Con dao hai lưỡi

Các công ty internet có thể đối mặt với án phạt nặng nếu không gỡ bỏ những nội dung khủng bố trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi nhận được yêu cầu của các nhà chức trách. Đây là nội dung của một đề xuất vừa được Nghị viện châu Âu thông qua nhằm đối phó với tình trạng lợi dụng dịch vụ internet để tán phát nội dung bạo lực, kích động tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.

 Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15-3-2019. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Hình ảnh trích trong video do nghi phạm liên quan đến hai vụ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch tự phát lên mạng xã hội Facebook ngày 15-3-2019. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Theo nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU), các nội dung cực đoan trên mạng gây ảnh hưởng có hại nhất trong vài giờ đầu tiên sau khi bị tán phát. Do vậy, yêu cầu với các mạng xã hội không chỉ còn dừng ở gỡ bỏ triệt để các nội dung này, mà nhiệm vụ còn là gỡ càng nhanh càng tốt. Nếu không tuân thủ việc xóa các nội dung nguy hiểm, kích động bạo lực, tư tưởng cực đoan hoặc vô hiệu hóa việc truy cập vào những nội dung này trong thời gian quy định, các hãng công nghệ sẽ bị phạt tới 4% doanh thu.

Biện pháp mạnh tay trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức các nước vẫn đang hết sức quan ngại về vấn đề quản trị truyền thông xã hội sau khi đoạn phim ghi hình vụ xả súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand hồi tháng 3 vừa qua được lan truyền mạnh mẽ trên internet.

Thực tế, trong những năm gần đây, internet, rộng hơn là không gian mạng tự do và mở đã thúc đẩy hội nhập ở quy mô toàn cầu, cho phép sự tương tác và chia sẻ thông tin cũng như các ý tưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tự do trên mạng cũng đặt ra vấn đề về an ninh và an toàn khi các trang mạng xã hội với hàng tỷ người dùng trở thành mảnh đất màu mỡ để các phần tử cực đoan gieo mầm bạo lực, chủ nghĩa khủng bố. Vụ xả súng tại Christchurch chính là minh chứng rõ ràng cho cái người ta gọi là “mối đe dọa thật trên không gian ảo”. Trong vụ thảm sát này, nghi phạm Brenton Harrison Tarrant đã đồng thời ghi hình và phát trực tiếp hành vi tội ác của mình lên mạng xã hội facebook. Đoạn video dài 17 phút này không chỉ ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội mà còn gần như không thể xóa được tận gốc. Tốc độ lan truyền nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát của nội dung cực đoan cùng sự hưởng ứng của đông đảo đối tượng mang tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại trên toàn thế giới cho thấy một thực tế đáng lo ngại khi những nguy cơ mà tự do internet đem đến chưa được đánh giá đúng mức.

Sau bài học từ vụ việc xảy ra ở Christchurch, nhiều quốc gia đã nhanh chóng siết chặt các điều luật nhằm đối phó với tình trạng lợi dụng các dịch vụ internet để tán phát nội dung bạo lực, kích động tư tưởng cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Đương nhiên, đa phần các điều luật này nhắm vào các công ty công nghệ, vốn là những đối tượng đã hứng chịu búa rìu dư luận khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc tán phát các nội dung mang tính bạo lực, thù địch.

Trên thực tế, mỗi mạng xã hội đều có một đội ngũ hùng hậu để sàng lọc thông tin mà người dùng đưa lên nhằm sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp và phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật để phục vụ công tác điều tra khi được yêu cầu. Tuy nhiên, với tính chất gần như mở hoàn toàn nên bất kỳ thông tin hay hình ảnh nào một khi đã được tung lên mạng xã hội là có thể lan truyền một cách vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, trong khi ngăn chặn và gỡ bỏ hoàn toàn là điều gần như bất khả thi.

Đề xuất vừa được Nghị viện châu Âu thông qua có thể được xem là một yêu cầu khá khắt khe đối với các công ty internet. Song điều này cũng dễ hiểu khi việc bị cực đoan hóa tại chỗ thông qua mạng xã hội được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ khủng bố tự phát nhỏ lẻ ở châu Âu trong vài năm gần đây. Động thái trên của EU cũng cho thấy một xu hướng tất nhiên trong thời đại công nghệ số, đó là yêu cầu nhìn nhận vai trò của không gian mạng giống như một xã hội thu nhỏ, đồng thời cần có những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh hành vi người dùng, siết chặt nội dung trên mạng xã hội, bảo đảm tự do internet không trở thành con dao hai lưỡi đối với sự an toàn, an ninh của xã hội.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/con-dao-hai-luoi-572200