Con đường Gốm sứ giữa lòng Thủ đô vẫn bị xâm hại

Sau một thời gian bị xuống cấp, từ đầu tháng 12/2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiến hành trùng tu tác phẩm 'Con đường gốm sứ' ven sông Hồng để trả lại vẻ đẹp vốn có cho công trình văn hóa nghệ thuật của Thủ đô. Thế nhưng, do ý thức của người dân mà một số nơi trên còn đường này đang bị xâm hại.

 Theo ghi nhận ngày 5/11, dưới gầm cầu thang bộ dẫn lên mặt đê trở thành nơi chứa hàng hóa. (Ảnh: Đức Hà)

Theo ghi nhận ngày 5/11, dưới gầm cầu thang bộ dẫn lên mặt đê trở thành nơi chứa hàng hóa. (Ảnh: Đức Hà)

Thời gian gần đây, mỗi khi đi qua đoạn đường này người ta thường bắt gặp những hình ảnh không đẹp mắt trên con đường từng được xem là đẹp nhất của Thủ đô. Trên một số đoạn đường, vẫn xuất hiện nhiều vị trí ẩm ướt, bốc mùi xú uế, hình ảnh nhếch nhác gây mất mỹ quan khiến nhiều người không khỏi xót xa. Điển hình ngay đầu phố Cầu Đất, sát mép bức tường trở thành nơi đổ rác sinh hoạt, tập kết rác thải của những người dân ý thức kém đã khiến đoạn đường trở nên nhếch nhác. Chính những điểm tập kết rác thải này đã khiến bờ tường gốm sứ dần trở thành “bãi rác công cộng”.

Đoạn cửa khẩu vào đầu phố Cầu Đất - người dân kém ý thức vẫn ngang nhiên tiểu tiện khiến vỉa hè nơi đây nồng nặc mùi xú uế. (Ảnh: Đức Hà)

Không chỉ vậy, dưới gầm cầu thang bộ dẫn lên mặt đê, cũng trở thành nơi chứa các thùng gỗ xỉn mầu, nhếch nhác nằm chỏng chơ, được che đậy tạm bợ bằng mấy mảnh ni-lông rách rưới do các hộ dân gần đó vứt lại. Những đồ vật này hầu hết là do các chủ hàng phía bên ngoài đê bỏ lại sau khi tập kết xong hàng tại khu chợ gần đó. Đoạn cửa khẩu vào phố Cầu Đất, cũng trở thành nơi tiểu tiện của người dân kém ý thức. Chính vì vật đã khiến vỉa hè nơi đây nồng nặc mùi xú uế.

Mặc dù là đoạn đường rất đông người qua lại, tuy nhiên do thiếu ý thức của những người dân sống gần đó đã khiến con đường gốm sứ tại đây trở nên mất mỹ quan và gây bức xúc. Chính từ những hành vi phóng uế bừa bãi dưới chân bức tường của một số người thiếu ý thức đã phần nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và tính thẩm mỹ của tác phẩm con đường gốm sứ này.

Phơi đủ thứ cạnh và sau con đường Gốm sứ trông rất mất mỹ quan. (Ảnh: Đức Hà)

Để Hà Nội thực sự văn minh, để con đường Gốm sứ độc đáo này tô thêm vẻ đẹp cho Thủ đô văn hiến, thiết nghĩ chính quyền sở tại ngoài nâng cao công tác quản lý Nhà nước, điều đầu tiên cần đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người dân về ý thức trong sinh hoạt để công trình này thực sự là "tác phẩm" nghệ thuật.

Con đường gốm sứ, được khởi công xây dựng từ năm 2008, dài gần 4.000m, diện tích khoảng 7.000 m2. Đây là một bức tranh lớn gồm 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: Tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hòa bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Theo thiết kế, các bức tranh được sáng tác cùng những tinh hoa của các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc... Năm 2010, con đường gốm sứ đã được tổ chức Guinness trao chứng nhận “Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới”.

Quốc Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/con-duong-gom-su-giua-long-thu-do-van-bi-xam-hai-82590.html