Con đường không trải hoa hồng của nữ tiến sĩ top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á

TS.Nguyễn Thị Hiệp, một trong 2 người Việt có tên trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á, đã có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô.

TS.Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm. Ảnh: PLO

TS.Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm. Ảnh: PLO

Bắt đầu từ sở thích thủa nhỏ

Nguyễn Thị Hiệp sinh ra và lớn lên ở vùng ven đô thuộc quận 9, TP.HCM. Tuổi thơ sống giữa đồng ruộng đã mang đến cho chị niềm say mê thế giới tự nhiên từ nhỏ. Nếu đa số trẻ em mê xem phim hoạt hình, phim truyện, thì Hiệp lại bị lôi cuốn bởi những chương trình TV về thế giới động vật, cỏ cây, các thí nghiệm…

Một trong những ấn tượng đầu tiên về khoa học trong mắt cô bé Hiệp ngày ấy là thấy khói bốc lên trong thí nghiệm bỏ natri vào nước như một màn ảo thuật. Ngắm nhìn cảnh tượng này, trong thâm tâm, Hiệp bắt đầu mơ hồ nhen lên một ước mơ giản dị: “Mai này lớn lên sẽ làm nghề liên quan đến mấy thứ này…”.

Nhiều năm sau, tốt nghiệp phổ thông trung học, Hiệp đã chọn thi vào khoa Hóa học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG). Với niềm đam mê, ham tìm tòi sẵn có, chị đã tốt nghiệp ĐH với luận văn loại xuất sắc và được nhận học bổng sau đại học tại Hàn Quốc. Tại đây, đánh dấu bước ngoặt trong con đường khoa học của chị khi “rẽ ngang” sang ngành Y sinh (do nguyên nhân chỉ tiêu từ phía trường).

Chặng đường đến với tấm bằng Tiến sĩ đầy gian nan đối với Hiệp, không chỉ bởi những thử thách về ngôn ngữ mà còn là những khác biệt giữa y sinh và hóa mà chị phải cố gắng lắm mới thích nghi được. Thời ấy, nhiều đêm ngủ chị từng giật mình vì mơ thấy “tế bào di chuyển, bò lên giường”...

Nhưng rồi vượt qua những khó khăn ban đầu, chị quyết không lùi bước. Càng nghiên cứu chị lại càng say mê: “Nhìn qua kính hiển vi thấy mỗi tế bào là mỗi đơn vị sống trong cơ thể, xây nên hình thù to lớn bên ngoài, tôi cảm thấy rất thú vị”, chị nói.

Cứ chăm chỉ và say sưa như thế, sau khi hoàn thành bậc Tiến sĩ tại Hàn Quốc, Nguyễn Thị Hiệp đã sở hữu 12 bài báo quốc tế, 3 sáng chế có giá trị trong các hướng nghiên cứu khác nhau như băng gạc, mạch máu nhỏ thay động mạch bị nghẽn, xương nhân tạo...

Từ chối cơ hội hấp dẫn để trở về quê hương

Trong thời gian học tập tại Hàn Quốc, TS.Nguyễn Thị Hiệp đã nhận được không ít lời mời ở lại nghiên cứu, giảng dạy để trở thành phó giáo sư với thu nhập hàng ngàn USD, kèm theo điều kiện thuận tiện về nhà cửa. Thế nhưng, chị đã từ chối cơ hội này để chọn trở về Việt Nam thực hiện những nghiên cứu thiết thực cho quê hương.

Về nước vào năm 2012, Nguyễn Thị Hiệp bắt tay gây dựng chuyên ngành y học tái tạo cùng Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, GS Võ Văn Tới. Những ngày tháng đó, hai thầy trò đã miệt mài với phòng thí nghiệm “ba không”: không dự án, không máy móc, không tài trợ. Thậm chí, TS.Nguyễn Thị Hiệp đã chấp nhận chỉ được ký hợp đồng tạm thời với mức lương khiêm tốn, làm việc với trang thiết bị duy nhất là chiếc bàn gỗ 2m2 để đứng làm thí nghiệm.

“Thời gian xin tài trợ để mua máy móc, hóa chất, chạy đôn đáo mượn phòng thí nghiệm ở nơi khác khiến tôi mệt lả, có lẽ còn nhiều hơn thời gian tập trung chuyên môn”, chị hồi tưởng.

Với tinh thần “làm khoa học không nhất thiết phải có thiết bị hiện đại”, TS.Nguyễn Thị Hiệp đã không bỏ cuộc. Dần dần, cùng GS.Võ Văn Tới, chị đã góp phần xây dựng lên phòng thí nghiệm y sinh hiện đại cũng như phát triển ngành học kỹ thuật y sinh tới nhiều trường ĐH trên cả nước, bên cạnh ĐH Quốc tế.

Song song với đó, từ năm 2012 đến nay, chị đã cho ra đời nhiều bài báo công bố quốc tế giá trị, nhiều công trình nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô được công bố trên các tạp chí khoa học, bài báo trong lẫn ngoài nước, hội nghị quốc tế...

Năm 2016, chị được trao tặng học bổng “Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng” (L’Oreal National Fellowship) với đề tài “Biến tinh thể bề mặt titanium bằng collagen nhằm tăng khả năng bám dính mô mềm trong cấy ghép implant, nha khoa phục hồi”.

Năm 2017, chị nhận giải nhất trong Giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa Kỳ cho các nghiên cứu tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim. Phát minh của chị được đánh giá cao, khi có thể sử dụng dễ dàng cho việc sơ cứu hiệu quả tại nhà, giúp người dân ở vùng nông thôn cầm máu tức thì trong trường hợp chưa thể đến ngay bệnh viện. Chị bắt đầu nghiên cứu này từ năm 2013 và đã tạo được loại tốt nhất tại phòng thí nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại keo này có thể dùng để chữa các loại vết thương khác nhau, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo tế bào.

TS Nguyễn Thị Hiệp (thứ 4 từ phải sang) tại lễ trao giải “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới”. Ảnh: IU

Năm 2018, TS. Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oreál và Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng.

Với việc lọt vào danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2019, TS.Nguyễn Thị Hiệp đã có 4 năm liên tiếp được tôn vinh bởi các tổ chức, quỹ khoa học kỹ thuật quốc tế uy tín. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một nhà khoa học chân chính, không ngại trải qua hành trình đầy chông gai vì khát khao được cống hiến cho quê hương.

Mỹ Hạnh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/con-duong-khong-trai-hoa-hong-cua-nu-tien-si-top-100-nha-khoa-hoc-tieu-bieu-chau-a-83056.html