Con đường du học kỳ lạ của nữ tiến sĩ ngành miễn dịch học

TS Trần Nguyễn Kim Thi hiện đang nghiên cứu hậu tiến sĩ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y khoa ở Viện Y học chuẩn xác Hugh Kaul tại University of Alabama in Birmingham (UAB).

Thế nhưng, ít ai ngờ, Kim Thi tốt nghiệp tiến sĩ ngành miễn dịch học năm 2020 với công trình nghiên cứu về những nhân tố của hệ miễn dịch ảnh hưởng đến các bệnh phổi mãn tính.

“Kết quả nghiên cứu của tôi cho thấy trong những bệnh nhân bị bệnh xơ phổi hiếm gặp, không rõ nguyên nhân, hệ miễn dịch của họ có nhiều rối loạn dẫn đến việc tế bào miễn dịch tấn công phổi của họ. Những tổn thương tích lũy lâu ngày thành biến thành sẹo cứng thay thế mô phổi bình thường, làm suy yếu chức năng trao đổi khí của phổi. Kết quả nghiên cứu được GS Steven Duncan – thầy hướng dẫn của tôi sử dụng để áp dụng những liệu pháp hoặc loại thuốc loại bỏ hoặc ức chế sự sản sinh ra kháng thể mới để điều trị cho những bệnh nhân bị bênh xơ phổi nguy kịch”.

“Thí nghiệm lâm sàng hiện tại cho kết quả rất khả quan. Khoảng 50% bệnh nhân nặng do giáo sư điều trị đã có tiến triển rất tốt. Thậm chí, có những người tưởng như đang hấp hối lại có thể đứng dậy đi lại được”.

Nghiên cứu hữu ích nhưng khi theo đuổi nghiên cứu sau tiến sĩ, Kim Thi không tiếp tục theo hướng này. Cô chuyển hướng sang nghiên cứu ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào y sinh học. Cô cũng không làm trong phòng thí nghiệm sinh hóa nữa, mà chỉ ngồi máy tính và ... lập trình.

“Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm y sinh học cũng như các ngành khoa học thực nghiệm có sự thật này, khá là cay đắng, đó là khi thành công – được hô “ơ rê ka” thì rất hiếm, còn hàng ngày phải đối diện với khả năng là thí nghiệm bất thành. Tới 90% đề án của các bạn mới bắt đầu làm nghiên cứu là không thành công, nên có những bạn 5 năm vẫn chưa có thành tựu để hoàn thành khóa học tiến sĩ” – Kim Thi bày tỏ lý do chuyển hướng của mình.

Một lý do khác khiến cô chuyển hướng mà không nuối tiếc đó là “Với công việc hiện tại là dùng trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y khoa cho bệnh nhân hiếm gặp, tôi còn giúp được nhiều người một cách trực tiếp hơn, và tiến độ nhanh hơn so với khi làm các đề án y sinh trước kia”.

Kim Thi cho biết trước đây, lĩnh vực nghiên cứu của cô là về bệnh phổi mãn tính nguy kịch và hiếm gặp, trong đó có bệnh xơ phổi không rõ nguồn gốc có tỉ lệ bệnh hiếm khoảng 1/10.000 người mỗi năm. Hiện giờ đề án của cô ứng dụng vào những bệnh cực kì hiếm, trên thế giới chỉ có một vài người mắc phải, đa phần là nguyên nhân di truyền, nên bệnh thể hiện rất sớm. Gia đình bệnh nhân tìm đến các viện nghiên cứu y học chuẩn xác để để tìm câu trả lời “Tại sao con tôi bị vậy?”.

Quay trở lại 15 năm trước, khi đó, cô bé lớp 9 của ngôi trường làng ở thị trấn Di Linh (Lâm Đồng) quyết tâm rời nhà đi học ở trường chuyên.

“Khi đó, tôi còn mong vào tận TP.HCM học cơ, nhưng ba mẹ thì không muốn con gái xa nhà khi còn nhỏ. Vì vậy, lớp chuyên Anh của Trường chuyên Thăng Long, Đà Lạt là sự thỏa hiệp của “hai bên”” – Kim Thi vui vẻ nhớ lại.

Hết lớp 12, Kim Thi trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương.

Vào ngôi trường được cho là danh giá, nhưng ít ai ngờ, chỉ sau một học kỳ, cô quyết định ngừng học.

“Lúc đó, tôi làm vậy mà không ai tin - tự nhiên nghỉ học, đi làm từ thiện. Tuy nhiên, chủ yếu là tôi tập trung học Tiếng Anh, thi các bài chuẩn hóa, chuẩn bị bài luận, tìm hiểu thông tin về các trường để xin học bổng toàn phần”.

