Con đường nước Mỹ trở thành cường quốc số 1 thế giới

Được thành lập cách đây hơn 300 năm, từ một quốc gia non trẻ Mỹ đã vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới trong suốt gần 1 thế kỷ qua. Vậy làm cách nào để một quốc gia non trẻ, nằm cách biệt với hầu hết phần còn lại của thế giới lại có được bước tiến mạnh mẽ như vậy?

Bản đồ nước Mỹ.

Bản đồ nước Mỹ.

Nước Mỹ ngày nay, với diện tích 9.826.675km² (đứng thứ 5 thế giới) và dân số trên 320 triệu người, được người châu Âu biết đến từ cuối thế kỷ XV, khi nhà thám hiểm Christopher Columbus khám phá ra châu Mỹ. Khi đó, nước Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung chỉ là một vùng đất hoang vắng, ít người sinh sống, chủ yếu là những thổ dân India.

Trong suốt 3 thế kỷ tiếp theo đó, con người từ khắp nơi trên thế giới dần dần di cư sang thế giới mới. Lãnh thổ Mỹ lúc này nằm dưới quyền kiểm soát của đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha…

Sau nhiều cuộc chiến tranh giành thuộc địa với các nước đế quốc, thực dân khác, cuối cùng thì Anh cũng chiếm được 13 bang thuộc Bắc Mỹ (nằm trong lãnh thổ Mỹ ngày nay).

Giữa thế kỷ XVIII, căng thẳng giữa nhân dân các thuộc địa Bắc Mỹ và đế quốc Anh ngày càng lên cao. Nhiều cuộc đấu tranh, xung đột vũ trang đã xảy ra. Kết quả là Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc vào ngày 4/7/1776. Ngày này được lấy làm ngày Quốc khánh của Mỹ.

Người Mỹ tiếp tục mở rộng lãnh thổ của mình bằng việc mua lại vùng đất Louisiana, lãnh thổ mà Pháp tuyên bố chủ quyền, vào năm 1803.

Điều này đã làm diện tích Mỹ tăng gấp đôi. Sau đó, họ tiến hành một loạt các cuộc tiến công quân sự vào Florida buộc Tây Ban Nha nhượng lại vùng đất Florida và nhiều lãnh thổ duyên hải quanh Vịnh Mexico khác cho Mỹ năm 1819.

Mỹ sáp nhập Cộng hòa Texas năm 1845. Trong Hiệp ước Oregon với Anh năm 1846, Mỹ đã đạt được quyền kiểm soát vùng mà ngày nay là Tây Bắc Mỹ. Chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Mexico - Mỹ năm 1848 dẫn đến việc Mexico nhượng lại California và phần nhiều vùng đất mà ngày nay là vùng Tây Nam của Mỹ.

Năm 1867, Mỹ mua lại Alaska từ Nga. Năm 1875, ép Hawaii ký một hiệp định thương mại bất bình đẳng với mình và sau đó lật đổ vương triều tự chủ của quần đảo này.

Năm 1893, Hawaii được đặt dưới sự bảo hộ của Mỹ và đến năm 1898 thì chính thức bị sáp nhập và trở thành bang thứ 50 của Liên bang.

Cùng với thời điểm đó, Mỹ tận dụng triệt để những lợi thế như: Có nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào, kỹ thuật tiên tiến được du nhập từ các nước Tây Âu để ra sức phát triển kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, Mỹ còn dùng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao để ép các nước khác trên thế giới phải mở cửa giao thương và ký kết những hiệp định thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ.

Cho đến trước Thế chiến I, Mỹ đã trở thành một thế lực đáng gờm đối với các quốc gia hùng mạnh khác trên thế giới vào thời điểm đó như đế quốc Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức…

Trong Thế chiến I, tận dụng lợi thế địa lý cách xa chiến trường chính, Mỹ đã thực hiện chính sách “ngư ông đắc lợi” bán nguyên liệu, lương thực và khí giới cho cả hai bên tham chiến.

Đến khi cuộc chiến này gần đi đến hồi kết, lấy lý do Đức cản trở việc giao thương giữa mình và Anh quốc, Mỹ nhảy vảo cuộc chiến (tháng 4/1917). Kết quả, Mỹ ở phe thắng trận.

Tại Hội nghị Versailles, khi các nước thắng cuộc trong Thế chiến I hội họp để chia nhau thuộc địa thì Mỹ lại dùng sức mạnh kinh tế của mình để chi phối Hội nghị theo hướng có lợi cho mình.

Chính vì thế, từ thập kỷ 20 của thế kỷ trước, Mỹ đã thực sự trở thành một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới.

