Con đường ngắn nhất giúp nông dân làm giàu

Phát biểu chỉ đạo Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Hội Nông dân cùng các lực lượng phải tìm và hành động, chọn ra con đường ngắn nhất cho nông dân làm giàu...

Đem theo minh triết ấy, tôi lần theo dấu thời gian cho nông nghiệp thành công, được khởi sự từ “khoán”.

Những năm của thập kỷ 1960 - đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. Với ý chí “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết tâm giải phóng miền Nam, giành độc lập” - miền Bắc, hậu phương “tay cày, tay súng”, hạt gạo phải chia ba chiến trường; nông nghiệp phải tìm được đường đi… khai phóng.

Các đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam sáng 12.12. Ảnh: Đàm Duy

Song thực tiễn vẫn là con đường có khúc quanh co: Kinh tế nông nghiệp quốc doanh, “số lượng nông trường tuy có tăng 3,6 lần, nhưng chất lượng rất yếu kém (báo cáo Quốc hội)”. Còn HTX nông nghiệp thì sau khi hoàn thành lại tuột dốc: Năng suất lúa từ 2,9 tấn/ha (1959) còn 1,8 tấn/ha (1960). Sản lượng lúa từ 5,2 triệu tấn xuống còn 4,2 triệu tấn. Năng suất lúa miền Bắc tụt xuống hàng thấp nhất Đông Nam Á, lương thực Việt Nam dựa hẳn vào nước ngoài.

Khi ấy, ông Đặng Kim Giang - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phụ trách nông, lâm trường, đã nhận ra vấn đề duy ý chí - muốn quản lý nông nghiệp như công nghiệp, ông đã đề nghị cho áp dụng “Tăng gia cá nhân, mỗi gia đình tăng gia riêng, tùy theo điều kiện khả năng của mình” và “khoán” vườn cây ăn quả, cây công nghiệp theo từng hàng cây, vườn cho hộ gia đình công nhân, tương tự cùng khoán cho chăn nuôi. Phần vượt “khoán” thuộc về người lao động và một phần góp quỹ phúc lợi chung” – nội dung này được trình bày dưới dạng hiền lành “Một số vấn đề cần nghiên cứu”...

Ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, một lần đi cơ sở thấy, cũng trên một vùng đất và thời vụ gieo trồng: Ruộng 5% thì năng suất gần 2 tạ/sào, ruộng HTX giỏi lắm cũng chỉ được 60 cân. Vụ Đông Xuân năm 1965-1966, gặp thời tiết xấu, lương thực toàn tỉnh giảm 20%; một xã của huyện Lập Thạch tự chia ruộng của HTX cho hộ gia đình chủ động tổ chức sản xuất, kết quả là nạn đói xã này lập tức được giải quyết xong. Từ việc “khoán chui”, ông Kim Ngọc cùng tập thể Tỉnh ủy cho phép HTX thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường thí điểm giao “khoán” sản xuất cho nhóm, cho lao động và hộ gia đình, sau đó mở rộng ở 12 xã khác, dưới hình thức “Điều tra thực tế”. Và bất ngờ, khi thu hoạch, năng suất lúa đạt kỷ lục 5 – 6 tấn/ha, sản lượng lúa toàn tỉnh tăng 4.000 tấn, đàn lợn tăng 20%. Thành tích ấy chưa từng có ở các HTX nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ.

Các đại biểu thưởng thức đặc sản vùng miền và chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất bên lề Đại hội.

Đột phá “khoán” của hai ông Kim Ngọc và Đặng Kim Giang đã làm bừng tỉnh nông nghiệp như làn gió lạ, rồi chuyển thành luồng gió lớn mát lành, cho mỗi vạt rừng thêm xanh, cho cánh đồng sóng vàng hạt lúa và gương mặt người nông dân đâu đâu cũng nở nụ cười, dù cho vết khắc khổ vẫn hằn sâu theo năm tháng...

Đến nay, mấy ai biết rằng, “khoán” của hai ông Đặng Kim Giang và Kim Ngọc, mãi đến 12 năm sau mới có được Chỉ thị 100, rồi 20 năm sau (5.8.1988) Trung ương mới có Nghị quyết 10 chính thức giao đất, tư liệu sản xuất cho hộ xã viên. Có 3 điều mà người xưa cho chí người nay, khi nói về các ông là người: Có trí – để nhìn ra những vấn đề mà người đương thời, vì nhiều lý do không nhìn ra được; Có dũng – để dám biến nhận thức mới đó thành hành động của thực tiễn; Có gan – để dám làm, dám chịu trách nhiệm và có đủ niềm tin vào hành động thực tiễn của mình.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam ở giai đoạn lịch sử nào của đất nước vẫn luôn là dòng chảy không ngưng nghỉ, dù có những khúc quanh co… Song, như một quy luật xã hội, những người có tầm nhìn, đi trước thời đại, tập hợp, tổ chức, dẫn dắt nông dân vượt lên phía trước, thầm lặng cống hiến, hy sinh . Phải chăng, đó là “năng lượng” của đội ngũ cán bộ Hội, góp vào “Con đường ngắn nhất giúp nông dân làm giàu”!

Hoàng Trọng Thủy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-da-trong/con-duong-ngan-nhat-giup-nong-dan-lam-giau-938909.html