Tự xin học bổng chứ không thông qua trung tâm nào, nên Kim Thi cho rằng “... liên kết với các du học sinh là cực kỳ quan trọng để có thông tin. Phải tìm thông tin về các bảng xếp hạng trường đại học. Các trường top 50 có thể cho toàn phần nhưng khó, top 100 thường cho học bổng bán phần nhưng dễ hơn. Điểm số trên lớp, các giải thưởng, điểm SAT, bài luận, thư giới thiệu từ thầy cô… cũng là những yếu tố quan trọng để xin được học bổng”.

Việc Kim Thi lựa chọn St John’s College – ngôi trường đặc biệt theo quan điểm giáo dục khai phóng một cách thuần túy – khi đó đơn giản do học bổng cho nhiều, lên tới 200 nghìn đô la Mỹ cho 4 năm học.

“Một số trường khác có cấp học bổng nhưng tôi không chọn do xếp hạng thấp và không có gì đặc biệt. Vì vậy, tôi chọn ngôi trường này vì nghĩ học ở đây sẽ giúp tôi phát triển nổi trội hơn. Nếu khi đó vào một ngôi trường bình thường, chắc chắn tôi không theo con đường khoa học như hiện tại, bởi sẽ vẫn theo lối suy nghĩ thông thường: là con gái thì nên theo những lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính”.

Sang Mỹ du học từ năm 2010, nhưng phải sau hai năm học ở đây, trải qua một số cú sốc, cô gái trẻ mới bắt đầu ngấm những triết lý, khái niệm về quan điểm giáo dục mà mình được tiếp cận.

“Tôi cởi mở để học, có phương thức tiếp cận thông tin một cách bài bản. Giáo dục khai phóng đã dạy cho tôi cách học và cách tư duy phản biện (critical thinking)”.

Trong quá trình học đại học, Thi xin thực tập ở trong 1 lab về miễn dịch học vì cô từng mắc một loại bệnh tự miễn.

“Khi tìm hiểu về bệnh của mình, tôi đọc rất nhiều và thấy vô cùng thú vị nên quyết định theo đuổi ngành miễn dịch học vào năm thứ 2 đại học.

Một điều rất may mắn là tôi được một cô giáo viết cho lá thư giới thiệu thật tốt, giúp cho việc xin học bổng thuận lợi hơn”.

“Một nghề cho chính còn hơn chín nghề”, có khi nào việc học và làm quá nhiều thứ khác nhau khiến Thi cảm thấy bị rối?

Trả lời câu hỏi này, Kim Thi vui vẻ cho rằng học nhiều quá có lúc cũng thấy ngợp.

“Nhưng xã hội cần người có kiến thức chuyên môn và và những người có kiến thức rộng, nếu vừa sâu vừa rộng thì càng tốt. Tôi cho rằng với tôi, sự hiểu biết rộng vừa giúp xã hội vừa giúp cho cuộc sống của bản thân thú vị hơn”.

Dễ dàng thấy cuộc sống “thú vị hơn” của Kim Thi qua những hình ảnh tươi trẻ, khỏe khoắn tràn ngập trang cá nhân của cô. Cô đi du lịch, tập thể dục, tham gia lễ hội… và đặc biệt, có niềm đam mê với khiêu vũ.

Chính vì vẻ bề ngoài và cá tính đã có lúc khiến cô gặp khó khăn vì “trông không giống người làm nghiên cứu”.

“Môi trường, công việc tạo ra con người, nhìn một người có thể đoán nghề nghiệp của họ. Ví dụ trong một số phòng thí nghiệm có định kiến như người châu Á thường học giỏi, chăm làm, sống khép kín, ít ý kiến … Trông mình không giống vậy, nên họ không thích” – Thi vui vẻ kể lại.

Hiện tại, Thi cho biết cô hướng đến cuộc sống cân bằng với nhiều yếu tố khác, không chỉ là sự nghiệp.

“Cho đến thời điểm này, tôi nhận định mình sẽ học cả đời. Tôi nhận ra rằng điều tôi thích làm là học, nhưng không phải vào trường lớp học mà có nhiều cách, kể cả học ngẫu nhiên từ một bài báo trên tạp chí thời trang.

Nếu có “nhảy” sang lĩnh vực khác nữa cũng sẽ không quá xa so với công việc hiện tại. Xưa giờ tôi vẫn làm nghiên cứu y sinh, chỉ là bây giờ dùng công cụ khác. Tôi thích mặc đồ đẹp thay vì mặc áo khoác phòng thí nghiệm, biết lập trình nhưng có thể sử dụng hiểu biết để làm quản lý, và dù thế nào công việc vẫn có tầm ảnh hưởng về y học và sức khỏe.

Bước tiếp tôi muốn làm công việc tiếp xúc với nhiều người hơn, tăng kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo”.

Ngân Anh - Phương Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/con-duong-du-hoc-ky-la-cua-nu-tien-si-nganh-mien-dich-hoc-720454.html