Côn Đảo - huyền thoại và linh thiêng

Sau hơn bốn thập niên được giải phóng, Côn Đảo vẫn vẹn nguyên là chứng tích lịch sử về những quá khứ anh hùng và đau thương, là đỉnh cao của khí phách đấu tranh kiên cường và lòng dũng cảm của hơn 20 ngàn chiến sĩ Cộng sản. Khách đến Côn Đảo ngoài khám phá miền đất hoang sơ với những thiên đường lãng mạn của thiên nhiên núi, rừng, biển cả, còn được tham quan 'địa ngục trần gian' có một không hai trên thế giới. 

Vọng chuông cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Mai Thắng

Những linh hồn bất tử

Chiếc xe của Trạm ra-đa 590 Côn Đảo chở Đoàn công tác chúng tôi chạy dọc cảng Bến Đầm. Dừng lại trước tấm bia tưởng niệm dưới chân núi, người thuyết minh viên nói: "Đây là bia tưởng niệm tù binh khổ sai. Tất cả 198 chiến sĩ hi sinh tại đây, là 198 linh hồn bất tử".

Trong hơn 20 ngàn chiến sĩ bị tù khổ sai tại đây, thì có 198 chiến sĩ chúng cho là "những tên cứng đầu, có sạn trong óc", bị chúng nhốt riêng trong chuồng cọp. Ban ngày, chúng bắt đi lao động khổ sai khuân vác đá trên núi làm đường đi Bến Đầm. Đêm 12-12-1952, 198 chiến sĩ cách mạng đã vượt ngục. Kế hoạch vượt ngục đã được bí mật thống nhất trước đó. Phương tiện vượt ngục là xuồng gỗ đã được các chiến sĩ bí mật làm trước và giấu dưới biển.

Giữa đêm tối mịt mùng, vừa phải bí mật tránh sự phát hiện của địch, vừa phải chống chọi với sóng gió. Chèo xuồng được khoảng hơn 3km, thì bất ngờ sóng gió nổi lên, thời tiết vô cùng bất lợi. Những chiếc xuồng gỗ ngâm giấu lâu ngày dưới biển đã bục và vỡ từng mảng. 81 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên biển, 117 chiến sĩ bị địch bắt lại tiếp tục giam cầm trong ngục tù khổ sai. Cuộc vượt ngục ấy tuy không thành công, song "những tù binh" đã đánh một đòn tấn công vào sào huyệt kẻ thù, làm rung chuyển và rối loạn nền thống trị của địch, đồng thời đây cũng là đòn thất bại cay đắng trong chính sách trị tù của chúa đảo Gia-ty.

Dấu tích của cuộc vượt ngục nay còn lại là tấm bia tưởng niệm. Trên bia khắc hình 198 người lao động khổ sai và ghi nhớ diễn biến cuộc vượt ngục không thành. Bao nhiêu năm qua, tấm bia đá thêm phần cũ, nhưng nó vẫn có giá trị tươi mới về tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, là bằng chứng sinh động để giáo dục các thế hệ người Việt, nhất là thế hệ trẻ cả nước về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của chiến sĩ Cộng sản, những người yêu nước bị tù đày ở Côn Đảo năm xưa.

Chúng tôi đến cầu tàu 914. Biển Côn đảo xanh ngăn ngắt, yên bình. Tại cầu tàu này năm xưa, 914 chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống. Máu của các anh, chị đã hòa vào lòng biển, xương cốt các anh, chị vùi lẫn trong những phiến đá lạnh lùng. Câu chuyện kể về 914 chiến sĩ đổ máu tại nơi này, một lần nữa làm chúng tôi không cầm được nước mắt.

