Con đĩ đánh bồng – điệu múa cổ đất Thăng Long chỉ của riêng phái mạnh

UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là cái nôi điệu múa 'Con đĩ đánh bồng' – một trong 10 điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa. Và đặc biệt hơn nữa là điệu múa đó chỉ dành riêng cho phái mày râu.

Nét độc đáo của điệu múa “con đĩ đánh bồng” là trai giả gái với mặt hoa da phấn, động tác uyển chuyển, mềm mại.

Nét độc đáo của điệu múa “con đĩ đánh bồng” là trai giả gái với mặt hoa da phấn, động tác uyển chuyển, mềm mại.

Điệu múa động viên tướng sĩ

Cứ mỗi độ xuân về, Tết Nguyên đán đi qua, nhân dân làng Triều Khúc lại mở hội, chung vui trong ngày lễ lớn của làng. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của vị Vua Phùng Hưng mà còn là dịp vui chơi, trẩy hội đầu xuân năm mới của người dân trong làng. Lễ hội của làng Triều Khúc luôn được tổ chức tôn nghiêm, trật tự, văn minh, tạo không khí vui vẻ cho người tham dự.

Bắt đầu lễ hội là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như: Lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch, tế lễ,… cùng nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng, múa chạy cờ… Đặc sắc nhất trong lễ hội chính là điệu múa bồng hay còn gọi là “con đĩ đánh bồng” – sản phẩm văn hóa độc đáo, là niềm tự hào lớn của người dân nơi đây.

Tục xưa kể rằng, vào thế kỷ thứ 8, Vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập kết các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây đạo quân nhà Đường. Để khích động tướng sĩ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, Nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng.

Kể từ đó, hàng năm vào mùa xuân, từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng. Trong lễ rước trang trọng, lễ hội của cả làng có nhiều nghi thức từ xưa truyền lại. Đặc biệt, rất nhiều điệu múa được tổ chức linh đình, hấp dẫn và thu hút người xem. Quan trọng nhất là điệu múa trống bồng hay còn gọi là múa “con đĩ đánh bồng”.

Nhiều người khi nghe từ “đĩ” thấy phản cảm nhưng trước kia từ “đĩ” không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà Vua Phùng Hưng gọi họ là những “con đĩ”.

Dù từ này ở thời thế bây giờ được dùng như một câu chửi tục hay nói về những người phụ nữ làm nghề “bán hoa”, tuy nhiên trong điệu múa “con đĩ đánh bồng” lại không hề có nữ nhân, bởi thế dù thời cuộc đã thay đổi, người làng Triều Khúc vẫn quyết định giữ lại tên gọi cũ.

Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 “con đĩ” nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau.

Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng quả thực mang cái dáng dấp, kiểu cách mà không phải ai cũng bắt chước được.

Ước mong tiếng trống múa bồng mãi vang xa

Người viết bài này cũng đã có đôi lần được xem điệu múa “con đĩ đánh bồng” khi làng Triều Khúc mở hội. Thật ấn tượng với các “hotboy” ngày thường nam tính là vậy mà vào hội giả gái tô son phấn, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ thật là duyên.

Chàng trai Nguyễn Văn Chí Hiếu (Triều Khúc) chia sẻ: “Đây là năm thứ 5 em được tham gia biểu diễn múa “con đĩ đánh bồng”. Em rất tự hào khi được tham gia đội múa. Để có thể biểu diễn, đội múa đã bỏ ra rất nhiều ngày và tâm huyết tập luyện”. Nhìn Hiếu trong dáng vẻ của một cô gái chính nhiều bà, nhiều chị cũng phải cười khúc khích bình luận “sao mà xinh thế, điệu thế”.

“Con đĩ đánh bồng” là một trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long.

Một chàng trai trẻ như Hiếu mà vẫn ý thức và say mê điệu múa cổ của quê hương thì có thể nói người dân Triều Khúc nói chung tâm huyết với việc giữ gìn điệu múa cổ này như thế nào.

