Con đường sa ngã của ủy viên Nội vụ 'thép' Nikolay Yezhov

84 năm trước, tháng 4/1939, ủy viên Nội vụ Liên Xô Nikolay Yezhov, một trong những nhân vật nham hiểm nhất trong lịch sử Liên Xô, đã bị bắt. Tên tuổi ông ta,gắn liền với những cuộc thanh trừng khét tiếng vào những năm 1930, được lưu lại trong lịch sử với cái tên 'Đại thanh trừng'. 'Người lùn khát máu' cao 1m52 đã trở thành nạn nhân của trò chơi do chính ông ta bày đặt.

Bốn viên đạn

Ngày 10/4/1939, tại phòng làm việc của Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Georgy Malenkov, người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô Nikolay Yezhov đã bị bắt và giải đến nhà tù bí mật Sukhanovka ở ngoại ô Moscow. Cùng ngày, khi báo cáo cấp trên về vụ khám xét tại phòng làm việc của Yezhov, Đại úy An ninh quốc gia Schyepilov, viết:

... Khi lục soát bàn viết của Yezhov, trong ngăn kéo, tôi tìm thấy bốn viên đạn bị bẹp sau khi bắn trong một phong bì lớn để mở của Ban Thư ký Bộ Dân ủy Nội vụ gửi N.I.Yezhov. Mỗi viên được bọc trong một mảnh giấy với dòng chữ viết bằng bút chì "Zinovyev", "Kamenyev", "Smirnov" (hơn nữa, trong mảnh giấy ghi "Smirnov" có hai viên). Rõ ràng, những viên đạn này được gửi cho Yezhov sau khi thi hành án đối với các nhân vật nói trên.

Tôi đã tịch thu chiếc phong bì...

Phó Trưởng ban 3 thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ, Đại úy An ninh quốc gia Schyepilov”.

Ngày 10/4, điều tra viên an ninh quốc gia cao cấp Sergyenko đã báo cáo với cấp trên rằng "Yezhov bị phát hiện làm gián điệp cho Ba Lan, Đức, Anh và Nhật Bản".

Hơn nữa, cũng theo báo cáo trên, ngày 7/11/1938, Yezhov và đồng bọn đã chuẩn bị một cuộc chính biến với mục đích tiến hành các hoạt động khủng bố chống lại các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ tại một cuộc biểu tình trên Quảng trường Đỏ ở Moscow. Điều gì đã dẫn tới sự sa ngã của ủy viên Nội vụ "thép"?

Ủy viên Nội vụ Nikolay Yezhov.

Ủy viên Nội vụ Nikolay Yezhov.

Sự khủng bố của “gã lùn” nham hiểm

Ngày 26/9/1936, Yezhov trở thành người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ. Vào thời điểm đó, ông ta là ứng cử viên phù hợp nhất. Yezhov không những là một sĩ quan an ninh giàu kinh nghiệm mà còn là một người bolshevik trung thành, đã từng xông pha trận mạc. Lúc bấy giờ, không ai có thể ngờ rằng con người xấu mã này có khả năng nhấn chìm đất nước trong biển máu.

Những số liệu sau đây minh chứng cho tội ác của "gã lùn" khát máu: trong thời gian Yezhov đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ, có 1.548.000 người bị bắt vì động cơ chính trị. Chỉ riêng vì "hoạt động gián điệp" năm 1937, có 93.000 người bị xử tử. Trong nhiệm kỳ làm việc của Yezhov, chiến dịch thanh trừng ở Liên Xô đã đạt đến đỉnh cao.

Chỉ vài tháng trên cương vị ủy viên Nội vụ, Yezhov đã củng cố vững chắc quyền lực của mình. Ngày 27/10/1936, Yezhov được bầu vào ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, ngày 27/1/1937, Yezhov được phong quân hàm Nguyên soái.

Yezhov thích chỉ huy bộ máy cảnh sát mật đồ sộ. Rõ ràng, ông ta muốn đặt bộ phận của mình đứng đầu Nhà nước, ông ta muốn biến Bộ Dân ủy Nội vụ thành nhánh quyền lực chính, và biến đàn áp thành một cơ chế tổ chức cuộc sống của đất nước liên tục và có hệ thống. Từ một phương pháp bảo vệ quốc gia, khủng bố đã trở thành mục đích tự thân đối với ông ta. Yezhov coi nó là một quy trình sản xuất cần được không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng.

