất cả những chữ cái của tên bà – như tác giả Isabelle Müller, con gái của bà - đã dùng trong tác phẩm văn học cùng tên của chị. Ý nghĩ đó đã giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn khi cùng Isabelle ngược dòng hồi ức về mẹ mình, về cuộc đời hơn 7 thập kỷ kiên cường của 'một con chim phượng hoàng' luôn sải cánh về phía trời xanh và nỗi lòng da diết với quê hương.

Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Isabelle diễn ra ngay khi chị vừa hoàn thành chuyến đi 10 ngày tới ba tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam là Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang để triển khai một số dự án dành cho trẻ em tại đây.

Nếu chị không nói ra, chẳng ai nghĩ một phụ nữ mang dáng dấp châu Âu “đặc sệt” này lại mang trong mình một nửa dòng máu Việt. Và, nếu không gặp chị, sợ rằng ít người hiểu được phía sau đôi mắt tưởng như nghiêm khắc đến lạnh lùng kia là một con người chất chứa đầy lòng trắc ẩn và đặc biệt nhất là tấm lòng của chị dành cho quê ngoại của mình – nơi mẹ chị đã trải qua một tuổi thơ dữ dội, một nửa cuộc đời dữ dội… Isabelle Müller – đứa con mang hai dòng máu Việt – Pháp, lập nghiệp và lấy chồng người Đức – đang dành hết tâm sức của mình để xây dựng Quỹ LOAN – nhằm triển khai những dự án từ thiện xã hội dành cho trẻ em một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Sự liều mạng với cuộc đời

LOAN là cái tên mà bà Đậu Thị Cúc tự đặt cho mình. Theo trí nhớ của Isabelle thì quê ngoại của chị - nơi bà Đậu Thị Cúc được sinh ra là một làng ven biển gần thị xã Hà Tĩnh. Theo cách diễn đạt của Isabelle, tôi hiểu ông ngoại chị là một người dân tộc ít người (người Mọi - một cách gọi khác để chỉ dân tộc Mường) và vì thế mà mẹ chị cũng thuộc dân tộc ít người đó.

Được sinh ra vào cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, tại một miền quê hẻo lánh đến vậy, trong một xã hội còn nặng nề tư trưởng trọng nam khinh nữ, chẳng khó để hiểu vì sao cô bé Cúc ngày đó không được đến trường. Thế nhưng, khát khao được đi học đã khiến tuổi thơ của Cúc là những tháng ngày chìm trong đòn roi đến thập tử nhất sinh chỉ vì trốn nhà đi học trộm.

Isabelle Müller trong chuyến đi tới huyện Bắc Mê (Hà Giang), tháng 5/2018. (Ảnh: Corinna Buchholz)

Năm 12 tuổi, cô bé ấy đã đi đến một quyết định táo bạo đến liều mạng khi bỏ nhà ra đi để không bị gia đình gả bán cho người khác và cũng để chấm dứt những chuỗi ngày chịu đựng những trận đòn của bố và anh trai. Nhiều lần đối diện với cái chết – bị lính lê dương làm nhục rồi mang thai... là những gì cay đắng nhất mà Đậu Thị Cúc phải trải qua sau khi trốn khỏi nhà.

Từ nhỏ, tác giả Isabelle Müller đã ấp ủ dự định viết một cuốn sách về cuộc đời của mẹ mình, nhưng 30 năm sau chị mới có điều kiện chấp bút và hoàn thành tác phẩm sau 2 năm.

Cuộc đời của LOAN – nhân vật chính, với những chiến thắng trước dông bão nghiệt ngã của cuộc đời, đã tái hiện quãng thời gian sôi động trong lịch sử Việt Nam.

Sau khi ra mắt, cuốn sách "LOAN - từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” đạt best seller hai năm liền trên trang Amazon (Đức) và lọt vào top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award năm 2015.

Toàn bộ nhuận bút của cuốn sách này được chuyển vào Quỹ từ thiện LOAN (LOAN Stiftung) do tác giả sáng lập để hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam.

Trả món nợ ân tình

Trong dòng hồi tưởng về cuộc đời của mẹ, giọng Isabelle đôi lúc lạc đi vì xúc động. Thật khó hình dung một cô gái An Nam bỏ nhà đi hoang và mang thai làm thế nào để tồn tại, sinh con trong một xã hội mà tư duy phong kiến cổ hủ còn bủa vây và bóp nghẹt từng số phận con người đến vậy. Thế nhưng, nỗ lực sinh tồn và bản năng làm mẹ đã khiến LOAN sống sót và tìm được một bến đậu cho cuộc đời mình.

Số phận đưa đẩy để LOAN gặp cha của Isabelle bây giờ - khi ông chỉ là một cậu lính trẻ chưa đầy đôi mươi của quân đội thực dân Pháp, vừa chân ướt chân ráo từ biệt gia đình để tham chiến tại Việt Nam. Cậu lính Pháp trẻ ấy đã mang đến cho LOAN một nghĩa cử mà sau đó, bà đã dành cả cuộc đời mình để đền ơn. Anh lính trẻ đã nhận làm cha đứa con trai mà LOAN đã dùng tính mạng mình để bảo vệ.

