'Con đã về nhà' - Món quà cuộc sống

'Con đã về nhà', sách - tranh của du học sinh về từ Anh trong đại dịch COVID-19 tạo ra chuỗi cảm hứng tình nguyện của rất nhiều cá nhân, tổ chức trong một thời gian kỷ lục. Đây cũng là một 'hiện tượng xuất bản' sau khi lệnh giãn cách xã hội chấm dứt.

Đại diện NXB và tác giả Tăng Quang (áo trắng) tặng quà trích từ tiền bán sách cho những phụ nữ yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Đại diện NXB và tác giả Tăng Quang (áo trắng) tặng quà trích từ tiền bán sách cho những phụ nữ yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Việc tốt dễ lây

“Con đã về nhà” (sách - ký họa song ngữ Việt - Anh) ghi lại những câu chuyện về cuộc sống ở khu cách ly tập trung (Trường quân sự Quân khu 7, TPHCM) của một du học sinh về từ Anh trong đại dịch COVID-19. Trước đó, tác giả Tăng Quang đã lần lượt đăng những ký họa của mình trên trang cá nhân và tạo ra một cơn sốt trên mạng. Những câu chuyện giản dị về tình người trong biến cố, thái độ sống tích cực, lạc quan, cách “chọn niềm vui” khi phải thích nghi với hoàn cảnh mới của thanh niên, lòng biết ơn đội ngũ y bác sĩ... là những yếu tố “đốn tim” độc giả. Trong sách, Quang bổ sung nhiều câu chuyện vừa ấm áp vừa hài hước, được kể với một thứ tiếng Việt “đẹp” như đánh giá của nhà văn Trang Hạ.

Trước khi sách chính thức xuất bản, NXB Phụ Nữ quyết định trích 1/2 số tiền bán 1.000 cuốn sách để gây quỹ hỗ trợ 20 phụ nữ yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Một kỳ tích đã xảy ra khi kế hoạch này hoàn thành trước thời hạn gần 2 tuần, số tiền thu được cũng vượt kế hoạch. Theo đó, mỗi phụ nữ yếu thế dự kiến được hỗ trợ 2,5 triệu đồng, trong khi con số thực đã lên tới 3,3 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, chị Vũ Thị Bích (thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, Kim Động, Hưng Yên) cho biết: Nhà chị chỉ có hai mẹ con, con trai bị thiểu năng, hàng tháng vẫn phải đi viện lấy thuốc điều trị. Nguồn thu nhập chính của chị Bích hiện nay là đi bán xôi, bánh mì rong. Có số tiền hỗ trợ, chị sẽ mua một chiếc xe đạp để việc bán hàng thuận tiện hơn.

Được truyền cảm hứng từ cuốn sách, ông Christian Grajek - đại diện Quỹ hợp tác Quốc tế Ngân hàng tiết kiệm Đức khu vực Việt Nam, Lào, Myanmar (SBFIC) đã tặng thêm cho Quỹ hỗ trợ 25 triệu đồng, để có thể giúp đỡ nhiều phụ nữ yếu thế hơn. Ông Christian nhận xét: “nước Đức không chiến đấu với COVID-19 tốt bằng Việt Nam, chúng tôi cần phải học các bạn”.

Những nhân vật đặc biệt

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng (Phó trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới TW) - người đi ra từ tâm dịch COVID-19 chia sẻ: Từ mùng 5 Tết các bác sĩ ở đây đã phải chuẩn bị tâm thế “lâm trận”, bởi dự đoán Việt Nam khó thoát khỏi ảnh hưởng vì có đường biên với Trung Quốc. Suốt cao điểm của dịch, bác sĩ Hùng không được về nhà. Trong thời gian khó khăn ấy, ngoài ứng phó với bệnh dịch, các anh còn phải tìm cách chiến đấu với dịch tin giả. Đích thân bác sĩ Hùng phải lên tiếng trên trang cá nhân: “ai cần hỏi về COVID thì cứ nhắn tôi”. Lúc đó liên tục xuất hiện các tin giả về số lượng bệnh nhân, khả năng chữa trị hoặc thậm chí bịa ra số lượng người chết.

Bác sĩ Hùng đánh giá “Con đã về nhà” là một món quà tinh thần giúp các bác sĩ có thêm động lực và nghị lực để chiến thắng COVID-19.

