Còn đó 'Rừng cây mẹ Nghèng'

Gần 45 năm cặm cụi trồng phi lao trên cát, đến bây giờ người dân xã Quang Phú, Đồng Hới, Quảng Bình vẫn tự hào về khu 'Rừng cây mẹ Nghèng'.

Con đường Trương Pháp chạy dọc bờ biển Nhật Lệ (Quảng Bình) như một dãy lụa mềm. Có khi, con đường xen giữa rừng phi lao cao lớn. Anh Lê Nhất Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phú nói: “Đó là rừng phi lao của mẹ Nghèng đã trồng nên. Bây giờ, thế hệ con cháu được hưởng bóng mát và gió biển trong lành”.

45 năm nặng tình…

Quang Phú, làng chài ven biển nằm ở phía đông bắc của thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ. Những năm chiến tranh còn ác liệt, người dân Quảng Phú luôn bám biển đêm ngày chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Lúc này, vùng cát ven biển còn hoang sơ và luôn đi kèm với những cơn bão cát. Nhân dân Quang Phú lấy câu khẩu hiệu “Lặng đánh cá, động phá hoang” để thi đua. Nghĩa là nếu trời biển lặng thì ra khơi, nếu trời biển động lên đồi cát khai hoang, trồng rừng. Đội trồng rừng của mẹ Phạm Thị Nghèng được hình thành từ nhiệm vụ lúc đó.

 Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần thăm hỏi, tặng quà cho mẹ Phạm Thị Nghèng trong lần về thăm quê. Ảnh: N. Tâm.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần thăm hỏi, tặng quà cho mẹ Phạm Thị Nghèng trong lần về thăm quê. Ảnh: N. Tâm.

Ban đầu, đội trồng rừng đi khắp nơi để tìm kiếm cây con đánh bầu đưa về trồng trên những trảng cát gần nhà. Sau đó, các mẹ, các chị tìm hạt giống phi lao mang về tự ươm cây. Chăm chút từ lúc cây lên mầm đến khi được đánh bầu mang đi trồng là cả năm trời. Mùa hè, nắng như đổ lửa, các mẹ, các chị lại cần mẫn từng gánh nước cho cây đủ màu xanh. Mùa mưa gió lại là mùa trồng rừng. Lực lượng chính của đội trồng rừng là chị em phụ nữ. Mọi người gồng gánh cây con đến những đồi cát, đào hố, trồng cây.

Bà Nguyễn Thị Dành (68 tuổi, nguyên là đội viên đội trồng rừng) kể lại, lúc tham gia trồng rừng đang là thôn nữ nên luôn nhận việc nặng là gánh cây con từ vườn ươm đi đến nơi trồng. “Nhiều khi trời mưa, tấm ni lông che không đủ người nên ướt hết nhưng tinh thần ai cũng phấn khởi lắm. Vì mưa mà trồng cây tỷ lệ cây bén rễ sống được nhiều hơn nên cứ đến mùa trồng cây là đôi vai chai sần đi vì gánh gồng”, bà Dành bồi hồi nhớ lại.

Người đội trưởng lúc đó là mẹ Phạm Thị Nghèng. Ban đầu, mẹ đến từng nhà các mẹ, các chị trong thôn để động viên, khích lệ tham gia vào đội để thi đua với cánh đàn ông trên mặt trận sản xuất. Sau khi toàn đội đi vào hoạt động nề nếp, bài bản, mẹ Nghèng là hạt nhân động viên chị em đẩy mạnh phong trào thi đua trồng cây. Chính từ phong trào này, đội viên tham gia càng đông.

Lúc đó, đội trồng rừng được chia là hai. Đội trồng rừng phía nam do mẹ Nghèng làm đội trưởng và đội trồng rừng phía bắc do mẹ Phạm Thị Men phụ trách. Tuy chia làm hai nhưng vẫn như người một nhà, các đội viên thường xuyên chi viện cho nhau về các công đoạn chọn giống, ươm cây, vào bầu, kỹ thuật trồng.

Bà Hoàng Thị Xót (80 tuổi, lúc đó là đội phó đội trồng rừng phía nam), cũng kể lại rằng mọi người lao động không kể thời gian, mưa nắng. Ai cũng đôi chân trần chạy khắp mọi đồi cát, chăm cho từng gốc phi lao, xem cây lên có khỏe không. “Lúc đông nhất, mỗi đội có từ 40 - 50 người. Khi máy bay Mỹ kéo đến ném bom mọi người chạy nhanh vào trú ẩn ở các hầm hào, công sự dọc biển. Hết bom lại ra khỏi nơi trú tiếp tục trồng rừng. Sau ngày thống nhất, việc trồng rừng được thuận lợi hơn nhiều”, bà Xót kể lại.