Cuối cùng, Yezhov quyết định tấn công các thành viên thân cận của Stalin. Có bằng chứng cho thấy ông ta chuẩn bị đàn áp Lazar Kaganovich, cộng sự chính của Stalin. Sau khi Yezhov bị bắt, người ta tìm thấy trong két sắt của ông ta hồ sơ về Stalin và những người thân cận của lãnh tụ. Còn cách đấy không lâu, tại Điện Kremlin, trong quá trình sửa chữa, người ta phát hiện ra rằng cơ quan của Yezhov thường xuyên “nghe lén” phòng làm việc của lãnh tụ.

Câu chuyện thực sự mang tính chất trinh thám này cho thấy Bộ Dân ủy Nội vụ ngày càng trở nên mất kiểm soát. Cần phải khẩn trương thay đổi ban lãnh đạo của nó.

Từ trái qua: Voroshilov, Molotov, Stalin và Yezhov, ngày 22/4/1937.

Sự sụp đổ của ủy viên Dân ủy Nội vụ

Để loại bỏ Yezhov khỏi quyền lực, đầu tiên Stalin giới thiệu Lavrenty Beria, chiến hữu lâu năm của mình, vào Bộ Dân ủy Nội vụ. Đến lúc này, Beria đã chứng tỏ năng lực làm việc của mình. Beria đã góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân ở các nước cộng hòa ngoại Kavkaz, giải quyết các vấn đề lãnh thổ và quốc gia. Đây là con người mà Stalin cần đến.

Beria được bổ nhiệm làm phó của Yezhov. Ngay sau khi Beria hoàn toàn kiểm soát công việc của Bộ Dân ủy Nội vụ, tháng 8/1938, Yezhov được giao thêm nhiệm vụ: phụ trách Bộ Dân ủy Giao thông đường thủy. Chức vụ này rất nặng nề, đòi hỏi khá nhiều thời gian. Dần dần, Yezhov buộc phải chuyển tay lái của Bộ Dân ủy Nội vụ cho Beria. Bản thân ông ta gần như đã bị loại khỏi bộ máy lãnh đạo của chính cơ quan mình.

Dần dần, người của Yezhov bị thay thế bằng người của Beria. Mất đi những người ủng hộ trong Bộ Dân ủy Nội vụ, Yezhov cũng mất luôn ảnh hưởng của mình, và ngày 9/11, ông ta bị loại khỏi ban lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ. Một năm sau, Yezhov bị bắt vì tội phản quốc và hoạt động gián điệp.

Nhiệm vụ của Beria là ngăn chặn cỗ máy đàn áp. Chính trong thời gian này, người ta bắt đầu xem xét lại các vụ án và phục hồi danh dự. Hàng chục nghìn tù nhân trở về từ các trại giam và nhà tù, và vị trí của họ đã được thay thế bởi các nhân viên an ninh trước đây.

Đồng thời, Tòa án Tối cao Liên Xô được toàn quyền xem xét và giám sát bất kỳ vụ án nào của các tòa án ở Liên Xô. Đến cuối năm, Tòa án Tối cao đã hủy bỏ và ngăn chặn thi hành khoảng 40.000 bản án tử hình vì tội "phản cách mạng". Đỉnh cao của sự “cởi trói” là nghị quyết chung của Hội đồng Dân ủy Liên Xô và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản toàn Nga (Bolshevik) "Về việc bắt giữ, truy tố và tiến hành điều tra". Được thông qua vào ngày 11/11/1938, nghị quyết này đã chấm dứt các vụ bắt bớ và trục xuất hàng loạt. Sự giám sát của cơ quan tố tụng đối với bộ máy điều tra của Bộ Dân ủy Nội vụ đã được khôi phục. Ngày 9/11/1939, Beria ký sắc lệnh "Về những thiếu sót trong công tác điều tra của Bộ Dân ủy Nội vụ". Kết quả là 330.000 người đã được trả tự do vào năm 1939. Tổng cộng, hơn 800.000 nạn nhân đã được phục hồi trong quá trình khắc phục hậu quả của cuộc “Đại thanh trừng”.

Nhà tù bí mật Sukhanovka, nơi Yezhov bị giam giữ.

Nghi án gián điệp Đức?

Tiếc rằng phần lớn các tài liệu về vụ án Yezhov cho đến nay vẫn được giữ bí mật. Công chúng chỉ biết nội dung biên bản thẩm vấn Yezhov do Beria đích thân gửi cho Stalin.

