Con đường đá xẻ biển nối bờ với Hòn Bà

Một con đường đá gồ ghề nổi lên độc đạo giữa biển lên đảo viếng miếu Bà. Chỉ xuất hiện vài tiếng, con đường đá lại bị nước biển vùi sâu trả lại sự tĩnh mịch, hoang sơ cho hòn Bà.

Con đường đá “xẻ” nước biển làm đôi để hàng ngàn người lên đảo viếng miếu Bà. Ảnh: VŨ PHONG

Con đường đá “xẻ” nước biển làm đôi để hàng ngàn người lên đảo viếng miếu Bà. Ảnh: VŨ PHONG

Sáng ngày 27-1 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), hàng ngàn người dân và du khách thập phương nô nức đổ về tham quan và đi viếng miếu Bà, nằm trên hòn Bà, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ 8 giờ, nước biển rút sâu, để lộ con đường đá độc đạo dài khoảng 300m nối liền bờ và hòn Bà. Người người chen chân nhau tranh thủ lên đảo tham quan và viếng miếu trước khi nước dâng, con đường biến mất.

Người dân và du khách thập phương đi trên con đường đá viếng miếu Bà, nằm trên hòn Bà, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: VŨ PHONG.

Hòn Bà được biết đến là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 5.000m², nằm ở biển Bãi Sau TP Vũng Tàu. Trên hòn Bà có miếu Bà, là một ngôi miếu nhỏ thờ cúng Thủy Long thần nữ.

Từ 8 giờ, thủy triều rút sâu, để lộ con đường đá độc đạo dài khoảng 300m nối liền bờ và hòn Bà. Ảnh: VŨ PHONG

Theo dân gian lưu truyền, vào năm 1781 hương chức làng Thắng Tam đã dựng nên miếu Bà để thờ cúng Thủy Long thần nữ, với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển, cầu cho mưa thuận gió hòa và quốc thái dân an. Thời pháp thuộc chiếm đóng, miếu hòn Bà được gọi với tên là Archinard nhưng người dân vẫn quen gọi là miếu Bà.

Miếu Bà, là một ngôi miếu nhỏ thờ cúng Thủy Long thần nữ. Ảnh: VŨ PHONG

Năm 1971, một người dân ở Trà Vinh đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của, sửa chữa ngôi miếu. Trải qua nhiều lần sửa chữa, miếu Bà mới có diện mạo như hiện nay. Miếu bà có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, bên dưới có một tầng hầm dài 6m rộng 3m. Trong miếu thờ bà Ngũ hành. Gian chính giữa rộng khoảng 30m² có bàn thờ ba cô, 7 cậu.

Hầu hết người dân và du khách đi bộ ra hòn Bà khi đường đá bí ẩn nổi lên vừa thể hiện lòng thành đến viếng miếu để trải nghiệm cảm giác mới lạ trên con đường xuyên giữa biển. Ảnh: VŨ PHONG.

Mỗi năm, miếu hòn Bà tổ chức cúng bốn lễ dựa theo con nước gồm các ngày rằm: tháng Giêng, tháng 4, 7 và 10 (âm lịch). Để ra được hòn Bà chỉ có thể đi ghe, thuyền hoặc đi bộ. Tuy nhiên xung quanh miếu toàn là đá ngầm, tàu ghe khó tiếp cận. Hàng tháng chỉ các ngày 14, 15, cuối tháng âm lịch mới có thể đi bộ ra hòn Bà.

Từ chân đảo lên đến miếu Bà là những con đường quanh co, uốn lượn, được xây bậc tam cấp chắc chắn. Ảnh: VŨ PHONG.

Do đó, du khách và người dân phải canh con nước, tranh thủ tham quan và quay lại bờ tránh tình trạng “mắc kẹt” lại trên đảo.

Người dân và du khách thắp hương cầu nguyện cho một năm mới an lành, gặp may mắn. Ảnh: VŨ PHONG.

Đường ra tham quan miếu Bà, người dân và du khách còn có nhiều trải nghiệm khá thú vị. Bởi nước rút để lộ bãi biển rộng lớn kéo dài với những mỏm đá, vũng nước. Trên đường đi, mọi người có thể bắt ốc, cá, cua bị “kẹt” lại ở những vũng nước do thủy triều vừa rút vừa có thể xem những người dân địa phương cạy hàu sữa trên con đường đá. Khoảng thời gian đi từ bờ, qua con đường đá ra tới hòn Bà mất chừng 15 phút đi bộ.

Nhiều người dân cầu nguyện cho một năm mới an lành, gặp may mắn. Ảnh: VŨ PHONG.

Chị Trương Thị Kim Loan (ngụ quận 9, TP.HCM) cho hay, nhờ được bạn bè giới thiệu mà lần đầu tiên chị biết và tìm tới tham quan miếu Bà. Từ quận 9, cả nhà chị xuất phát lúc 6 giờ sáng xuống đây cho kịp con nước. “Lần đầu tiên tới tham quan, viếng miếu Bà, tôi cảm thấy vui lắm. Đầu năm cầu cho gia đình hạnh phúc và may mắn cho một năm tới”, chị Loan vui vẻ nói.

Ai cũng thành kính cầu nguyện. Ảnh: VŨ PHONG.

Nhiều người dân địa phương tranh thủ khi nước rút để cạy hàu trên con đường đá “bí mật” dẫn ra hòn Bà. Ảnh: VŨ PHONG.

`Đầu năm, du khách khắp nơi đổ về TP Vũng Tàu du lịch và tham quan. Và miếu Bà với con đường “xẻ” biển độc đáo là nơi thu hút đông đảo người dân tham quan và viếng miếu.

VŨ PHONG - CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/con-duong-da-xe-nuoc-bien-noi-bo-voi-hon-ba-642371.html