Con đường nâng bước chân người đến non thiêng Yên Tử

Con đường kết nối từ quốc lộ 18 đến quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được tỉnh Quảng Ninh chọn là 1 trong 10 công trình tiêu biểu gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nay Đại hội Đảng thành công đã khép lại, nhưng con đường thì vẫn tỏa sáng, nâng bước chân người đến non thiêng Yên Tử.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng tặng bằng khen cho 5 cá nhân và tập thể có thành tích xây dựng công trình giao thông tiêu biểu này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng tặng bằng khen cho 5 cá nhân và tập thể có thành tích xây dựng công trình giao thông tiêu biểu này.

Trầm tích danh sơn Yên Tử là 1 trong 5 ngọn núi cao trên 1.000m (1.068m) ở vùng Đông Bắc bộ, truyền thuyết trên đỉnh núi xuất lộ long mạch, nơi giao thoa trời đất. Đất thiêng, người có thể “hô phong hoán vũ”. Còn chính sử, là nơi Vua hóa Phật, lập nên thiền phái Trúc Lâm, một tôn giáo tiến bộ đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Và nơi đây, một rừng quốc gia nguyên sinh, một khu du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng. Nhưng những lục lộ, đường hoằng dương thủa trước, con đường đưa chân du khách trẩy hội xưa nay còn ít người biết.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND thành phố luôn bám sát công trình chỉ đạo thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Khi con đường kết nối đường quốc lộ 18 vào quần thể di tích và danh thắng Yên Tử khánh thành, được vinh danh công trình gắn biển chào mừng Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh, con đường kiên cố, thông thoáng rộng 25m với 10m vỉa hè đẹp như trong tranh, từ khu Dốc Đỏ, phường Phương Đông theo tuyến đường hành hương cũ qua cửa chùa Lân, cánh đồng năm mẫu của người Thượng, qua Thiền viện Trúc Lâm vào đến chân núi thiêng Yên Tử. Nhiều người còn nặng lòng nhớ cảnh xưa, đường cũ.

Giáo sư Hoàng Giáp ở Viện Hán Nôm đưa ra một tấm bản đồ giao thông thời Lê Trung Hưng. Khi ấy, từ kinh thành Thăng Long đến Yên Tử chỉ độc đạo một con đường rừng từ Bắc Giang đến bản Mậu chân đèo, rồi vượt dốc đứng lên đỉnh Yên Tử. Nay Bắc Giang xây dựng Khu di tích phía Tây Yên Tử, con đường này được nâng cấp gọi là đường tâm linh, còn gọi là tỉnh lộ 293.

Phía Đông Yên Tử, khi Triều đình Nhà Nguyễn nhượng địa cho Pháp, Pháp khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã mở một con đường từ ga Đông Triều (Đông Triều) đến Đồng Mỏ (Cẩm Phả) qua các địa danh vắn tắt: Khe Sú, Năm Mẫu, Miếu Thán, Than Thùng, Lán Tháp (Uông Bí); Đèo San, Bằng Cả, Trại Me, Hà Lùng (Hoành Bồ cũ)... đoạn Năm Mẫu tắt vào Yên Tử. Thời chiến tranh chống Mỹ, con đường này gọi là quốc lộ 18B, huyết mạch giao thông chính ở khu mỏ, nay là tỉnh lộ 326, đoạn từ Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần, ở Đông Triều đến Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí tắt vào Yên Tử còn gọi là con đường tâm linh.

Đường vào non thiêng Yên Tử được vinh danh công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Quảng Ninh lần thứ XV.

