Còn đó một Đông Dương kỳ vĩ và xinh đẹp

Từ cuối thế kỷ XIX, một số người Pháp đã bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu và viết, in sách về văn hóa, con người ở xứ Đông Dương. Lựa chọn dịch những đầu sách này để mang đến cho độc giả Việt Nam hiện đại góc nhìn của những người nước ngoài về xứ Đông Dương một thời, những năm gần đây, sự xuất hiện của hàng chục cuốn sách về Đông Dương đã nhận được sự quan tâm của không ít bạn đọc yêu lịch sử.

Nếu như đa số sách về Đông Dương được xuất bản là các tác phẩm khảo cứu, ghi chép thì “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” mang đến một hình ảnh Việt Nam chân thực và sinh động qua 261 bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils.

Đến Đông Dương từ năm 1885, Pierre Dieulefils đã dành phần lớn cuộc đời mình để chụp ảnh vùng đất này. Ông đã đi đến nhiều nơi, đã chụp vô số ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Việt. Năm 1909, ông xuất bản cuốn sách ảnh “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ”. Khi trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Bruxelles (Bỉ) năm 1910, cuốn sách đã được trao Huy chương Vàng. Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn sách về Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận. Thời bấy giờ, có lẽ Pierre Dieulefils là người thành công trong nghề nghiệp với nguồn lợi lớn từ việc xuất bản bưu ảnh. Còn từ góc nhìn hôm nay, ông phần nào trở thành nhà chép sử của xứ sở này khi đã ghi lại được những hình ảnh chân thực về một Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ cách đây một thế kỷ. Những cuốn sách của ông nay đã trở thành nguồn tư liệu quý giá về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Giới thiệu với độc giả Việt Nam ngày nay về một Việt Nam cách nay một thế kỷ qua từng bức ảnh, hai tập sách của Pierre Dieulefils đã được tập hợp trong cùng một ấn bản lấy tên chung là “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ”. Cuốn sách của Pierre Dieulefils đưa độc giả đi tham quan các công trình kiến trúc, các di tích văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên khắp ba miền đất nước, từ thác Bản Giốc ở vùng biên giới Cao Bằng đến hồ Hoàn Kiếm một ngày mùa thu; từ ải Nam Quan đến Nhà thờ Đức Bà, Vũng Tàu, Tây Ninh; từ những cảnh hoang sơ đến đền đài cung điện... Những hình ảnh của một thời xa xưa hiện lên khiến độc giả Việt Nam cảm thấy thích thú và xao xuyến.

Không chỉ có vậy, cuốn sách cũng cho độc giả “gặp” những người của một thời đã xa qua những khuôn hình chân thực và tự nhiên, từ cư dân Đồng bằng sông Hồng đến người dân miền Nam hay một số dân tộc thiểu số; từ quan lại, thị vệ và cả vua Duy Tân đến nhà sư, kép hát, người lao động... Qua đó, độc giả có thêm tư liệu về trang phục, nếp sống... của người Việt một thời.

Đặc biệt, các bức ảnh trong sách được chú thích với 4 ngôn ngữ là Việt, Pháp, Anh, Đức, tuy hơi ngắn. Ngoài chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp, phần chú thích được đối chiếu, xác định địa danh qua tham khảo phần chú thích chữ Hán - Nôm của ông Claude Maitre - từng là Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội, và các nguồn tài liệu khác.

Như một “bảo tàng” hình ảnh thu nhỏ về Việt Nam một trăm năm trước, cuốn sách “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” được in khổ lớn, bìa cứng, có bìa áo, do Công ty cổ phần Văn hóa Đông A và NXB Dân trí liên kết ấn hành.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/988090/con-do-mot-dong-duong-ky-vi-va-xinh-dep