Con đường trở thành luật sư tư vấn doanh nghiệp

Nhiều bạn trẻ muốn trở thành luật sư doanh nghiệp, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, thu nhập cao nhưng chưa hình dung được làm nghề là con đường mà họ phải liên tục học hỏi kể từ khi còn trên ghế nhà trường.

Sinh viên cần thực tập sớm và tích lũy kiến thức thực tiễn để trở thành luật sư tư vấn doanh nghiệp giỏi. Ảnh: Student Voices

Đầu năm nay, Khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đã cùng đối thoại với các nhà tuyển dụng ngành luật và nhận được nhiều ý kiến của các đơn vị tuyển dụng cho rằng, những cử nhân thường thiếu các kỹ năng mềm và chưa linh hoạt trong ứng xử công vụ. Chủ nhiệm Khoa Luật Nguyễn Thị Quế của ĐHQGHN cũng nhận định nhà trường cần có những chương trình giúp sinh viên có thể thực hành nhiều hơn. Đó là chuyện của vài năm tới. Ngay lúc này, những sinh viên mong muốn trở thành một luật sư tư vấn doanh nghiệp cũng có thể rút ra bài học từ những người đi trước.

Đi thực tập càng sớm càng tốt

Trở thành giám đốc của Công ty luật Apolat Legal khi mới 28 tuổi, Luật sư Phạm Thị Thoa cho rằng nghề luật sư tư vấn doanh nghiệp là con đường không trải bằng hoa hồng. Bên cạnh yếu tố chuyên môn và kinh nghiệm, một luật sư tư vấn doanh nghiệp không bao giờ có thể ngừng việc học tập vì yêu cầu ngành này rất cao. Người ta tìm đến người luật sư doanh nghiệp không chỉ vì nhu cầu tư vấn luật mà còn về tư vấn kinh doanh. Do đó, các bạn trẻ muốn theo mảng tư vấn doanh nghiệp cần phải xác định rõ khối lượng kiến thức khổng lồ mình phải nắm vững.

Khi còn học đại học, chị Thoa rất tích cực đi làm thêm. Việc này có lẽ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến con đường sự nghiệp của chị nếu không nhờ lời tư vấn của những người đi trước: hãy bớt lo kiếm tiền mà tìm cách chuẩn bị cho nghề nghiệp. Những người ra trường mách nhỏ chị Thoa hãy tìm việc làm thêm ở các hãng luật, tuy thu nhập không cao nhưng bù lại được quan sát thực tế công việc và mở rộng mối quan hệ.

Luật sư Huỳnh Vũ Yên Thảo, hiện đang làm việc tại một hãng luật nước ngoài tại TPHCM, khuyên các sinh viên thực tập học hỏi từ các luật sư nhiều kinh nghiệm, không nên ngại khó hoặc sợ sai để được va chạm với nhiều việc khác nhau. “Ngoài ra, sinh viên cần đi thực tập càng sớm càng tốt, không cần đợi tới năm cuối. Một mẹo nhỏ khi nộp hồ sơ là nên nộp vào dịp cuối năm. Thời điểm này có khá ít hồ sơ ứng tuyển và hồ sơ của bạn có thể được lưu ý nhiều hơn”, Luật sư Thảo nói.

Công việc thực tập thường là phụ giúp các luật sư bất cứ việc gì họ nhờ. Công việc thường căng thẳng, các luật sư nhiều lúc cũng hay cáu gắt, lương hỗ trợ chỉ đủ đổ xăng và gửi xe. Do đó, nhiều sinh viên thực tập hay bỏ ngang. Các luật sư có kinh nghiệm cho rằng người thực tập cần suy nghĩ lạc quan và hoàn thành tốt mọi việc, từ photocopy đến giao thư, hay thậm chí tiếp khách hàng đến mắng vốn vì thực tập là cách học thú vị hơn trên sách vở. Trong từng tình huống, người luật sư đều tra cứu văn bản luật phòng khi có các cập nhật mới nên các bạn có cơ hội hiểu rõ bản chất của luật định theo các tình huống đó. Khi làm hồ sơ giúp các luật sư trong phòng pháp lý, các sinh viên cũng từng bước nắm quy trình cho các trường hợp. Theo luật sư Thoa, đây cũng là một phương pháp rèn tư duy mà các bạn sinh viên thường coi nhẹ.

Cơ sở để xây dựng con đường nghề nghiệp

Ngành luật bao gồm rất nhiều lĩnh vực, sinh viên khi ra trường rất khó nhận ra lĩnh vực nào là phù hợp với mình. Việc được tiếp xúc thực tiễn với nhiều vụ việc đa dạng sẽ giúp cho bạn trẻ tự định hướng được ngành nghề sau này một cách chắc chắn. Bên cạnh việc xây dựng kỹ năng và mối quan hệ, việc đi làm thêm ở hãng luật giúp cho sinh viên có được cơ hội chọn nghề quý báu sau này.

Nói về kinh nghiệm thực tập, luật sư Thoa cho biết mình đã cố gắng làm hết mọi trường hợp được giao, từ các vụ ly hôn, kiện tục đất đai cho đến mảng sở hữu trí tuệ. Nhờ đó, chị nhận ra một điều rằng mảng sở hữu trí tuệ là một trong những mảng đầy tiềm năng. Với kinh nghiệm ở lĩnh vực mới mẻ, chị được nhận vào làm việc ngay khi vừa tốt nghiệp với chức danh chuyên viên pháp lý vì có được lĩnh vực riêng cho mình khi còn thực tập.

Trong giai đoạn khi lập công ty riêng, chị Thoa còn sắp xếp lại công việc để tiếp tục học chuyên sâu cách quản lý doanh nghiệp, cập nhật thị trường và có được tầm nhìn định hướng phát triển cho khách hàng.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279914/con-duong-tro-thanh-luat-su-tu-van-doanh-nghiep.html