Côn Đảo - 'Trường học cách mạng' của nhiều chiến sĩ Quảng Ninh

Côn Đảo được ví như 'địa ngục trần gian' nhưng cũng là trường học lớn của nhiều chiến sĩ cách mạng trong đó có những người con ưu tú của Quảng Ninh. Côn Đảo đã giúp họ tôi luyện để trưởng thành hơn trong những năm tháng sau này.

Cụ Phùng Tuấn Tài (90 tuổi, ở phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) chiến sĩ Cục Tình báo Duyên hải Đông Bắc, nguyên Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo tỉnh Quảng Ninh, bùi ngùi kể: “Tôi đang phụ trách một tổ tình báo gồm 3 người hoạt động ở vùng Tiên Yên, Đầm Hà ra tận biên giới Việt – Trung thì bị Pháp bắt vào tháng 3 năm 1951, bị đày ra Côn Đảo. Tôi bị nhốt trong nhà lao số 3, có 592 chiến sĩ cả thảy”.

Cụ Phùng Tuấn Tài kể chuyện về Côn Đảo.

Cụ Phùng Tuấn Tài kể chuyện về Côn Đảo.

Ở Côn Đảo, cụ Phùng Tuấn Tài còn tận mắt chứng kiến sự hy sinh của 914 người trên cầu tàu, 357 người trên cầu Ma Thiên Lĩnh. Các tù nhân còn sống thì phải đeo xiềng xích nặng cả chục cân nhưng vẫn phải lê chân đi kiếm củi, đập đá. Ăn thì chỉ cơm hẩm, cá mục đã có giòi bọ. Nước uống lấy từ mạch nước chảy qua bãi tha ma đen ngòm. Nhiều chiến sĩ bị tống vào chuồng Cọp, bị tra tấn, dụ dỗ với mọi chiêu trò.

Thế nhưng, những khó khăn gian khổ đó chẳng những không đè bẹp được ý chí cách mạng của những tù nhân như cụ Tài mà ngược lại, họ đã biến Côn Đảo thành trường học giáo dục lý tưởng cách mạng. Một cựu tù đặc biệt nổi tiếng là đồng chí Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh. Ngày 9/2/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bắt đầy ra Côn Đảo và bị giam ở Banh 2. Ở trong tù, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã tham gia tổ học tập lý luận Mác-Lênin, trực tiếp bảo vệ tài liệu, chép và dịch các sách kinh điển. Tháng 11/1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do được điều vào Nam công tác để truyền đạt nghị quyết của Trung ương Đảng. Ngày 18/1/1940, đồng chí bị bắt, bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Tại Côn Đảo đồng chí bị bệnh lao tái phát, biết mình không sống nổi đồng chí đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn, trăng trối: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng”.

Cụ Hoàng Cư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, cựu tù chính trị Côn Đảo.

Trong số những người bị cầm tù ở Côn Đảo có một vị tướng lừng lẫy chiến công là Nguyễn Bình (tức Nguyễn Phương Thảo). Năm 1926, tướng tham gia để tang cụ Phan Châu Trinh, rồi lên tàu viễn dương đi Pháp và bị bắt ở Mác- xây, bị kết án 5 năm tù rồi đày ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo, Nguyễn Bình được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cộng sản nên đã chuyển dần từ lập trường Quốc dân Đảng sang lập trường Cộng sản. Năm 1935, Nguyễn Bình ra tù và quay lại hoạt động cách mạng ở vùng Đệ tứ Chiến khu.

Không chỉ được học tập lý luận mà có những người được kết nạp Đảng ngay tại nhà tù Côn Đảo như cụ Trịnh Tam Tỉnh vào năm 1930. Khi Nhật đảo chính Pháp, cụ Tỉnh được tự do, được Đảng giao nhiệm vụ về vùng Hòn Gai xây dựng phong trào cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng 8-1945, cụ là đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Quảng Yên; được cử làm Phó Chủ tịch UBHC khu đặc biệt Hòn Gai.

Một người khác sau này cũng rất trưởng thành là đồng chí Đặng Châu Tuệ, đang là Bí thư Chi bộ Cẩm Phả - Cửa Ông thì bị bắt đưa ra Côn Đảo chịu án chung thân. Năm 1936, được thực dân Pháp trả tự do, Đặng Châu Tuệ về tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Nam Định, Đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình, Chánh tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao.

