Con đường ngắn nhất đưa hàng Việt ra thế giới

Trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất khẩu trực tuyến được coi là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới. Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới mẻ này cũng cho thấy nhiều hạn chế, rủi ro bởi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh. Bởi thế, nếu muốn thành công buộc các doanh nghiệp phải tiến đến sự chuyên nghiệp.

Vượt "bão" Covid-19 bằng thương mại trực tuyến

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh tuy nhiên cũng trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp dùng kênh trực tuyến để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi hầu hết người mua trên thế giới đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc các nền tảng thương mại điện tử.

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến được tổ chức giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh Covid-19. (ảnh: Đ.Đ)

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến được tổ chức giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh Covid-19. (ảnh: Đ.Đ)

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp nhiều cho kinh tế đất nước. Thế nhưng, hầu hết các hoạt động thương mại điện tử mới chỉ tập trung ở thị trường nội địa, hoặc thông qua các chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới; trong khi đây là cách thức tìm kiếm bạn hàng, thực hiện giao dịch kinh doanh hiệu quả, với khả năng lợi nhuận cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế, tài chính cao. Họ trở thành những “ông lớn” nhờ xuất nhập khẩu và thống trị nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thói quen tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi, đồng thời đẩy mạnh các chương trình xuất khẩu trực tuyến. Do đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu. Và đương nhiên, xuất khẩu trực tuyến không còn là xu thế mà trở thành vấn đề thực tế.

Từ thực tiễn đó, Bộ Công Thương - đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ quảng bá xúc tiến thương mại toàn cầu đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy giao thương xuyên biên giới, thông qua hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 như: Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon”; “Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Alibaba”; tăng cường giao thương trực tuyến với các quốc gia toàn cầu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện trực tiếp... cùng nhiều hoạt động khác.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ của Vina T&T cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội…trước tình hình đó, Vina T&T thông qua các chương trình kết nối giao thương trực tuyến, cùng sự hỗ trợ của các Bộ, ngành đã tìm ra được hướng đi mới và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi dịch Covid-19 bùng phát.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, dịch Covid-19 rồi cũng sẽ hết, chưa hết thì chúng ta phải chọn giải pháp sống chung, vì các nền kinh tế vẫn phải mở cửa trong tâm thế bảo đảm an toàn. Bởi thế, trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thì các doanh nghiệp cần phải thay đổi, thích nghi và nắm bắt cơ hội từ các hoạt động xuất khẩu trực tuyến, kết nối giao thương trực tuyến qua các trang thương mại điện tử…Để khi dịch bệnh qua đi, guồng quay sản xuất vẫn đảm bảo cung ứng kịp thời.

Cùng chung quan điểm với đại diện Vina T&T, bà Nguyễn Thị Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cũng cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tác, chuyên gia Thái Lan không thể qua Việt Nam để tiếp xúc, tìm hiểu nguồn hàng. Do đó, việc kết nối giao thương trực tuyến đã được Tập đoàn Central Retail Việt Nam triển khai. Qua đó, các sản phẩm, thông tin doanh nghiệp…đã được Tập đoàn Central Retail Việt Nam gửi cho đối tác tại Thái Lan tìm hiểu qua hoạt động thương mại điện tử. Nhờ đó, việc xuất khẩu sản phẩm, nông sản Việt Nam sang Thái Lan qua hệ thống Tập đoàn Central Retail vẫn được đảm bảo.

Xuất khẩu trực tuyến có phải “cây đũa thần”?

Có thể thấy, mặc dù ưu thế xuất khẩu trực tuyến là rất lớn, tuy nhiên việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới mẻ này cũng còn gặp nhiều hạn chế, rủi ro, trở thành rào cản khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt còn dè chừng khi tham gia. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, xuất khẩu trực tuyến, thương mại điện tử hay Amazon không phải là “cây đũa thần” để doanh nghiệp Việt đạt được thành công ngay. Doanh nghiệp muốn “hái trái ngọt”, thu thành quả đòi hỏi phải chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên trách bán hàng chiều lòng “thượng đế” nước ngoài…

Xuất khẩu trực tuyến giúp hàng hóa Việt ra thế giới nhanh hơn (ảnh: Đ.Đ)

Đề cập đến vấn đề tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ứng dụng vào xuất khẩu trực tuyến, ông Hoành Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu, cho rằng, khi tham gia EVFTA, nhiều người có cảm giác doanh nghiệp trong nước yếu hơn doanh nghiệp trong khối EU, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều điểm mạnh có thể khai thác được. Vấn đề chỉ là sử dụng như thế nào. Doanh nghiệp chuyển đổi tư duy bán hàng thương mại điện tử đòi hỏi phải chuyển đổi hình thức kinh doanh, xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp từ đóng gói, tương tác với khách hàng.

Liên quan đến vấn đề pháp lý, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xuyên biên giới là không dễ, ngay cả với những nước có hệ thống pháp luật tân tiến. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thương mại điện tử; cải cách hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế, các diễn đàn gặp gỡ song phương, đa phương…

Thông qua các chương trình đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, tìm kiếm đối tác nhập khẩu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu tham gia xuất khẩu trực tuyến, tham gia thương mại toàn cầu, để phát triển thương hiệu và mở rộng quy mô…/.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/con-duong-ngan-nhat-dua-hang-viet-ra-the-gioi-114503.html