Theo lời khai của Yezhov, ngay từ năm 1934, ông ta được bác sĩ Engler, trợ lý của Giáo sư Norden, tuyển dụng. Bản thân Norden không chỉ là một bác sĩ mà còn là chủ sở hữu một số viện điều dưỡng ở Áo, Thụy Sĩ và các nước châu Âu khác. Khi đi công tác nước ngoài, các cán bộ của Bộ Dân ủy Nội vụ thường tạm trú trong các viện điều dưỡng của Norden. Một lần, Nikolay Yezhov đến bồi dưỡng sức khỏe của mình tại một trong những viện điều dưỡng này và có quan hệ tình ái với một nữ y tá rất xinh đẹp. Vào một ngày đẹp trời, giữa lúc cuộc mây mưa của họ đang ở đỉnh cao, cánh cửa phòng đột nhiên mở tung, và bác sĩ Engler xuất hiện trên ngưỡng cửa. Ngay lập tức, một vụ xì-căng-đan khủng khiếp nổ ra.

Theo lời khai của Yezhov, bác sĩ nói: “Tại viện điều dưỡng của chúng tôi, chưa bao giờ xảy ra một vụ tai tiếng như thế này, đây không phải là nhà chứa dành cho ông, ông đã làm hỏng danh tiếng tốt đẹp của viện điều dưỡng chúng tôi. Ông phải rời khỏi viện điều dưỡng, và chúng tôi sẽ thông báo sự thật xấu xa này cho các nhà chức trách của chúng tôi. Tôi không dám đảm bảo câu chuyện tai tiếng này sẽ không xuất hiện trên báo chí".

Yezhov cầu xin Engler không công khai trường hợp này, đáp lại, bác sĩ tuyên bố rằng ông sẵn sàng làm điều đó, nếu Yezhov đồng ý hợp tác với cơ quan tình báo Đức. Và ủy viên Nội vụ buộc phải nhận lời. Yezhov quyết định mạo hiểm để giữ vị thế của mình.

Trong thời gian hợp tác với tình báo của Cộng hòa Weimar, và sau đó là Abwehr, Yezhov đã cung cấp rất nhiều thông tin mật về tình hình chung của Liên Xô và Hồng quân. Chẳng hạn, Đức biết rằng Hồng quân tụt hậu cả về chất lượng lẫn số lượng trang bị pháo binh, thua xa các nước tư bản tiên tiến. Ngoài ra, Yezhov đã chuyển cho phía Đức thông tin về những khó khăn của quá trình tập thể hóa và sự chậm trễ trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Yezhov cũng thông báo cho người Đức rằng Liên Xô đang bị tụt hậu trong sản xuất kim loại màu và hợp kim đặc biệt, điều này cản trở sự phát triển khả năng chiến đấu của Hồng quân.

Ngoài ra, ủy viên Nội vụ bị thất sủng đã cung cấp cho người Đức thông tin về những nghiên cứu quân sự bí mật mà nhóm chỉ huy quân đoàn Nikolay Kuibyshev đang thực hiện.

Như vậy, thiệt hại do Yezhov gây ra cho Liên Xô là rất lớn. Nhưng liệu những bằng chứng này có đáng tin cậy không? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Xóa tên khỏi lịch sử

Ngày 2/2/1940, vụ án Yezhov được Hội đồng quân sự thuộc Tòa án Tối cao Liên Xô, dưới sự chủ tọa của Vasily Ulrikh, xem xét. Không có công tố viên, không có luật sư, không có công chúng trong phòng xét xử. Chỉ có những người áp giải và thư ký phiên tòa. Mới cách đây không lâu, Yezhov chuyển mệnh lệnh của Stalin cho Ulrich hoặc đưa ra chỉ thị cá nhân của ông ta về việc kết án ai và như thế nào. Bây giờ Ulrich nhận được chỉ thị về chính Yezhov.

Nghị án kéo dài không lâu. Ulrich đọc bản án - hành quyết và tịch thu tất cả tài sản cá nhân của bị cáo.

Bản án được thi hành vào ngày hôm sau. Việc bắt giữ và cái chết của Yezhov không được báo chí Liên Xô đưa tin. Thi hài của ủy viên Nội vụ được hỏa táng và tên ông ta mãi mãi bị xóa khỏi lịch sử của Liên bang Xôviết.

Câu chuyện về ủy viên Nội vụ “thép” kết thúc một cách ô nhục.

Trần Hậu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/con-duong-sa-nga-cua-uy-vien-noi-vu-thep-nikolay-yezhov-i693731/