'Cơn địa chấn' mang tên 'Hồ sơ Pa-na-ma'

Ngày 3-4, hơn 100 hãng thông tấn, cơ quan báo chí lớn trên thế giới đồng loạt công bố bộ hồ sơ khổng lồ chứa đựng 11,5 triệu dữ liệu, trong đó tố cáo các hành vi trốn thuế của nhiều chính trị gia, tỷ phú, doanh nhân, siêu sao trên thế giới… thông qua một công ty luật ở Pa-na-ma. Đây được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử do có tính chất, quy mô lớn hơn rất nhiều so với 'cơn chấn động' WikiLeaks cách đây vài năm.

Mossack Fonseca-Công ty luật chuyên lập các công ty bình phong giúp các đại gia trốn thuế. Ảnh: maltatoday

Mossack Fonseca-Công ty luật chuyên lập các công ty bình phong giúp các đại gia trốn thuế. Ảnh: maltatoday

Cú sốc lớn

Nhật báo Nam Đức của (Đức) là tờ báo đầu tiên nhận được thông tin tố cáo những hành vi trốn thuế của hàng chục nghìn cá nhân thông qua Công ty luật Mossack Fonseca ở Pa-na-ma cuối năm 2014. Song do số lượng dữ liệu nhận được quá lớn, nhật báo Nam Đức đã quyết định thông báo với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), đồng thời chia sẻ dữ liệu với hơn 100 cơ quan báo chí ở 80 nước trên thế giới.

Một cuộc điều tra quy mô lớn đã được tiến hành với sự tham gia của hàng trăm nhà báo, điều tra viên, chuyên gia về thuế trên toàn thế giới. Họ làm việc theo các nhóm nhỏ, trực tiếp đi phỏng vấn, tìm kiếm bằng chứng và đối chiếu với các dữ liệu mà họ đang nắm trong tay. Sau hơn 6 tháng hợp tác, nghi vấn về các vụ trốn thuế đã dần được hé lộ và cho những kết quả không ngờ tới.

Báo Thế giới của Pháp, một trong những tờ báo tham gia cuộc điều tra, cho biết, sau khi nghiên cứu toàn bộ 11,5 triệu dữ liệu trong “Hồ sơ Pa-na-ma”, các nhà điều tra đã phát hiện ra hoạt động tài chính của một loạt nhân vật giàu có và có thế lực trên thế giới với sự trợ giúp của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama và có văn phòng tại hơn 35 nước trên thế giới. Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca từ năm 1977 đến tháng 12-2015.

Những khách hàng của Mossack Fonseca rất đa dạng, trong đó có tới 140 chính trị gia, 29 tỷ phú. Những cái tên trong danh sách của Hồ sơ Panama được nhiều người chú ý đến gồm Tổng thống U-crai-na Pi-ốt Pô-rô-sen-cô, Thủ tướng Ai-xơ-len Xi-mun-đu Đa-vít Gun-láp-xơn, Thủ tướng Pa-ki-xtan Na-oa Sa-ríp, cựu Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc... Ngoài ra, rất nhiều vụ án ‘trốn thuế” khác liên quan tới các ngôi sao hàng đầu thế giới cũng được “Hồ sơ Pa-na-ma” đề cập tới như cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) Mi-sen Pla-ti-ni, cựu danh thủ người Chi-lê I-van Da-mô-ra-nô, đạo diễn Pê-đrô An-mô-đô-va hay diễn viên Thành Long…

Hé lộ những khoảng tối

Theo “Hồ sơ Pa-na-ma”, cách thức trốn thuế rất đa dạng và khá tinh vi, trong đó việc thành lập công ty ở nước ngoài (công ty bình phong hay còn gọi là offshore) được xem là phổ biến nhất và hiệu quả nhất. Theo đó, những người có tài sản giá trị lớn đều coi trọng sự cần thiết mở một tài khoản ở nước ngoài để giữ tiền. Thông qua Công ty luật Mossack Fonseca, họ đã thành lập công ty ở nước ngoài rồi từ đó tiến hành các hoạt động kinh doanh mà không phải chịu một khoản thuế nào.