Một người khác quê ở Quảng Ninh nhưng vào Nam làm công nhân, hoạt động cách mạng là cụ Phan Trọng Bình (bí danh Vũ Văn Mậu). Cụ là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu kiêm Chính ủy Trung đoàn 397. Năm 1957, cụ Phan Trọng Bình bị chính quyền Mỹ - Ngụy bắt giữ, bị đày ra “địa ngục trần gian” giam ở khám 7 của lao 1. Năm 1964, chính quyền Mỹ - Ngụy cho bảo lãnh đối với 5 tù nhân (trong đó có cụ Phan Trọng Bình) để xoa dịu tình hình.

Cụ Bùi Đình Hoàn bên bức tượng Trung tướng Nguyễn Bình.

Có người thoát khỏi Côn Đảo sau làm đến chủ tịch huyện như cụ Hoàng Cư. Cụ từng bị địch bắt và nhốt tại nhà tù Côn Đảo vào năm 1950. Cụ được giải thoát khỏi nhà tù Côn Đảo và trở về Quảng Ninh vào tháng 8/1954. Cụ về Quảng Ninh công tác và làm Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ.

Hay như cụ Bùi Đình Hoàn (ở thôn Đoàn Xá 1, xã Hồng Phong, TX Đông Triều), tham gia kháng chiến ở Đệ tứ Chiến khu. Cụ đã bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo trong thời gian hơn 3 năm. Tại Côn Đảo, cụ Hoàn vận động anh em tù nhân liên hiệp lại đấu tranh chống Pháp đòi trả tự do. Cuối cùng cụ Hoàn cũng được trả tự do. Cụ trở về tiếp tục con đường binh nghiệp, đóng quân ở Hải Phòng rồi xuất ngũ với quân hàm Trung úy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt các cựu tù chính trị Côn Đảo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh tư liệu của Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo tỉnh Quảng Ninh.

Có lẽ số lượng cựu tù Côn Đảo của Quảng Ninh đông nhất thuộc về Đại đội Ký Con khi mà 22 cán bộ, chiến sĩ bị bắt ở Cô Tô ngày 18/11/1945. Toàn bộ bị giam tại Khám lớn Sài Gòn rồi đưa ra tòa án binh xét xử. Tháng 5-1946, tất cả cùng bị đày ra Côn Đảo giam cầm cho đến ngày 1/10/1954 mới được trao trả ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, chỉ còn 15 người trở về, 1 người đã hy sinh ở xà lim, 6 người đã hy sinh trên biển khi vượt ngục.

Một cựu tù chính trị không phải là người Quảng Ninh nhưng khi thoát khỏi Côn Đảo ra Quảng Ninh công tác như: Cụ Đinh Văn Nhạ, ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, nguyên Trưởng Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo của tỉnh Quảng Ninh; họa sĩ Ngô Phương Cúc, ra Cẩm Phả làm công nhân mỏ thành danh với nhiều bức họa nổi tiếng trong đó có bức “Vượt ngục Côn Đảo”. Bức tranh này được chọn treo tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995. Một trường hợp khác là cựu tù chính trị Lê Quý Thịnh, bị cầm tù 3 năm ở Côn Đảo (1952-1954). Sau này cụ rời quê hương Quảng Trị ra Quảng Ninh công tác làm cán bộ mỏ than Hà Tu.

Cụ Phùng Tuấn Tài chụp ảnh lưu niệm trên cầu tàu Côn Đảo trong một chuyến ra thăm nơi mình đã bị giam cầm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cụ Phùng Tuấn Tài cho biết, chưa có thống kê đầy đủ bao nhiêu người ở Quảng Ninh đã chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo. Trước đây, những người còn sống tập hợp nhau lại thành lập Ban Liên lạc gồm 9 người. Nhưng nay, số này đã mất gần hết. Có 3 cựu tù chính trị Côn Đảo của Quảng Ninh được phong Anh hùng LLVTND: Cụ Vũ Văn Hiếu, cụ Phan Trọng Bình và trung tướng Nguyễn Bình.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201907/con-dao-truong-hoc-cach-mang-cua-nhieu-chien-si-quang-ninh-2448606/