Kể từ đó, cuộc đời LOAN là sự lăn lộn cùng với cuộc di cư vào Nam của chồng, rồi sau đó là theo chồng sang Pháp, sống giữa sự kỳ thị đến cay nghiệt của gia đình chồng. Người phụ nữ ấy đã bị chồng khước từ khi ngỏ ý xin đi học ở trường Pháp – cùng lũ trẻ con, bởi theo ông, một phụ nữ lớn tuổi đến vậy mà chưa biết chữ là nỗi nhục của gia đình. Thế nhưng, bằng cách riêng của mình, người phụ nữ ấy đã tự học nói, học viết, để rồi sau này không chỉ trở thành trụ cột về kinh tế, mà còn trở thành người lo toan tất cả những việc giấy má, thủ tục hành chính… của gia đình.

Chị Isabelle Müller (bên phải) trả lời phỏng vấn phóng viên báo TG&VN. (Ảnh: Corinna Buchholz)

Mang quê hương đến nước Pháp

5 năm sau khi đến Pháp, LOAN tìm được cách đưa cậu con trai bé nhỏ của mình sang đoàn tụ với gia đình. Đến năm 1970, bà mở “Quán ăn Việt Nam” ở một vùng quê gần Tours. Kể về “Quán ăn Việt Nam” của mẹ mình – nơi mà từ khi 8 tuổi, chị đã được mẹ “tuyển” vào làm phục vụ, mắt Isabelle ánh lên niềm tự hào. Quán ăn của bà LOAN phục vụ các thực khách tất cả các món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh cuốn, nem, chả giò, phở, miến... Trong những món đó, không chỉ nhiều thực khách mà cả các con của bà LOAN đều mê mệt món miến gà. Đó cũng là món ăn Việt mà sau này các con của chị Isabelle đều mê tít.

“Điều tuyệt vời là sau này, khi đến Việt Nam, tôi đã đi ăn thử tất cả những món mà mẹ tôi từng nấu trong nhà hàng ở Pháp và thấy rằng mùi vị của chúng giống nhau đến kỳ lạ” – Isabelle chia sẻ. Chị nhớ mãi năm 1992, trong lần trở về Việt Nam lần thứ hai của mình, bà LOAN và Isabelle nghỉ lại tại khách sạn Caravelle (TP. Hồ Chí Minh). Chẳng hiểu sao hôm đó cả hai mẹ con chị đều thao thức, khó ngủ và thèm đến tê tái món phở bò. “Chiều lòng chúng tôi, người đầu bếp của khách sạn khi đó đã nổi lửa để nấu phở cho hai mẹ con lúc 3 giờ sáng. Tôi nghĩ, điều đó chỉ có thể có ở Việt Nam. Tôi nhớ mãi cảm giác của mình thử thìa nước phở đầu tiên hôm đó bởi nó giống hệt hương vị nước phở mà mẹ tôi nấu ở Tours. Ngạc nhiên hơn là khi tôi chia sẻ điều đó với mẹ, bà nói: “Như vậy là mẹ đã mang quê hương đến Pháp cho con thành công”.

Những chuyến trở về vì trẻ em

Giữa dòng suy tưởng, Isabelle bất chợt ngân nga giai điệu của một bài dân ca Việt Nam. Chị giải thích: “Tôi không thể hát được bài hát đó bằng tiếng Việt như mẹ tôi, nhưng bà nói với tôi rằng, bài hát mô tả tiếng người nông dân Việt Nam rủ nhau đi làm đồng. Đó chỉ là một trong rất nhiều bài hát trong kho băng nhạc tiếng Việt của bà – được bà cất giữ ở một nơi mà không ai trong nhà được phép động đến”.

Chị Isabelle Müller (hàng sau, áo vàng) và thư ký Corinna Buchholz (áo trắng) chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô giáo và các em học sinh tại Hà Giang. (Ảnh: NVCC)

Có thể nói, trong suốt tuổi thơ của mình, Việt Nam trong Isabelle chính là những món ăn mẹ nấu, những bài hát dân ca mà mẹ chị thường nghe và dịch lại cho chị. Nhưng, kể từ sau chuyến trở về Việt Nam lần đầu tiên cùng mẹ vào năm 1990, chứng kiến sự thiếu thốn của những đứa trẻ ở những vùng quê nghèo của Việt Nam, Isabelle muốn làm một điều gì đó.

Chia sẻ về tác phẩm LOAN và những chuyến đi đi về về giữa Việt Nam và Đức như con thoi, chị bảo: “Động lực để tôi làm tất cả những dự án hiện nay chính là bù đắp cho tuổi thơ của mẹ - tuổi thơ của một bé gái sinh ra và lớn lên trong một xã hội đầy sự thiệt thòi. Nếu như mẹ tôi không được đến trường thì tôi sẽ làm tất cả để đưa các em học sinh vùng cao đến trường”.

Chia tay Isabelle, trong lòng tôi vẫn đau đáu mong muốn của chị: “Sẽ tuyệt vời biết bao nếu tác phẩm về cuộc đời của LOAN được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam, bởi nó phản ánh khao khát hiểu biết và vươn lên của người Việt. Tôi muốn tất cả trẻ em Việt Nam đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu và muốn các em hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa”.

Khánh Nguyễn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/con-gai-chim-phuong-hoang-ngay-tro-ve-72064.html