Trong những ví dụ mà tờ Thế giới nêu ra, có thể kể đến trường hợp của Quốc vương Ma-rốc Mô-ham-mét VI, người đã thành lập được một công ty bình phong ở quần đảo Vơ-gin thuộc Anh để từ đó mua lại một khách sạn ở Pa-ri (Pháp) hay tậu một chiếc thuyền buồm cỡ lớn neo đậu bên bờ Đại Tây Dương…

Một trường hợp khác là ông Hô-xê Ma-ri-a Bô-ten-hô đờ Va-xcôn-xê-lốt, cựu Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ An-giê-ri, người từng có thời gian làm việc ở Công ty dầu khí quốc gia Sonangol. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ năm 2002, ông Va-xcôn-xê-lốt đã thành lập một công ty có vốn điều lệ 1 triệu USD mang tên Medea Investments Limited. Công ty này được thành lập với sự hỗ trợ của Mossack Fonseca, ban đầu có trụ sở ở Niu-ê, một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Đến năm 2009, công ty này đóng cửa, song cũng đủ giúp ông Va-xcôn-xê-lốt thoát việc nộp hàng triệu USD tiền thuế.

Người đứng đầu trong danh sách tham nhũng ở châu Phi được “Hồ sơ Pa-na-ma” nhắc tới là ông Giêm I-bô-ri, cựu Thống đốc bang Đen-ta ở Ni-giê-ri-a, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi. Ông I-bô-ri bị buộc tội đã lừa gạt nhiều người và tổ chức kinh tế, biển thủ công quĩ 266 triệu USD thông qua các công ty bình phong. Cựu Thống đốc bang Đen-ta đã bị bắt năm 2010 và bị dẫn độ sang Luân Đôn (Anh) xét xử. Tòa án Hoàng gia Anh đã tuyên án 13 năm tù đối với bị cáo này, đồng thời phải hoàn trả lại 75 triệu USD cho ngân sách nhà nước Ni-giê-ri-a…

Báo “Người bảo vệ” nhận định, việc sở hữu tài sản thông qua các công ty ở nước ngoài là việc làm hoàn toàn hợp pháp song gây nhiều tranh cãi do tên người sở hữu những tài sản dạng này thường không công khai, từ đó giúp chủ sở hữu dễ dàng qua mắt các cơ quan thuế vụ và tránh bị đánh thuế tại quốc gia của mình.

Liệu có xảy ra hiệu ứng “Đô-mi-nô”?

Trong khi nhiều vụ việc trốn thuế còn phải chờ đợi điều tra để có kết luận cuối cùng thì vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử đã gây ra những hậu quả đầu tiên. “Nạn nhân” là Thủ tướng Ai-xơ-len Xi-mun-đu Đa-vít Gun-láp-xơn. Theo “Hồ sơ Pa-na-ma”, Thủ tướng đương nhiệm của Ai-xơ-len và vợ đồng sở hữu một công ty có tên Wintris Inc thành lập năm 2007 ở đảo Toóc-tô-la thuộc quần đảo Vơ-gin của Anh. Tuy nhiên, ông Gun-láp-xơn đã chuyển giao cổ phần của mình cho vợ vào năm 2009 với số tiền tượng trưng là 1USD ngay sau khi ông đắc cử nghị sĩ lần đầu tiên. Tuy nhiên, vị chính trị gia này đã không khai báo về tài sản trên khi được bầu vào Quốc hội Ai-xơ-len.

Các đảng đối lập tại Ai-xơ-len ngay lập tức bám vào yếu tố trên để yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng. Ban đầu ông Gun-láp-xơn khẳng định không làm điều gì sai trái sau vụ tiết lộ nhưng cuối cùng cũng đã xin từ chức vào chiều 5-4.

Không chỉ ông Gun-láp-xơn, tân Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Gian-ni In-phan-ti-nô cũng đang trong tầm ngắm của các nhà điều tra sau khi “Hồ sơ Pa-na-ma” tiết lộ, ông là người đặt bút ký cùng với đại diện của công ty Cross Trading để mua bán bản quyền Champions League của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và Siêu cúp châu Âu với giá nội bộ. Sau đó Công ty Cross Trading đã bán lại cho Tập đoàn truyền thông Teleamazonas của Ê-cu-a-đo những bản quyền phát sóng trên với giá cao hơn gấp 3 lần so với giá mua. Hiện UEFA đã mở cuộc điều tra đối với các cáo buộc nhằm vào ông Gian-ni In-phan-ti-nô.

Cho đến nay, mới chỉ có một phần rất nhỏ trong “Hồ sơ Pa-na-ma” được hé lộ. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ còn những vụ “tày trời” sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Khi đó, hiệu ứng “đô-mi-nô” có thêm nhiều chính khách, doanh nhân rơi vào vòng lao lý là điều khó tránh khỏi.

Phương Châu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/con-dia-chan-mang-ten-ho-so-pa-na-ma/