Trong Thế chiến II, Mỹ cũng định thực hiện chính sách như ở Thế chiến I với định hướng là “kho vũ khí dân chủ”. Tuy nhiên, cuối năm 1941, không quân Nhật Bản bất ngờ tấn công và phá hủy căn cứ Trân Châu Cảng của Mỹ, buộc nước này phải tham chiến.

Nhà Trắng (Ảnh minh họa)

Khi Thế chiến II sắp kết thúc, Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản, giết hại hàng trăm nghìn người dân Nhật Bản.

Thế chiến II chấm dứt, một lần nữa Mỹ lại là bên chiến thắng. Mặc dù là một nước tham chiến tích cực, nhưng với lợi thế về địa lý, Mỹ tiếp tục tránh được sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến này.

Trái lại, Mỹ lại được hưởng lợi thêm các khoản chiến phí, các thuộc địa mới của các nước thua trận và những đặc quyền, đặc lợi của một nước thắng trận. Chính vì lẽ đó sau Thế chiến II, Mỹ vươn lên thành siêu cường số một của thế giới tư bản.

Quốc gia này tiếp tục mưu đồ làm bá chủ thế giới. Năm 1950 đến năm 1953, Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên nhằm xóa bỏ chế độ Cộng sản ở miền Bắc Triều Tiên.

Từ năm 1946 đến năm 1954, Mỹ giúp đỡ Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Sau khi Pháp thất bại ở chiến trường này, Mĩ trực tiếp nhảy vào và gây ra cuộc chiến tranh lâu dài, tàn khốc nhằm khuất phục ba nước Đông Dương bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia nhưng rốt cuộc cũng thất bại hoàn toàn và buộc phải rút khỏi các nước này vào năm 1975.

Cùng với những cuộc chiến tranh cục bộ, Mỹ đã thi hành nhiều chính sách và biện pháp để hạn chế tiến tới tiêu diệt hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Mỹ đã xây dựng các căn cứ quân sự, đóng quân ở khắp nơi trên thế giới, lôi kéo đồng minh lập nên những khối quân sự ở các khu vực, trong đó đáng kể nhất là khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Để bành trướng và đứng chân vững chắc ở Trung Đông, cửa ngõ đi vào ba châu lục, nơi có nguồn dầu mỏ lớn nhất thế giới, Mỹ đã sử dụng Isarel như một công cụ đắc lực. Mỹ gây ra 4 cuộc chiến tranh Trung Đông xâm chiếm đất đai của Ai Cập, Syria, Lebanon.

Đặc biệt nghiêm trọng là Mỹ đã hậu thuẫn cho Isarel xâm chiếm hầu hết lãnh thổ của người Palestin, khiến họ trở thành người không có tổ quốc, hàng triệu người phải lưu vong sang các nước láng giềng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, vai trò siêu cường trong thế giới đơn cực của Mỹ càng được khẳng định. Trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh (1990 - 1991), được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, Mỹ đã đưa quân đội cùng với khí tài quân sự vào tham chiến. Trong Chiến tranh Nam Tư (1999), Mỹ cũng không ngần ngại đưa máy bay không kích quốc gia này.

Cuối năm 2001, các lực lượng Mỹ đã lãnh đạo một cuộc tiến công của NATO vào Afghanistan lật đổ Taliban và phá hủy các trại huấn luyện khủng bố của al-Qaeda, truy lùng, tiêu diệt Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu cho cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ ngày 11/9/2001.

Năm 2002, Chính phủ Bush bắt đầu gây áp lực cho sự thay đổi chế độ tại Iraq với các lý do gây nhiều tranh cãi. Thiếu sự phụ trợ của NATO, Bush thành lập một Liên minh tự nguyện và Mỹ xâm chiếm Iraq năm 2003, lật đổ chính quyền Saddam Hussein.

Qua các cuộc chiến tranh này, Mỹ luôn tìm mọi cách để gây ảnh hưởng đến các quốc gia tham chiến.

Các quốc gia kể cả thắng cuộc hay thua cuộc đều phải phụ thuộc về kinh tế, chính trị và quân sự vào Mĩ và thường phải ký kết những thỏa thuận bất bình đẳng với nước này.

Với tất cả sự khéo léo về ngoại giao, sức mạnh về quân sự, tiềm lực về kinh tế, Mỹ đã trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Tuy nhiên, vị thế này của Mỹ cũng đang bị đe dọa bởi các cường quốc mới nổi như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… và tư tưởng kiến tạo một thế giới “đa cực” của cộng đồng quốc tế.

Trịnh Cao Khải

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/con-duong-nuoc-mi-tro-thanh-cuong-quoc-so-1-the-gioi-a343518.html