Còn đâu làng gốm Phnom Pi

Làng gốm Phnom Pi của người dân Khmer ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang có khoảng trăm năm nay. Điểm khác biệt ở làng gốm này là tất cả sản phẩm đều được làm thủ công.

Làng nghề truyền thống hiếm hoi

Hơn trăm năm qua, làng nghề gốm An Thuận đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người Khmer tại huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung. Những kiểu dáng sản phẩm, những hoa văn được thể hiện trên thân gốm, những thao tác nắn, dập, vuốt, chuốt láng hoặc in hoa văn cho sản phẩm đều bằng những động tác thủ công. Các mặt hàng chủ lực gồm: lu, nồi, cà ôm, cà ràng, bình hoa, khuôn bánh… đều thể hiện sự sáng tạo, trình độ tay nghề của từng cá nhân. Điều đáng trân quý là tinh thần đoàn kết chung tay trong cộng đồng người Khmer nơi đây vừa tạo được cuộc sống ổn định cho từng gia đình mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa dân gian truyền thống đã được truyền dạy qua bao thế hệ.

Một nghệ nhân ở làng nghề An Thuận. Ảnh: Thanh Liêm

Một nghệ nhân ở làng nghề An Thuận. Ảnh: Thanh Liêm

Bà Kim Thia, 70 tuổi ngụ xã Châu Lăng tự hào nói: “Tôi làm nghề này đã gần 60 năm rồi, gia đình tôi có 5 người cùng nghề với nhau. Thấy đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố lắm bởi mình chỉ làm bằng tay, nhìn bằng mắt mà không hề có một máy móc nào. Tất cả chỉ bằng kinh nghiệm mà thôi”.

Bà Thia cung cấp một số công đoạn quan trọng, đất sét phài lấy từ chân núi Nam Quy mới có độ bền, sáng, đẹp ( nếu dùng đất nơi khác thì sản phẩm có màu đen hay xám, nung rất lâu nhưng độ bền kém). Sau khi mang về phải nhào nắn rất nhiều lần rồi tiến hành gia công sản phẩm các loại; sau khi định dạng phải đem phơi nắng từ 2 đến 3 ngày phụ thuộc thời tiết rồi mang vào lo nung bằng củi ( trước đây nung bằng rơm). Khi thấy sản phẩm chuyển sang màu gạch tôm thì mang ra để nguội và xuất bán.

Một công đoạn sản xuất thô ở làng nghề An Thuận. Ảnh: Thanh Liêm

Thời hoàng kim nay còn đâu

Nhiều người dân ở làng gốm này còn nhớ như in vào những ngày giáp Tết (khoảng mùng 10/12 âm lịch) là xóm nầy trắng đêm không ngủ để sản xuất sản phẩm kịp cung cấp cho các tỉnh thành, nhiều nhất là vương quốc Campuchia bởi bên ấy có nét sinh hoạt khá tương đồng với đời sống người Khmer của Việt Nam. Cạnh đó là cự li di chuyển khoảng 40 km là đến ranh giới Việt - Cam. Phương tiện vận chuyển hàng hóa rất đa dạng như: xích lô đạp, xe lôi cải tiến, ghe, tàu, xe tải...Từ đó làng gốm nầy ăn tết rất muộn ( thường từ mùng 4 tết đến mừng 10/tháng giêng). Hầu hết nhà nào cũng có từ 2 đến 4 lao động làm nghề nầy, riêng phụ nữ, trẻ con, người già không được làm các công đoạn nặng nhọc như : giã đất, trộn đất, đốt lò, bốc vác.

Một số sản phẩm hoàn chỉnh. Ảnh: Thanh Liêm

Một số sản phẩm hoàn chỉnh. Ảnh: Thanh Liêm

Những năm trở lại đây, làng nghề này trở nên vắng lặng bởi xu hướng người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các vật dụng bằng kim loại với những ưu thế: bền, nhẹ, dễ lau chùi...các thương lái trong và ngoài nước cũng đã không còn ưa chuộng những sản phẩm bằng gốm vì khó vận chuyển, dễ bể, cồng kềnh, lãi không cao...

Bà Thi Toan, ngụ ấp An Thuận lo lắng nói: “ trước đây mỗi lao động có thu nhập từ 100.000 đến 120.000 đồng/ngày phụ thuộc tay nghề, công đoạn, tuy không nhiều nhưng đã giúp xóm nầy ổn định cuộc sống bởi toàn bộ người lao động là dân tộc Khmer nghèo, không đất sản xuất, không có tay nghề, đa số là phụ nữ, người già và trẻ em. Giờ thì thất nghiệp rồi. Đã vậy nguồn đất sét giờ rất hiếm hoi do nhà chùa đã không cho lấy đất nữa vì sợ sạt lỡ. Vậy là khó càng thêm khó. Giờ chỉ trông chờ nhà nước có biện pháp hỗ trợ để mình chuyển nghề nhưng không biết đến bao giờ”.

Theo ý kiến chung của nhiều nghệ nhân đã bám nghề hàng chục năm qua, đa phần đều muốn lưu giữ lại làng nghề truyền thống cổ xưa của ông cha, đó cũng là hồn cốt, là nét văn hóa đặc trưng của người Khmer tại xã Châu Lăng mà nếu mất đi thì cũng rất khó để phục hồi. Muốn vậy Nhà nước cần tích cực hỗ trợ việc giới thiệu quãng bá sản phẩm đến với du khách trong và ngoài nước; các điểm du lịch, vui chơi giải trí; các cơ sở tiêu thụ sản phẩm qui mô lớn; hỗ trợ vốn vay để mở rộng qui mô sản xuất; mời nhiều nghệ nhân có tay nghề cao truyền dạy thêm các phương pháp, kỹ thuật mới nhưng vẫn giữ được cách tạo hình truyền thống...

Trương Thanh Liêm

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/con-dau-lang-gom-phnom-pi-287923.html