Địa bàn đội trồng cây phụ trách trải dài từ khu vực Bàu Tró (giáp Hải Thành) ra đến Nhân Trạch (huyện Bố Trạch). Trồng cây trên cát không dễ, chỉ có thể trồng vào mùa mưa, cát ẩm nước cây mới dễ bám rễ đâm chồi. Mùa hè, thương cây, các chị, các mẹ gánh hàng trăm gánh nước chạy trên cát bỏng, tưới cho từng gốc, mong cây được sống. Thức khuya, dậy sớm chăm bẵm cây từ khi nảy mầm, vào bầu, đem trồng, đến khi cây sống bám rễ sâu vào cát... thời gian mất cả năm trời.

Mẹ Phạm Thị Nghèng bên rừng phi lao được trồng từ năm 1984. Ảnh: N.Tâm.

Vừa trồng cây gây rừng, các chị, các mẹ vừa vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng, hễ thấy nhà nào đốt củi dương thì ngăn chặn. Khẩu hiệu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phi lao chắn cát có khắp đầu làng, cuối xóm, in sâu trong lòng dân. Cứ thế, công sức, mồ hôi của các mẹ, các chị đổ xuống cho rừng phi lao xanh tốt phủ kín hàng trăm ha đồi cát.

Trong chuyến về thăm lại rừng mẹ Nghèng, chúng tôi cũng đã gặp được bà Nguyễn Thị Đoàn (70 tuổi, nguyên là kỹ thuật viên kiêm đội phó đội trồng rừng phía bắc). Bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mẹ Nghèng cùng mọi người thử nghiệm và đã thành công trong việc ươm cành phi lao đâm rễ để làm cây giống đưa đi trồng.

“Hồi đó làm việc này thật bao khó khăn. Nhưng mẹ Nghèng đã trực tiếp làm và động viên mọi người trong tổ cố gắng làm cho đến khi thành công. Việc này đã làm tăng thêm động lực cho toàn thể mọi người”, bà Đoàn xúc động cho hay.

Đến năm 2009, các đội trồng rừng ở Quang Phú giải thể, nhưng sau hơn 45 năm, hơn 200ha rừng phi lao chắn cát Quang Phú đi vào tâm thức người dân Quảng Bình và cả nước với cái tên gọi thân thương “Rừng cây mẹ Nghèng”. Tháng 11/2000, mẹ Phạm Thị Nghèng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Mẹ cũng đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường trao giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2002. Tháng 10/2002, mẹ Nghèng mất, hưởng thọ 74 tuổi.

Rừng cho muôn đời sau

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến viêc trồng cây phủ xanh đồi cát ở Quảng Bình. Hay tin, đội trồng rừng của mẹ Nghèng đã trồng được rừng trên cát, Đại tướng mừng lắm. Những lần về thăm quê, Đại tướng đều dành thời gian thăm hỏi, tặng quà cho mẹ Nghèng và các thành viên trong Đội trồng rừng. Có lần, mắc võng dưới tán rừng phi lao ven biển Nhật Lệ nghỉ ngơi, Đại tướng căn dặn mọi người rằng trồng và giữ được rừng trên cát chính là giữ môi trường sống cho người dân.

Rừng mẹ Nghèng bên đường ven biển Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình). Ảnh: N.Tâm.

Chúng tôi cùng ra rừng mẹ Nghèng. Con đường Trương Pháp chạy xuyên qua giữa những vạt rừng phi lao mướt mát. Du khách vừa đắm mình trong gió biển vừa nghe tiếng phi lao vi vút trong gió với cảm giác thư thái trong lòng.

Anh Lê Nhất Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Phú bảo, những vạt phi lao lấn về bờ biển như những tường thành chắn sóng. “Rễ phi lao bám chặt vào lòng đất ngăn sóng biển mùa gió chướng khỏi phá vào bờ. Nhờ vậy mà tuyến đường ven biển luôn được bảo vệ vững chắc. Hiện chúng tôi cũng đang có phương án thống kê cụ thể diện tích rừng mẹ Nghèng để có phương án trồng thêm, trồng dặm và đưa vào bảo vệ nghiêm ngặt”, anh Vỹ cho hay.

Tại rừng cây mẹ Nghèng, ngày Mồng 7 Tết Tân Sửu vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cấp Quốc gia gắn với chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Tuổi trẻ Quảng Bình trồng cây phi lao bên bờ biển Nhật Lệ hưởng ứng đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: N.Tâm.

Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, việc trồng cây, trồng rừng ngày càng có ý nghĩa chiến lược to lớn và hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, cần chú trọng lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa và thời vụ trồng rừng của từng nơi. Đồng thời, cần nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi: “Toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng, mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ…”.

Cũng tại Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021 diễn ra tại "Rừng cây mẹ Nghèng", Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị các cấp, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tâm Phùng - Công Điền

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/con-do-rung-cay-me-ngheng-d286802.html