Con đường 'nhúng chàm' của ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa

Cả cuộc đời cống hiến, với nhiều thành tích trong phá án, chống tiêu cực nhưng trước cám dỗ của đồng tiền, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 - Bộ Công an) đã 'nhúng chàm' để rồi vướng vòng lao lý.

Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" .Ảnh IT

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, ngày 4.02.2010, Bộ Công an ban hành Quyết định số 450/QĐ-BCA, trong đó quy định C50 có nhiệm vụ, quyền hạn được thành lập công ty bình phong để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ.

Khoảng giữa năm 2011, tại thời điểm đó, ông Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (BCA) chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng C50 nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty Bình Phong.

Ngày 14.9.2011, ông Nguyễn Thanh Hóa ký Tờ trình số 1186/C50-P1 gửi Phan Văn Vĩnh, về việc “xin phê duyệt thành lập công ty Bình Phong trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”. Sau khi xem xét, ngày 15.9.2011, Phan Văn Vĩnh đã ký Tờ trình số 1186/TTr-C41-C50 xin ý kiến và được Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an đồng ý về chủ trương.

Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, Phan Văn Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp Nguyễn Thanh Hóa để thành lập công ty bình phong cho C50.

Một số đối tượng cầm đầu trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh IT

Ngày 10.10.2011, ông Nguyễn Thanh Hóa ký Bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Dương. Cùng ngày, Nguyễn Thanh Hóa ký tiếp hợp đồng ủy quyền với Dương có nội dung C50 góp 20% vốn điều lệ của Công ty CNC, nhưng thực chất C50 không góp vốn và không cử cán bộ tham gia.

Ngày 14.5.2012, Nguyễn Văn Dương ký Tờ trình số 27/CNC-TCHC gửi C50 và Cục chính trị hậu cần, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đề xuất sử dụng trụ sở tại số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội và được Phan Văn Vĩnh đồng ý cho Công ty CNC được sử dụng tầng 4 ở đây.

Ngày 27.11.2013, Nguyễn Văn Dương có báo cáo gửi Nguyễn Thanh Hóa, với nội dung, CNC đã xây dựng hoàn chỉnh cổng thanh toán trực tuyến Sspay, đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán trực tuyến như SMS, các loại thẻ cào di động - game, ví điện tử, thẻ ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế...

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC online gặp và đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip và Dương đồng ý.

Ngày 01.4.2015, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng với Phan Sào Nam để “cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ” cho dịch vụ “Win2All khai thác thương mại với tên Rikvip theo địa chỉ Web Www.Rikvip.com”.

Ngày 17.11.2015, Nguyễn Thanh Hóa nhận được Tờ trình của Công ty CNC đề xuất “… cho phép Công ty CNC được thực hiện thí điểm mô hình kinh doanh đặt cược dưới hình thức game có thưởng trên mạng Internet…”. Thời gian này, Nguyễn Thanh Hóa biết Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược nhưng chưa được ban hành. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Hóa vẫn bút phê chỉ đạo “Phòng Tham mưu nghiên cứu, đề xuất”.

Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã tích cực giúp cho Nguyễn Văn Dương vận hành hoạt động game đánh bạc.

Theo sự chỉ đạo của Nguyễn Thanh Hóa, ngày 18.5.2016, Nguyễn Văn Dương ký báo cáo số 68/CNC-BTK gửi Phan Văn Vĩnh về việc triển khai thực hiện lộ trình phát triển của Công ty CNC, trong đó đề xuất: “… cho phép triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cổng các trò chơi trực tuyến… và thí điểm cho phép người dùng chuyển đổi một phần tài khoản ảo sang thẻ ảo hoặc ví điện tử của CNC...

Trong quá trình Công ty CNC vận hành 2 cổng game Rikvip.com và 23zdo.com, Nguyễn Thanh Hóa có báo cáo Phan Văn Vĩnh đây là 2 cổng game không có phép. Nhận được báo cáo, Phan Văn Vĩnh chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa xây dựng văn bản để Phan Văn Vĩnh ký gửi lãnh đạo Bộ Công an và Bộ thông tin truyền thông để hợp pháp hóa 2 cổng game của Công ty CNC.