Là một trong những người già của làng rất tâm huyết với điệu múa cổ là ông Triệu Đình Hồng. Ông cho biết ông say mê điệu múa này từ những năm còn rất nhỏ tuổi. Năm 1975 ông Hồng bắt đầu tham gia đội múa và gắn bó với nó cho đến ngày nay.

Ước muốn lan tỏa điệu múa trong cộng đồng, từ năm 1985, ông Hồng bắt đầu vận động thanh niên trẻ trong làng học múa bồng, điệu múa có nguyên tắc chỉ truyền dạy cho thanh niên trong làng Triều Khúc với tiêu chuẩn ngoan ngoãn, không vướng tệ nạn xã hội, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú và gia đình sung túc, đầy đủ.

Từ năm 2010, được sự nhất trí của địa phương, các lớp học múa bồng được tổ chức trong Trường cấp 2 Tân Triều. Cứ hai khóa sẽ có một lớp mở ra để dạy những em muốn học. Mỗi lớp kéo dài khoảng hai đến ba tháng, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi một đến hai tiếng.

Năm 2015, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã chính thức công nhận câu lạc bộ múa bồng do ông Hồng làm chủ nhiệm, đồng thời bảo trợ về mặt tổ chức và chuyên môn của câu lạc bộ. Năm 2010, ông Triệu Đình Hồng vinh dự được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”.

Đến năm 2013, ông được Thành ủy Hà Nội trao tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…

“Biểu diễn múa bồng là có dàn nhạc đánh hai bên, người múa ở giữa. Tiếng trống râm ran, cờ hoa bay trong không trung rất là vui, hạnh phúc vô cùng. Điệu múa này chạm tới trái tim người xem, rất hồ hởi, xem mà chân tay ngứa ngáy muốn vào múa cùng, ấy mới là cái hay.

Mong muốn các cháu yêu thích rồi lưu truyền điệu múa này, mong muốn ngành Văn hóa cho phép chúng tôi đem điệu múa này đến những sự kiện lớn hơn để chúng tôi quảng bá điệu múa bồng, được thế thì quá tuyệt vời, để tiếng trống còn vang mãi” - ông Hồng chia sẻ niềm vui trong dịp lễ hội làng Triều Khúc được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 14/2 vừa rồi.

Mặc dù giả gái nhưng người múa lại toát lên phong thái nam nhi

Hội làng Triều Khúc được đánh giá là vẫn giữ được nét nguyên sơ nhất của lễ hội truyền thống, nó mang cốt cách, nét đẹp tâm linh của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Theo truyền thuyết thì hội làng là lễ Tức vị (tức lễ lên ngôi) của Phùng Hưng. Một đám rước long trọng, với đầy đủ nghi lễ cần thiết rước mũ áo hoàng đế của Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Đại.

Các cụ già, những chàng trai, cô gái làng ăn mặc đẹp theo đúng nghi thức hội lễ: Quần lụa, áo the, áo gấm, hài thêu hoa văn cầu kì, rực rỡ. Đoàn khiêng kiệu toàn những thanh niên trai tráng chưa vợ, vừa rước kiệu, nghi trượng che lọng vàng, lọng tía… vừa múa hát các điệu múa cổ như: Múa trống bồng, múa sênh tiền trong tiếng nhạc réo rắt của đội nhạc phụ họa. Điều đặc biệt ở đám rước này, người rước hai bên vừa đi vừa ngoảnh mặt vào nhau.

Khi đám rước đến nơi, các bô lão kính cẩn đọc văn tế, làm lễ dâng hương, mở hòm sắt lấy bút và chính thức bắt đầu cuộc tế lễ. Ngoài phần lễ còn có phần hội rộn ràng hơn với các điệu múa cổ như: Múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng và múa chạy cờ.

Đáng chú ý nhất trong ngày hội làng là múa “con đĩ đánh bồng”, một điệu múa có tính ước lệ cao. Mặc dù giả gái nhưng những động tác của người múa lại toát lên phong thái nam nhi, tinh thần thượng võ. Phụ nữ khó thể hiện được tính cách ấy.

Diệu Hương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/the-gioi-sao/con-di-danh-bong-dieu-mua-co-dat-thang-long-chi-cua-rieng-phai-manh-480888.html