Con đường từ 'chân đất - quả bưởi' lên bóng đá chuyên nghiệp của thủ môn Bùi Tiến Dũng

Với niềm đam mê bóng đá từ nhỏ, tuổi thơ Bùi Tiến Dũng gắn liền với quả bóng bằng bưởi và đôi chân trần trên sân đất. Để đến hôm nay, Bùi Tiến Dũng đã trở thành người hùng trong lòng hàng triệu người hâm mộ túc cầu sau khi U23 Việt Nam chiến thắng Iraq.

Lại thêm một ngày tràn ngập niềm vui trong ngôi nhà sàn đơn sơ tại làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Rất đông người thân, hàng xóm đến chia vui cùng gia đình thủ môn Bùi Tiến Dũng.

Bà nội của thủ môn Tiến Dũng là Phạm Thị Giáp (75 tuổi) vui mừng vô cùng khi đứa cháu nội góp phần không nhỏ vào chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam

Dũng sinh ra trong một gia đình người Mường, bố mẹ làm nông nghiệp nên điều kiện hết sức khó khăn.

Nhớ lại con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của con trai, ông Bùi Văn Khánh (53 tuổi, bố đẻ của Dũng) phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có hai thằng con trai đều đang là cầu thủ. Ngoài Bùi Tiến Dũng còn có người em kém Dũng 1 tuổi là Bùi Tiến Dụng (SN 1998). Hiện nay Dụng cũng đang là cầu thủ gây được nhiều sự chú ý ở câu lạc bộ SHB Đà Nẵng.

Lúc 2 con trai còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng tôi không có điều kiện để nuôi con ăn học cao hơn. Thấy con có đam mê với bóng đá nên chú Nguyệt (chú ruột của Dũng) bàn với tôi gửi các cháu vào Công ty TNHH đào tạo bóng đá trẻ Thanh Tuấn ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) để Dũng và Dụng được đào tạo đá bóng và học văn hóa”.

Ông Bùi Văn Khánh - bố của thủ môn Bùi Tiến Dũng - khoe quả bóng có chữ ký của con ông cùng đồng đội sau giải U20 World Cup

Theo những người dân sống cạnh nhà Dũng cho biết, lúc nhỏ cả 2 anh em đều ham bóng đá. Cùng với những đứa trẻ trong làng, chúng thường lấy quả bưởi nướng lên cho mềm rồi chia nhau ra đá.

Năm 2009, Dũng được chú xin cho vào một trung tâm thể thao để học đá bóng. Sau đó Dũng được gửi về FLC Thanh Hóa thử việc. Kể từ đó cơ hội được chơi bóng đá chuyên nghiệp đã đến với Dũng. Cả 2 anh em đều từng được gọi lên đội tuyển quốc gia. Nhất là đối với Dũng, sự xuất sắc trong các pha bắt bóng đã góp phần không nhỏ mang lại chiến thắng cho Việt Nam.

Rất đông người dân đến chia vui cùng gia đình thủ môn Bùi Tiến Dũng nơi quê nhà

Ông Bùi Văn Nguyệt (41 tuổi, chú ruột của Dũng) cho biết: “Khi phát hiện ra tài năng thiên bẩm của 2 đứa, tôi đã bàn với anh chị định hướng cho các cháu phát huy được tài năng của mình. Vì thế, tôi đã tìm cách xin cho các cháu vào học ở các trung tâm đào tạo.

Trận đấu tối qua quả là tuyệt vời. Không chỉ riêng gì thằng cháu Dũng nhà tôi mà các cầu thủ khác đều thi đấu rất hay. Từ đêm qua đến giờ, bản thân gia đình và làng xóm lúc nào cũng vui mừng khôn xiết giống như đang mơ vậy”, ông Nguyệt hạnh phúc nói.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng, cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau khi Việt Nam chiến thắng Iraq.

Theo ông Khánh, năng khiếu bóng đá cả 2 anh em Dũng, Dụng đều được di truyền từ bố và chú để lại, bởi ông Khánh và ông Nguyệt đều từng là cầu thủ nòng cốt của làng trong phong trào thể thao ở địa phương.

“Sắp tới, đến trận bán kết, gia đình tôi sẽ làm thịt lợn để mời anh em họ hàng, hàng xóm đến nhà ăn và cổ vũ cho Tiến Dũng cũng như đội tuyển của nước ta. Cầu chúc cho U23 Việt Nam sẽ vững vàng tiếp tục mang lại vinh quang cho đất nước”, ông Khánh cho biết thêm

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/con-duong-tu-chan-dat-qua-buoi-len-bong-da-chuyen-nghiep-cua-thu-mon-bui-tien-dung-20180121230838214.htm