Con đường tơ lụa của Trung Quốc bị đứt gãy 2 khúc

Không thể đàm phán lại nợ với Bắc Kinh, Malaysia hủy 3 dự án.

Cách đây 5 năm, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc giành được hợp đồng xây dựng cảng nước sâu và khu công nghiệp Kuantan, một thành phố Malaysia bên Biển Đông. Cư dân Kuantan lo ngại rằng thành phố có thể bị mắc kẹt với các dự án tốn kém mà không mang lợi. Dự án đó là để phục vụ Con đường tơ lụa mới trên biển của Trung Quốc. Một dự án khác công ty bất động sản Country Garden của Trung Quốc kết hợp với một tập đoàn bất động sản địa phương đầu tư ở phía Nam Malaysia. Người dân lo ngại khu đô thị Forest City (Thành phố Rừng), gồm bến thuyền, công viên giải trí, khách sạn 7 sao tại 4 đảo nhân tạo đủ không gian cho khoảng 700.000 người, khách hàng hướng đến cũng là người Trung Quốc, sẽ dẫn tới một làn sóng di cư mới từ Trung Quốc sang Malaysia.

Các công ty Trung Quốc luôn giành lợi thế, làm thiệt hại cho các doanh nghiệp địa phương, kể cả các doanh nghiệp người Malaysia gốc Hoa. Điều ông Mahathir không mong muốn là sức mạnh kinh tế sẽ tuột khỏi tay người gốc Mã.

Dưới thời Thủ tướng Najib Nazak, đầu tư Trung Quốc nhảy vọt. Malaysia trở thành trung tâm nỗ lực vươn ra toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, các điều khoản dự án này thường thiếu sự minh bạch; lãi suất cho vay không thuận lợi. Người Malaysia cho rằng, Najib Razak đã “tự nộp mình vào miệng sói”, song ông Najib cố ý ký kết các thỏa thuận để tư lợi cá nhân. Hồi tháng 6, Tòa án Malaysia ra lệnh tịch thu 250 triệu USD thuộc tài sản của Najib Razak. Chắc đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Dự án Thành phố Rừng Malaysia ước tính có thể chứa 700.000 đến 1 triệu người Trung Quốc sang sinh sống tại Malaysia.

Trong các ngày 17-21/8, Thủ tướng Mahathir Mohamad, thăm Bắc Kinh, với mục tiêu giảm nợ quốc gia hiện ở mức khoảng 250 tỷ USD, một phần nợ các công ty Trung Quốc.

Trung Quốc tỏ ra không hài lòng. Tại cuộc họp báo giữa hai Thủ tướng ở Bắc Kinh, khi ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh vấn đề cùng bảo vệ tự do thương mại, thừa nhận chính sách từ phía Malaysia là đặt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ; Thủ tướng Mohamad đáp lời: “Tôi đồng ý với tự do thương mại, nhưng cũng cần thương mại công bằng. Chúng tôi không muốn nhìn thấy chủ nghĩa thực dân kiểu mới, bởi nước nghèo sẽ không thể cạnh tranh được với nước giàu”.

Cuộc họp báo kết thúc ngay sau cái bắt tay có khoảng cách xa giữa 2 Thủ tướng. Ông Lý Khắc Cường đã ngay lập tức quay đầu rời đi.

Kết thúc chuyến thăm, ông Mahathir thông báo hủy bỏ 3 dự án hạ tầng đã đàm phán: Dự án đường sắt nối Kuala Lumpur với Thái Lan tổng vốn dự kiến lên đến 20 tỷ USD và hai đường ống dẫn khí đốt có tổng giá trị đầu tư 2,3 tỷ USD. Vị Thủ tướng cao tuổi tuyên bố rằng các dự án này “sẽ làm cho chúng tôi phải vay nợ quá nhiều tiền. Chúng tôi không thể cho phép làm điều đó bởi vì chúng tôi sẽ không thể hoàn trả. Và sau nữa, vào thời điểm hiện nay chúng tôi không có nhu cầu các dự án này”.

Thủ tướng Mahathir kỳ vọng chuyến thăm Bắc Kinh có thể trao đổi lại với Trung Quốc về các chi phí công trình và vốn cho vay để giảm bớt gánh nặng cho Malaysia. Song Trung Quốc không nhượng bộ. Thủ tướng Mahathir không ngờ lập trường của Trung Quốc lại cứng rắn như vậy.

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nêu ví dụ về Sri Lanka, nước phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong vòng 99 năm vì không thể trả khoản nợ vay từ Bắc Kinh.

Najib Razak quan sát dự án đường sắt nối bờ đông Malaysia (ECRL) cạnh tranh với eo Malacca. Dự kiến một cảng nước sâu sẽ được xây dựng có thể đón hàng không mẫu hạm và tàu ngầm Trung Quôc tại phía nam Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, có thể nhận định rằng, nếu đàm phán lại với Malaysia có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, các nước khác cũng sẽ học theo Malaysia để yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ. Đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ cùng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Trung Quốc càng không thể nhượng bộ.

Ở khía cạnh quân sự, dưới thời Najib, Malaysia đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc, cho phép tàu ngầm tấn công của Trung Quốc thăm cảng. Đồng thời, các nhà đầu tư Trung Quốc dự kiến xây một cảng nước sâu mới với cầu cảng đủ lớn để đón tàu sân bay. Cảng này có thể được dùng để đón tàu ngầm Trung Quốc. Nhưng Thủ tướng Mahathir nói: “Tôi đã công khai tuyên bố rằng chúng tôi không muốn thấy các tàu chiến ở eo biển Malacca hay Biển Đông”.

New York Times tuần trước nhận xét rằng, “Con đường Tơ lụa mới” (BRI) của Trung Quốc với sự tham gia của 65 quốc gia, tổng số vốn đã đầu tư lên đến 1.000 tỷ USD, đôi khi bị xem như là món quà nhiễm độc đối với các nước liên quan. Trung Quốc cần nó để xuất khẩu sản phẩm dư thừa, vốn và lao động, nếu không kinh tế sẽ đình trệ, nhưng tạo bẫy nợ với các nước. Thái Lan mới đây từ chối các điều kiện tài chính của Bắc Kinh trong dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Viêng Chăn với Bangkok. Như vậy, BRI - xuất phát từ Vân Nam tới Singapore - bị đứt gãy 2 khúc: Malaysia và Thái Lan./.

Hoài Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/con-duong-to-lua-cua-trung-quoc-bi-dut-gay-2-khuc-360925.html