Con đường chân - thiện - mỹ

Đạo đức với một con người, hiểu nôm na là người đó sống có tử tế, đàng hoàng. Những ngày này, người ta lại bàn về đạo đức trong cơ chế thị trường. Theo đó, vấn đề nổi lên là, khi nhiều giá trị thay đổi thì làm gì để xây dựng được một nền tảng văn hóa, đạo đức lành mạnh.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm trước tình trạng đạo đức xuống cấp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự xuống cấp đạo đức xã hội có nguyên nhân từ kinh tế.

Chất vấn, ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh (Đoàn Nghệ An) hỏi Bộ trưởng Bộ VHTTDL: “Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình, một vấn đề đang ở mức nghiêm trọng như vậy trong giai đoạn hiện nay”.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói để thực hiện thì cần lâu dài. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, một số giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang bị mai một. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ đảng viên có chiều hướng gia tăng. Đạo đức nghề nghiệp sa sút. Gian lận trong học hành bằng cấp. Thủ đoạn trong chạy chức, chạy quyền. Bạo lực gia đình, bạo lực với người cao tuổi. “Đó là một vài biểu hiện, một số nhận diện”- ông Thiện nói.

Về giải pháp khắc phục, theo ông Thiện, cùng với việc Bộ VHTTDL tham mưu cho Đảng và Chính phủ để xây dựng con người mới và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sự xuống cấp của đạo đức, xã hội; thì cần phải xây dựng và phát triển văn hóa; Đẩy mạnh xây dựng đạo đức lối sống thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thể chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh, cần phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa, lịch sử, đề cao vai trò giáo dục đạo đức của văn hóa, nghệ thuật, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức, phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ văn - nghệ sĩ.

Ông Thiện cũng cho rằng, nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ lĩnh vực kinh tế sang một bên thì không giải quyết được. Bởi vì cái gốc của vấn đề vẫn là kinh tế, tồn tại xã hội, quyết định ý thức xã hội. Kinh tế là cái gốc. “Đây là một vấn đề có thể nói rằng rất khó, rất cấp bách, chúng tôi cũng rất trăn trở. Nhưng nếu như để một mình ngành văn hóa hoặc một số ngành loay hoay thế này, thời gian không có, kinh phí có thể nói rằng hiện nay rất ít”- Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Ý kiến của người đứng đầu ngành văn hóa nước nhà được coi là thực tế, tuy thế thì cũng không hẳn đã nhận được sự đồng tình rộng rãi. Nói như đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) thì phú quý sinh lễ nghĩa nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Trước đây chúng ta còn nghèo, rất khó khăn, nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt. Bây giờ chúng ta thoát nghèo, thu nhập trung bình nhưng vấn đề nền tảng đạo đức của xã hội đang bị xuống cấp. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Câu hỏi của ông Tuấn cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều người, khi cho rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp, trong đó vai trò của kinh tế (theo nghĩa thực tế), giáo dục (hiểu theo nghĩa thuần túy) và văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) đóng vai trò quan trọng.

Khi nói về về suy thoái đạo đức, người ta dễ thống nhất, tuy rằng dẫn chứng theo kiểu 1+1=2 nhưng vẫn không dễ gì chứng minh (vì đó là vấn đề trừu tượng). Nhưng, quan trọng hơn là làm gì để ngăn chặn sự suy thoái, và cao hơn là xây dựng nền tảng văn hóa vững chãi.

Lâu nay, thiên hạ buồn phiền khi không ít giá trị ảo che lấp giá trị thật, đặc biệt ở khái niệm đạo đức, văn hóa. Thước đo giá trị văn hóa, đạo đức nhiều khi không rõ ràng, lệch chuẩn, thiếu chuẩn (tất nhiên chuẩn đó phải xuất phát từ góc độ đã có mẫu số chung). Thực tế thì nhiều người chán ngán khi phải nghe những bài thuyết giảng về đạo đức, văn hóa của những người không xứng đáng. Vì rằng, giá trị ảo sẽ không bao giờ có thể xây dựng được nền tảng đạo đức, nền tảng văn hóa lành mạnh.

Trở lại vấn đề, vậy thì đạo đức, văn hóa của ngày hôm nay là gì, khi không ít giá trị bị đảo lộn, khi mà không ít người đem đồng tiền ra như một ba-rem định giá. Nhưng, dẫu thế thì dù khó cách nào cũng phải hướng tới xây dựng cho được nền tảng văn hóa, nền tảng đạo đức của người Việt Nam. Đó là vấn đề bức thiết khi mà trong nhiều trường hợp các giá trị nền tảng bị lung lay trước những giá trị mới thực dụng, dễ nhìn. Không ít người cho rằng, cần phải dựng lên “những con đê” ngăn chặn sự xuống cấp văn hóa, xuống cấp đạo đức. Nhưng, “con đê” ấy là gì nếu không phải là sự nhìn nhận đúng đắn và thái độ biết nâng niu những hành vi đẹp, cho dù là vô cùng nhỏ? Cái đẹp trong cuộc sống khi được nhìn nhận, tôn trọng, thì mới có sức lan tỏa, mới được cộng đồng chăm chút từng li từng tí, dày dặn dần lên theo tháng năm.

Trở lại với trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL trước chất vấn của ĐBQH, ông Thiện cho rằng đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói để thực hiện thì cần lâu dài. Đó là một thực tế. Văn hóa, đạo đức không thể ngày một ngày hai mà có; nó là một quá trình lâu dài bền bỉ dựng xây chăm chút từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nếu trước đó nó đã “mất gốc” thì hôm nay đòi hỏi phải là một quá trình lâu dài vun sới lại. Tuy nhiên, quan trọng là, nếu từ ngay ngày hôm nay không nhìn nhận rõ ràng và không vun sới thì sẽ không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể tự hào về một nền tảng văn hóa, đạo đức của người Việt Nam, nhất là trong thế kỷ 21 này.

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/con-duong-chan-thien-my-tintuc421464