Ngày 23.5.2016, Phan Văn Vĩnh ký công văn số 1574/C41-C50 gửi Bộ trưởng Bộ Công an về việc triển khai thực hiện lộ trình phát triển Công ty CNC và đề xuất: "Giao Tổng cục Cảnh sát làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép hoạt động thí điểm mô hình cổng trò chơi trên mạng cho Công ty CNC". Mặc dù chưa có ý kiến của Bộ trưởng, nhưng cùng ngày Phan Văn Vĩnh đã ký Công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông: "Đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho cổng trò chơi trên mạng của Công ty CNC".

Ngày 27.5.2016, Thượng tướng, Thứ trưởng Lê Quý Vương có công văn số 1314/VK3 gửi Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa về việc yêu cầu báo cáo về hoạt động của Công ty CNC nói chung và hoạt động hợp tác giữa Công ty CNC với Công ty VTC Online liên quan đến hoạt động của 02 game bài Rikvip.com và 23dzo.com không phép mang tính chất đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Sau khi nhận được công văn của Thứ trưởng Lê Quý Vương, Phan Văn Vĩnh biết Công ty CNC liên kết với công ty VTC Online vận hành game bài Rikvip là tổ chức đánh bạc, nhưng không báo cáo theo yêu cầu và cũng không chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra xác minh để xử lý.

Do Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa không báo cáo theo yêu cầu tại Công văn số 1314/VK3, nên ngày 18.7.2016, Thứ trưởng Lê Quý Vương tiếp tục có công văn gửi Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa về việc yêu cầu Tổng cục cảnh sát báo cáo theo tinh thần công văn số 1314/VK3.

Sau khi nhận được yêu cầu báo cáo lần hai, ngày 10.8.2016, Nguyễn Thanh Hóa có văn bản yêu cầu Công ty CNC chấm dứt hoạt động 2 Website Rikvip.com và 23zdo.com.

Đến ngày 17.8.2016, C50 mới gửi báo cáo Thứ trưởng Lê Quý Vương về quá trình hình thành và hoạt động kinh doanh của Công ty CNC.

Phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ sẽ diễn ra vào ngày 12.11 tới đây, trong đó Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cũng là bị cáo.

Ngày 24.8.2016, Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản số 2229/C50-P2 gửi Phan Văn Vĩnh báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến trên mạng Internet, trong đó có nêu game bài Rikvip là game bài đổi thưởng có dấu hiệu đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đề xuất cho điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Phan Văn Vĩnh đồng ý về chủ trương, nhưng thực tế Tổng cục cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và không có một hoạt động điều tra xác minh nào đối với hoạt động kinh doanh vận hành game online đổi thưởng trong đó có game bài Rikvip.

Ngày 1.9.2016, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam thống nhất đổi tên game bài Rikvip thành Tip.Club hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet, phòng Phòng chống tội phạm mạng máy tính (Phòng 2) đã phát hiện và báo cáo Nguyễn Thanh Hóa. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Hóa không chỉ đạo điều tra xác minh sự việc...

Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ thể hiện, tại Cơ quan An ninh điều tra, Nguyễn Văn Dương khai nhận đã sử dụng một phần tiền lợi nhuận thu được do Tổ chức đánh bạc mà có để cho C50 850 triệu đồng, một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD. Cho Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng. Cho Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD và 01 đồng hồ Rolex trị giá 7000 USD...

Một số nội dung đã được làm rõ là có thật, còn số tiền Dương khai đưa cho Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, đến nay cả hai không thừa nhận và Cơ quan điều tra chưa có đủ căn cứ chứng minh nên tách ra khi nào đủ căn cứ sẽ xem xét xử lý sau.

Ngô Hùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/con-duong-nhung-cham-cua-ong-phan-van-vinh-va-nguyen-thanh-hoa-929060.html