'Con đường đến Mỹ' của ông Assange phải qua Thụy Điển và chướng ngại Brexit

Công tố viên Thụy Điển cân nhắc mở lại cuộc điều tra tấn công tình dục, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là hai việc gây khó cho hệ thống pháp lý Anh khi xem xét yêu cầu dẫn độ nhân vật sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Mỹ.

Chính quyền Washington luôn chờ nước khác bắt giữ ông Julian Assange rồi đưa ra yêu cầu dẫn độ - Ảnh: Sputnik News

Chính quyền Washington luôn chờ nước khác bắt giữ ông Julian Assange rồi đưa ra yêu cầu dẫn độ - Ảnh: Sputnik News

Cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange vào tuần trước. Phía chính quyền Washington ngay sau đó lập tức gửi yêu cầu dẫn độ nhằm đưa nhân vật này ra xét xử với tội danh tiết lộ bí mật nhà nước.

Nhưng yêu cầu dẫn độ từ Thụy Điển có thể khiến mọi chuyện bị trì hoãn, trong trường hợp giới chức Anh quyết định ưu tiên cáo buộc tấn công tình dục từ quốc gia Bắc Âu.

Thụy Điển ban hành lệnh bắt giữ Assange vào năm 2010. Ông thất bại trong cuộc chiến pháp lý chống lại việc dẫn độ tại Tòa tối cao Anh năm 2012. Nhân lúc được bảo lãnh tại ngoại, nhà sáng lập WikiLeaks trốn vào Đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn tị nạn.

Dù công tố Thụy Điển đã ngừng điều tra nhưng ông Assange vẫn cư trú trong tòa nhà Đại sứ quán Ecuador, do lo ngại Mỹ vẫn đang chờ nước khác bắt giữ rồi yêu cầu dẫn độ.

Sau khi ông Assange bị bắt, luật sư của một trong hai người cáo buộc ông Assange tấn công tình dục đề nghị phía công tố khôi phục điều tra.

Nếu Thụy Điển gửi yêu cầu thì Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid phải quyết định ưu tiên vụ việc nào. Theo luật pháp Anh thì quan chức này phải xem xét đến các yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng của từng vụ, thời gian mỗi nước ban hành lệnh bắt giữ,…

Trong tuần trước, hơn 70 nghị sĩ đảo quốc sương mù kêu gọi Bộ trưởng Javid ưu tiên yêu cầu từ Thụy Điển.

Nhà sáng lập WikiLeaks lúc bị bắt giữ tuần trước - Ảnh: Variety

Thư gửi lên Bộ trưởng Javid do nghị sĩ Stella Creasy soạn thảo (nhận được chữ ký từ các nhà lập pháp khác) khẳng định: “Chúng ta phải gửi đi thông điệp nước Anh quyết chống lại tấn công tình dục”.

Anh có lý do làm vậy: Tội tấn công tình dục nghiêm trọng hơn, thời hiệu điều tra lại sắp hết hạn vào tháng 8.2020.

Luật sư Thomas Garner từ công ty luật Gherson cho biết nhờ những quy định hiện hành của Liên minh châu Âu (EU) mà quá trình dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Thụy Điển nhanh hơn sang Mỹ.

Vẫn còn khả năng ông Assange bị dẫn độ từ quốc gia Bắc Âu đến Mỹ. Cựu công tố viên Thụy Điển Sven-Erik Alhem lưu ý: “Nguy cơ này chẳng lớn hơn nguy cơ dẫn độ từ Anh”.

Chướng ngại Brexit

Nhưng dù có nhanh mấy thì quá trình dẫn độ vẫn vướng phải Brexit. Nếu Quốc hội Anh chấp thuận thỏa thuận ra đi thì đảo quốc sương mù có thể duy trì hiện trạng đến hết năm 2020 – đủ thời gian xử lý yêu cầu từ Thụy Điển. Còn khi Brexit không thỏa thuận xảy ra thì tình hình rất khó đoán.

Chuyên gia luật Rebecca Niblock làm việc cho công ty tư vấn Kingsley Napley đánh giá tình trạng chính trị rối loạn sẽ mở ra cơ hội cho luật sư phía ông Assange thách thức tính pháp lý của yêu cầu dẫn độ sang Thụy Điển.

Kéo dài thời gian

Theo chuyên gia Nick Vamos thuộc công ty luật Peters & Peters, nhà sáng lập WikiLeaks dù đến Thụy Điển vẫn có biện pháp chống lại dẫn độ từ Mỹ. Mỗi biện pháp đều giúp kéo dài thời gian.

Quốc gia Bắc Âu cần sự đồng ý của Anh mới được đưa Assange sang Mỹ. Lúc đó ông có thể tập trung đối phó nỗ lực từ phía Thụy Điển, cũng như tìm cách thuyết phục Anh không đồng ý. Làm vậy tạo nên thế phức tạp và trì hoãn pháp lý.

Assange trì hoãn càng lâu, khả năng nền chính trị Anh thay đổi theo hướng có lợi cho ông càng tăng. Chính trị gia không ưa nhà sáng lập WikiLeaks như Bộ trưởng Javid có thể phải nhường chỗ cho thành viên đảng Lao động Diane Abbott – nhân vật phản đối yêu cầu dẫn độ Mỹ đưa ra.

Cẩm Bình (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/con-duong-den-my-cua-ong-assange-phai-qua-thuy-dien-va-chuong-ngai-brexit-111613.html