Đầu thế kỷ 19, ngành công nghiệp khai thác than phát triển, người Pháp mở thêm đường bám sông biển để tiện lợi cho giao thông thủy bộ, xây dựng đường từ đoạn ga Đông Triều đến Mông Dương (Cẩm Phả) hai đầu nhập đường quốc lộ 18 gọi chung là đường quốc lộ 18. Đoạn quốc lộ 18 qua Uông Bí, trước đây có 2 lối rẽ vào Yên Tử: Một là ngả theo đường mỏ Vàng Danh, đến thôn Đồng Chanh rẽ vào, đường ôtô đi được nhưng xa (30km). Con đường tắt gần nhất là từ Dốc Đỏ (Phương Đông) đến Yên Tử dài trên 7km, thập kỷ 70 chỉ có một con đường mòn xuyên núi, sau mới có đường liên xã Thượng Yên Công - Phương Đông.

Ngày 18/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 334 phê duyệt đề án mở rộng, nâng cấp tuyến đường vào khu danh thắng Yên Tử. Công trình chính thức được xây dựng trong 5 năm, tổng mức đầu tư là đầu tư 533 tỷ đồng với 4 gói thầu. Tuyến đường được xác định điểm đầu từ ngã ba Dốc Đỏ (giao cắt với quốc lộ 18 tại Km74+450) thuộc phường Phương Đông, điểm cuối tại ngã tư Năm Mẫu, thuộc xã Thượng Yên Công (Uông Bí) và chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung xây dựng 4km đường xẻ núi, mặt đường rộng 12m, thuộc diện công trình giao thông nhóm B, cấp II, kinh phí đầu tư 259 tỷ 962 triệu đồng, bằng ngân sách Nhà nước.

Con đường kiên cố thoáng rộng nâng bước chân người đến non thiêng Yên Tử, thay thế con đường mòn luồn rừng hiểm trở trước đây.

Tiếp theo là xây dựng đoạn từ Km0+00 đến Km3+100 chiều dài 3,1km, theo tiêu chuẩn đường đô thị, bề rộng 25m với 10m vỉa hè 2 bên, tổng mức đầu tư 172,2 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ 100 tỷ đồng, phần còn lại là nguồn vốn ngân sách thành phố Uông Bí, do UBND thành phố Uông Bí làm chủ đầu tư. Đoạn từ Km7+00 đến Km7+700 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, tỉnh làm chủ đầu tư, chiều dài 700m, tổng mức đầu tư 37,98 tỷ đồng bằng nguồn vốn của tỉnh.

Đoạn từ Km0+00 đến Km3+100 chiều dài 3,1km do UBND thành phố Uông Bí làm chủ đầu tư có khó khăn hơn. Ngày 28/6/2020, UBND tỉnh mới có Quyết định số 334 phê duyệt đầu tư, quy mô đường đô thị 6 làn xe, vỉa hè lát đá xẻ mỹ quan. Con đường lớn, quỹ đất sử dụng nhiều, đất thu hồi, giải phóng mặt bằng liên quan đến 203 hộ dân, thời gian xây dựng ngắn, tính từ ngày khởi công đến hoàn thành vỏn vẹn trong 60 ngày. Công trình lại thi công trong thời khắc nghiệt ngã, cả nước cao điểm chống dịch Covid-19.

Đoạn đường dài 3,1km, rộng 25m, vỉa hè 2 bên 10m, giải phóng mặt bằng trên 200 hộ, thi công trong 60 ngày là một kỷ lục lớn trong xây dựng.

Nay con đường rạng rỡ bậc cái quan, hơn hẳn đường tỉnh lộ 293 (Bắc Giang), tỉnh lộ 326 (Quảng Ninh) cùng tụ về non thiêng Yên Tử, tịnh lại mới hay công người. Một con đường, một công trình giao thông xứng đáng tạc vào mốc son lịch sử Đảng bộ Quảng Ninh, chặng đường từ Đại hội XIV đến Đại hội XV, một trong chuỗi công trình then chốt của đề án đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thành công và khép lại, nhưng công trình gắn biển chào mừng Đại hội con đường vĩnh cửu vẫn nâng bước chân người đến non thiêng Yên Tử.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/con-duong-nang-buoc-chan-nguoi-den-non-thieng-yen-tu-289621.html