Năm 1873, để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ đất liền đến Côn Lôn, Pháp đã bắt những tù nhân yêu nước của ta lao động khổ sai xây cầu tàu. Cầu tàu chỉ có chiều dài 107m, nhưng chúng đã huy động 914 chiến sĩ. Những phiến đá nặng hàng tấn từ Núi Chúa được các chiến sĩ khiêng xuống bằng sức người. Nhiều chiến sĩ bị đá lăn từ núi xuống đè chết. Hàng trăm chiến sĩ khiêng đá kè bờ bị đá nhấn chìm dưới biển. Không khiêng thì chết vì đòn roi, khiêng thì chết vì kiệt sức, người tù không có sự lựa chọn. Cái thời đau thương ấy đến bây giờ vẫn còn âm vang trong từng phiến đá: "Côn Lôn ơi, phiến đá mạng người".

Trong chặng hành trình ở Côn Đảo, chúng tôi không quên đến thăm vọng chuông cầu siêu cho linh hồn liệt sĩ. Chuông được đúc nguyên bản bằng đồng đỏ, có hình hoa văn cánh sóng. Chiều cao 6m, chiều rộng 2,5m, được treo trang nghiêm giữa vọng đền. Thân chuông có 4 hình tròn tượng trưng cho ánh sáng mặt trời Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ở giữa 4 hình tròn mặt trời ấy là 4 bài thơ ở 4 phía Đông, Bắc, Tây, Nam. Phía Đông thân chuông khắc câu thơ: "Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân, gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế". Phía Tây thân chuông khắc câu thơ: "Vì nhân dân sống chết không sờn, trước sự nghiệp thương vong xá kể".

Ngày mới ở "địa ngục trần gian"

Trước ngày 30-4-1975, Côn Đảo là đặc khu hành chính trực thuộc Trung ương ngụy quyền Sài Gòn, không có người dân sống và cũng không có cơ sở kinh tế nào. Năm 1977, Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Hậu Giang. Năm 1983, là quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Từ năm 1991 đến nay, Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc điểm về quản lý hành chính về Côn Đảo của chính quyền một cấp, không có cấp phường xã. Hiện nay, Côn Đảo có trên 7.000 hộ dân chia thành 9 khu dân cư do UBND huyện trực tiếp quản lý. Dân Côn Đảo hầu hết là dân tộc Kinh, còn lại một số ít người là dân tộc Khmer, Tày, Stiêng, Chăm. Thành phần xã hội chủ yếu là công chức, viên chức, không có các tổ chức tôn giáo. Cộng đồng dân cư Côn Đảo được hình thành sau năm 1975, do một số gia đình binh lính, công chức chế độ cũ và nhân dân khắp mọi miền đất nước tập hợp lại sinh sống.

Dù cách xa đất liền giao thông đi lại còn khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, Côn Đảo đã trở thành huyện văn hóa tiêu biểu đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khá hoàn chỉnh, 100% đường nội thị, đường liên khu dân cư được trải nhựa, 100% hộ dân được dùng điện lưới và nước sạch.

Hệ thống bệnh viện, trường học được xây dựng khang trang, đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được nâng cao. Toàn đảo có 9 nhà Văn hóa - Thông tin ở 9 khu dân cư. 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn. Trạm tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã phủ sóng khắp lượt các hộ dân Côn Đảo. Hiện Côn Đảo chỉ còn 0,4% hộ nghèo.

Đến Côn Đảo hôm nay, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là cuộc sống thanh bình. Nước biển trong xanh, không khí trong lành, những bãi cát trắng mịn trải dài bất tận, màu xanh ngút ngàn của rừng núi làm cho mọi người quên hết mọi ưu tư, phiền muộn, nhọc nhằn. Lòng chợt bình yên khi dạo bước dưới hàng cây cổ thụ, lang thang dọc theo bờ tường đá rêu phong, men theo con đường trải nhựa thênh thang uốn lượn dọc theo bờ biển, hay ung dung trên bãi đá lộng gió phía cầu tàu 914 lịch sử. Tôi tự hỏi: Thiên đường du lịch hay "địa ngục trần gian"? Câu trả lời cho sự khám phá của khách du lịch: Hôm qua là "địa ngục trần gian", hôm nay là thiên đường du lịch.

Mai Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/con-dao-huyen-thoai-va-linh-thieng/