Cơn đau đầu trước cuộc khủng hoảng sinh đẻ ở Trung Quốc

Mỗi lần trở về quê nhà ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vào dịp Tết Nguyên đán, Sophie Wang sẽ phải đối mặt với câu hỏi 'Bao giờ mới cưới và sinh con?' từ gia đình.

 Trung Quốc lần đầu ghi nhận số ca tử vong cao hơn số ca sinh. Ảnh: China Economy.

Trung Quốc lần đầu ghi nhận số ca tử vong cao hơn số ca sinh. Ảnh: China Economy.

Suốt những năm qua, câu trả lời của cô không thay đổi: “Tôi không cần một đứa trẻ để chăm sóc mình khi về già hoặc giết thời gian”.

Ban đầu, gánh nặng tài chính để nuôi dạy một đứa trẻ trong môi trường giáo dục siêu cạnh tranh khiến cô gái 27 tuổi cảm thấy do dự, theo The Washington Post. Nhưng gần đây, Wang, làm việc trong mảng marketing tại công ty tư vấn ở Bắc Kinh, chỉ đơn giản muốn ưu tiên bản thân hơn.

“Tương lai lý tưởng của tôi là tìm được ai đó cùng thực hiện lối sống DINK (gấp đôi thu nhập, không có con). Tôi vẫn có thể kết hôn nhưng thực sự không muốn có con. Thế hệ cha mẹ tôi nghĩ rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ thật dễ dàng - chỉ cần thỉnh thoảng cho ăn rồi chúng sẽ tự lớn. Nhưng thời đại nay khác rồi”, cô chia sẻ.

Một y tá chăm sóc trẻ sơ sinh tại một bệnh viện phụ sản ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) vào ngày 17/1. Ảnh: CHINATOPIX/AP.

Sự phản đối của người trẻ

Trên mạng xã hội Weibo, các bài đăng gắn thẻ “Sinh con có quan trọng hay không” hoặc “Lý do bạn không muốn đẻ” thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.

Trong cuộc tranh luận online này, nhiều người cho rằng việc bảo vệ quyền phụ nữ tại nơi làm việc là điều cần thiết để nâng cao tỷ lệ sinh. Một số khác khẳng định sinh con là quyền mỗi người, không phải nghĩa vụ công dân.

Cùng với đó, renkuang trở thành từ lóng mới nhất nhằm thể hiện sự phản đối của nhiều người đối với lời kêu gọi sinh thêm con của chính phủ.

Từ này được kết hợp giữa từ “con người” và “mỏ khoáng sản”, ám chỉ con người bị đối xử như nguồn tài nguyên thô được khai thác.

Tháng 1, số liệu thống kê xác nhận rằng dân số Trung Quốc đang suy giảm khi số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh. Thực trạng này vốn được dự kiến từ trước, nhưng vẫn làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận ở xứ tỷ dân về cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.

Một người đàn ông cao tuổi chơi với trẻ em gần tòa nhà văn phòng thương mại ở Bắc Kinh vào năm 2021. Ảnh: Andy Wong/AP.

Một số nhà bình luận và nhà nhân khẩu học kêu gọi chính phủ thực hiện một chiến dịch toàn diện nhằm khuyến khích người dân sinh đẻ nhiều hơn. Nhưng một số chuyên gia khác cho rằng đó không phải giải pháp hữu hiệu, thậm chí còn gây thêm áp lực cho phụ nữ khi phải ưu tiên con cái hơn sự nghiệp.

“Sinh thêm con sẽ không làm tăng năng suất, cũng không sửa chữa được hệ thống lương hưu. Sinh thêm con càng không làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên”, Stuart Gietel-Basten, học giả tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết.

Thay vào đó, ông đề xuất một giải pháp khả thi hơn. Theo ông Gietel-Basten, Trung Quốc cần tăng nỗ lực cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, lương hưu và chăm sóc sức khỏe.

Quá nhiều vấn đề

Ngay cả trước khi có thông báo chính thức về sự thay đổi nhân khẩu học, tầng lớp trung lưu trẻ tuổi và có trình độ học vấn cao của Trung Quốc tỏ ra lo lắng về việc chính phủ khuyến khích sinh nhiều con kể từ khi chính sách một con bị bãi bỏ vào năm 2016.

Theo Yun Zhou, một nhà xã hội học tại Đại học Michigan (Mỹ), nhiều người trẻ lo lắng rằng tình trạng phân biệt giới tính, vốn phổ biến ở các công ty Trung Quốc, sẽ càng trở nên tồi tệ hơn bởi “các nhà tuyển dụng ngày càng ngần ngại thuê lao động nữ, sợ rằng họ sẽ không chỉ có 1 mà còn 2 con trở lên”.

Chính phủ Trung Quốc triển khai nhiều chính sách khuyến khích người trẻ kết hôn, sinh con song chưa đem lại nhiều hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, Zhou cho biết nhiều phụ nữ thành thị nhận ra một công việc tạo ra thu nhập “đồng nghĩa với sự độc lập, theo đuổi chủ nghĩa cá nhân và xây dựng cuộc sống cho riêng họ”.

Môi trường giáo dục siêu cạnh tranh là một yếu tố khác ngăn cản các gia đình sinh em bé. Năm 2019, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 485.000 NDT vào năm 2019. Con số này cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của nước này, và gấp nhiều lần các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản.

Chi phí nuôi dạy trẻ thậm chí còn cao hơn ở các thành phố lớn, lên tới hơn 1 triệu NDT tại Thượng Hải và 969.000 NDT ở Bắc Kinh.

Một chủ đề gây tranh cãi khác là việc đối mặt với những nguy cơ gây hại khi mang thai và sinh nở.

Liu Xueqian (34 tuổi), làm việc tại một cơ quan nhà nước ở Hàng Châu, quyết định không sinh con thứ hai sau những biến chứng từ lần sinh con đầu lòng cách đây 4 năm. Cô gặp cơn chuyển dạ kéo dài và bị sốt cao, sau đó phải mổ cấp cứu để lấy thai nhi.

Kể từ trải nghiệm đó, cô suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống mà mình mong muốn, đồng thời từ chối mong muốn sinh thêm cháu của gia đình 2 bên nội ngoại.

“Việc nuôi dạy con cái không quá ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi. Nhưng tôi không còn cảm thấy tự do tận hưởng những khía cạnh nhỏ của cuộc sống. Chẳng hạn, số lần tôi đi ăn ngoài hàng năm qua chỉ có thể đếm được đầu ngón tay”, cô nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-dau-dau-truoc-cuoc-khung-hoang-sinh-de-o-trung-quoc-post1396289.html