Một nhân vật khá đặc biệt từng rất nổi tiếng trong đại dịch và có xuất hiện trong sách là ông Wayne Worrell (54 tuổi), người khởi xướng chiến dịch “Cảm ơn Việt Nam”, “Việt Nam cố lên” trên mạng xã hội. Ông Wayne kể: “Khi dịch COVID-19 bùng phát mọi người rất hoang mang, sợ hãi. Tôi quyết định phải làm gì đó. Thế là tôi tập hợp tất cả những người ngoại quốc hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam cùng giơ tấm biển “Cảm ơn Việt Nam” và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Những bức ảnh này sau đó được cả cộng đồng tri ân, báo Pháp, Đức và Anh cũng trích đăng lại.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, MA, người hiệu đính phần tiếng Anh cho cuốn sách kể rằng, vì thời gian làm sách gấp gáp, giám đốc Khúc Thị Hoa Phượng đặt hàng ông hoàn thành bản thảo trong 6 ngày, song chỉ mất 3 ngày ông đã làm xong. “Tôi bị thuyết phục bởi sự thật, sự trong sáng và thiện lương của những câu chuyện trong sách. “Con đã về nhà” thể hiện cái nhìn lạc quan, tính quả cảm của những thanh niên hiện nay khi đột ngột phải đối mặt với đại dịch. Cuốn sách truyền cảm hứng tích cực ngay cả với một giáo viên già như tôi”, thầy Hùng chia sẻ.

Hiện tượng xuất bản

“Con đã về nhà” được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Chỉ trong vòng 20 ngày kể từ khi lên ý tưởng xuất bản, như tiết lộ của Giám đốc NXB Phụ Nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng.
Đây cũng là lần đầu tiên NXB Phụ Nữ làm sách theo phương thức pre-oder, một hình thức bán sách khi còn ở dạng bản thảo. Nghĩa là độc giả sẽ thanh toán tiền cho một cuốn sách “sẽ in” trong một thời hạn nhất định. Theo công thức của giới xuất bản, chỉ cần có 200 pre-oder thì cuốn sách đó đã có thể quyết định in, nếu đạt mức 500 pre-oder tức đơn vị xuất bản bắt đầu cắt lỗ. “Con đã về nhà” ngay từ khi mở pre-oder đã đạt mức 1.000 cuốn. Lần in đầu tiên là 3.000 cuốn, và chỉ sau chưa đầy 1 tháng, đơn vị xuất bản đã phải lên kế hoạch tái bản.

Nhà văn Trang Hạ cho biết: “Đầu tiên tôi cứ nghĩ sách về COVID thì nó sẽ hết hot ngay sau khi COVID hạ nhiệt, nhưng đọc sách xong tôi lại nghĩ khác. Cuốn sách này chắc chắn sẽ “sống” lâu, bởi nó không chỉ là câu chuyện về COVID, nó chính là một thứ năng lượng tích cực của người trẻ khi đối diện nghịch cảnh trong đời sống. Nếu như COVID là thứ virus lan tỏa sự sợ hãi, thì cuốn sách này lan tỏa niềm vui, cảm hứng sống. Nó là một lý do đẹp đẽ để dẫn động nhiều hành trình tình nguyện trong cuộc sống”.

Ông Wayne Worrell qua nét vẽ của Tăng Quang

Tác giả Tăng Quang cho biết, những bức vẽ đầu tiên ở khu cách ly anh làm cho vui khi còn khoảng 4 ngày nữa được về nhà. Thế nhưng, bộ tranh ấy đã tạo nhiều niềm vui cho mọi người ở trung tâm. Các anh chị y, bác sĩ ngỏ lời nhờ anh vẽ tặng thêm một vài bức nữa.

Để đáp lại những thịnh tình ấy, những ngày tiếp theo, Tăng Quang phải cắt bớt thời gian chơi cờ tỉ phú, chặt heo... với bạn cùng phòng để vẽ tranh. Thay vì hết ăn rồi ngủ như thời gian trước, anh vẽ ngày vẽ đêm, vừa vẽ vừa tranh thủ sạc điện thoại, máy tính để trả lời tin nhắn, động viên của độc giả.

Qua sự lan tỏa của mạng xã hội và đội ngũ du học sinh, “Con đã về nhà” đã vượt ra khỏi biên giới. Đại diện NXB Phụ Nữ cho biết, đơn vị này hiện cũng đang xúc tiến để đưa cuốn sách vào hệ thống bán lẻ của Amazon. Bản thân ông Wayne Worrell đánh giá cao sự khả thi của kế hoạch này vì đề tài của cuốn sách mang tính “quốc tế cao” và bởi “những câu chuyện chống COVID-19 của Việt Nam hiện nay đang được cộng đồng quốc tế quan tâm theo dõi, nhất là sau khi sức khỏe của phi công người Anh đang chuyển biến tốt dần lên”.

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/con-da-ve-nha-mon-qua-cuoc-song-1671269.tpo