Côn Đảo: Nỗi lo thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt

Nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế xã hội đang trở thành vấn đề rất lớn đối với huyện Côn Đảo.

Hồ Quang Trung 2, một trong những hồ chứa quan trọng cung cấp nguồn nước cho người dân Côn Đảo.

Hồ Quang Trung 2, một trong những hồ chứa quan trọng cung cấp nguồn nước cho người dân Côn Đảo.

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội tại Côn Đảo có bước phát triển vượt bậc. Cùng việc mở rộng hệ thống giao thông thủy, hình thành các tuyến tàu cao tốc từ miền Tây Nam Bộ và TP Vũng Tàu ra đảo, một số hãng hàng không cũng thiết lập các đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh…, làm cho Côn Đảo gần hơn với đất liền.

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích trước mắt thấy rõ, Côn Đảo đang phải đối mặt với không ít khó khăn; trong đó, nguy cơ thiếu điện và nước sinh hoạt đang là những vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với chính quyền và nhân dân huyện đảo.

Theo UBND huyện Côn Đảo, từ năm 2016 đến nay, mùa mưa đến sớm và kéo dài tới tháng 11 nên tạm đảm bảo đủ nước mặt và nước ngầm cho địa phương. Tuy nhiên, vào mùa du lịch, khi lượng du khách đến Côn Đảo tăng đột biến hoặc cao điểm nắng nóng, nhà máy nước phải hoạt động hết công suất và huyện phải áp dụng các giải pháp cấp nước an toàn.

Huyện Côn Đảo có 3 hồ chứa nước ngọt gồm hồ An Hải, hồ Quang Trung 1 và hồ Quang Trung 2 với tổng dung tích hữu ích khoảng 1,7 triệu m3.

Phó Trưởng Trạm cung cấp nước Côn Đảo Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, Trạm cung cấp nước Côn Đảo thực hiện nhiệm vụ sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho khoảng 8.700 người dân trên đảo (chưa bao gồm lực lượng vũ trang và số dân tạm trú dưới 6 tháng), cùng với lượng khách du lịch trung bình khoảng 2.000 khách.

Trạm có công suất thiết kế 3.800 m3/ngày đêm, nhưng trên thực tế, đang phải sản xuất lượng nước cao hơn công suất thiết kế mới đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Cũng theo bà Trang, hằng năm, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, nguồn nước ngầm từ giếng khoan hồ Quang Trung 1, Quang Trung 2 sụt giảm, nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và du khách thiếu hụt đáng kể.

Để bảo đảm có nước sinh hoạt, trạm cung cấp buộc phải thực hiện giải pháp điều tiết nước. “Trạm ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu dân cư trung tâm huyện đảo. Từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ chiều hôm sau sẽ khóa bồn khu vực Bến Đầm, hạn chế cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước đá”, bà Trang nói.

Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, huyện xác định, nước ngọt là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến quy mô và khả năng phát triển kinh tế xã hội địa phương. Theo đó, từ giữa năm 2016, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước ngọt trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020.

Để triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt 3 hồ chứa nước hiện hữu cũng như nguồn nước dưới đất, huyện không cấp mới giấy phép khai thác nước dưới đất, lập hành lang bảo vệ nguồn nước và giao các cơ quan, đơn vị tổ chức dọn vệ sinh khu vực hồ. Huyện cũng tạm dừng hoạt động của các lò mổ trong khu dân cư; thường xuyên kiểm tra việc thu gom xử lý rác thải, nước thải để bảo vệ chất lượng và trữ lượng nước dưới đất; triển khai công tác quản lý, đăng ký khai thác, thống kê hiện trạng sử dụng nước dưới đất trong phạm vi gia đình...

Theo UBND huyện Côn Đảo, mối lo lớn của địa phương hiện nay là chưa có nhà máy xử lý nước thải và rác thải. Bãi rác tồn hơn 70.000 tấn tại khu vực Bãi Nhát và nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình công cộng, sinh hoạt của người dân chỉ được xử lý bằng bể tự hoại. Về lâu dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước dưới đất của huyện đảo.

Kiểm tra chất lượng nước đầu vào tại Trạm cấp nước Côn Đảo.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Sơn Hải cũng cho biết, để kiểm soát chất lượng nguồn nước ngọt, ngoài việc cải tạo các hồ chứa nước, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với UBND huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở gần khu vực hồ chứa nước, áp dụng các biện pháp xử lý nước thải trước khi xả thải vào môi trường; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ đúng quy định khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và du khách về bảo vệ môi trường, bảo vệ các hồ chứa cũng như hệ thống nước ngầm trên đảo…

Đây là những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng và trữ lượng nước; bảo vệ bền vững nguồn nước ngầm vốn rất quý và hiếm ở Côn Đảo.

Quỳnh Anh (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/con-dao-noi-lo-thieu-nuoc-ngot-phuc-vu-sinh-hoat-124719.html