'Con dao nhiều lưỡi'

Cái chết của nữ học sinh lớp 11 ở Nghệ An mới đây đã gây chấn động các bậc cha mẹ và cả các em lứa tuổi này. Em đã tự tử vì trở thành tâm điểm chỉ trích của hàng nghìn người sau việc clip hôn một bạn nam trong lớp bị tung lên mạng.

Nữ sinh H.T.L (một học sinh lớp 11, ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được cho là tự tử dưới ao trong nhà, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ”. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của L. được cho là vì clip ghi lại cảnh em và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội. Hàng nghìn lượt thích, lượt chia sẻ, bình luận, đã khiến L. bỗng trở thành “tội đồ”. Đặc biệt, trong số đó có những trang thông tin có hơn 1 triệu lượt người theo dõi đăng tải clip em không che mặt. Theo giáo viên chủ nhiệm của L., nữ sinh này là một học sinh ngoan ngoãn, học tốt nhất lớp. Cái chết của em khiến gia đình và bạn bè hết sức bất ngờ, đau đớn.

Câu chuyện của L. không phải là trường hợp duy nhất, đã có nhiều người, đặc biệt là trẻ vị thành niên tìm đến cái chết khi không chịu được áp lực của dư luận trên mạng xã hội. Nhiều người còn chưa quên vụ việc đau lòng về nữ sinh N.T.C.L vừa tốt nghiệp lớp 12 một trường THPT ở Thạch Thất, Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn khi bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào tấm ảnh quảng cáo một cô gái mặc áo hở hang rồi tung lên Facebook. Rồi A.T (15 tuổi, ở Đồng Nai) cũng uống thuốc diệt cỏ khi phát hiện clip quay cảnh ân ái của mình với bạn trai đã bị tung lên mạng xã hội. Cũng tìm đến cái chết, B.Q.H, học sinh lớp 8 (TP Yên Bái) treo cổ tự tử vì hoảng sợ, xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối bị đăng tải trên mạng…

Sự việc xảy ra, người thân và bè bạn của nạn nhân là người đau xót nhất. Nhiều người trách cha mẹ không quan tâm, quản lý và nhận biết được vấn đề của con. Nhưng cũng nhiều người cho rằng, tính tiêu cực trên mạng xã hội như con dao nhiều lưỡi, lan nhanh hơn cả tốc độ của cơn lốc thì cha mẹ cũng không biết đường nào để nắm bắt và xử lý. Còn những người là nguyên nhân tạo nên những áp lực trên mạng xã hội lại gần như “vô can”, khi cho rằng những lời nói tào lao, “chém gió” cho vui không thể là nguyên nhân “giết người”.

Mạng xã hội là nơi con người ta có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, lan tỏa những giá trị tích cực, nhưng nó cũng góp phần lan truyền những con virus cực độc. Chế tài xử phạt những hành vi gây tác động xấu đã có nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời nên những vụ việc đau lòng từ “con dao nhiều lưỡi” này vẫn ngày ngày xảy ra.

Hà Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai/con-dao-nhieu-luoi-20180314233522868.htm