Con cựu binh Mỹ tử trận ở Việt Nam thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò

'Thực sự xúc động. Khi đến đây, tôi đã biết cả về những đau thương mà chiến tranh gây ra, nhưng cũng biết thêm về lòng nhân ái và vị tha của người Việt Nam', cô Susan Mitchell Mattera, một thành viên của đoàn 'Dự án hai phía', con của cựu binh James C. Mitchell Jr. thuộc lực lượng Hải quân Mỹ, nói.

Chiều 27-11, 7 thành viên của “Dự án hai phía”, phần lớn trong số họ là con gái của cựu binh Mỹ tử trận khi tham chiến tại Việt Nam, đã tới thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi lưu giữ những ký ức quật cường của dân tộc Việt.

Bảy thành viên của “Dự án hai phía”, phần lớn trong số đó là con gái của cựu binh Mỹ tử trận khi tham chiến tại Việt Nam, đã có chuyến thăm nhiều cảm xúc đến di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi lưu giữ những ký ức quật cường của dân tộc Việt vào chiều 27-11.

Tham gia cùng với đoàn những người con cựu binh Mỹ tử trận ở Việt Nam là nhiều con em và thân nhân liệt sỹ, cũng như các cựu chiến binh của Việt Nam. "Chúng tôi cùng đến đây để nhìn lại những ký ức lịch sử. Để người ta hiểu rằng đừng nên chiến tranh nữa, đừng để mọi người phải đau khổ thêm", cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiệp nói với CAND Online.

Tại khu di tích, đoàn đã thành kính đặt hoa, dâng hương tri ân trước Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Hỏa Lò. Trong không khí thiêng liêng, đoàn đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ hi sinh cống hiến trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đến thăm di tích Hỏa Lò, các thành viên của đoàn đã thực sự bị ấn tượng mạnh bởi những hiện vật, hình ảnh và cả những câu chuyện lịch sử đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn còn như hiện hữu tại một nhà tù nằm ngay giữa thủ đô Hà Nội.

Họ cũng được giới thiệu về những câu chuyện về những người bị giam giữ trong nhà tù này thế kỉ trước. Trong ảnh là đoàn con cựu binh Mỹ đi qua khu hành lang tại Nhà tù Hỏa Lò, với một bên là khu giam giữ, bên còn lại là bức phù điêu ghi lại hình ảnh tra tấn dã man của Thực dân Pháp với các chiến sĩ Cách mạng.

Chia sẻ với CAND Online khi đi qua những khu ngục thất, cô Bonnie Casandra Dean, con một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, thực sự không thể hình dung nổi cuộc sống và những điều kiện khắc nghiệt mà những người tù nhân Việt Nam từng phải trải qua. “Tôi không thể tưởng tượng được con người ta lại có thể đối xử độc ác với nhau như vậy”, cô Bonnie chia sẻ.

Các thành viên trong đoàn chăm chú quan sát hiện vật trong khu di tích. Nhà tù Hỏa Lò từng là ngục thất kinh hoàng và tàn bạo, nơi giam giữ những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp từ 1896 đến 1954. Trong giai đoạn 1964-1973, nơi này được sử dụng để giam các cựu binh phi công Mỹ. Tuy nhiên, vào thời gian này, các cựu phi công Mỹ được đối xử tử tế, nhân đạo. Chính họ cũng gọi nhà tù với cái tên mỹ miều: “Hilton Hà Nội”.

Trong ảnh là một thành viên trong đoàn "Dự án hai phía" nhìn qua song sắt của một đoạn cống ngầm dưới sân trại tử hình được phục dựng lại. Theo tư liệu, một số tù nhân chính trị của ta đã vượt ngục thành công khi cưa các song sắt này và trốn thoát ra ngoài.

Các thành viên trong đoàn thăm quan một phòng giam nhỏ hẹp trong khu di tích.

"Thực sự xúc động. Khi đến đây, tôi đã biết cả về những đau thương mà chiến tranh gây ra, nhưng cũng biết thêm về lòng nhân ái và vị tha của người Việt Nam", cô Susan Mitchell Mattera, một thành viên của đoàn "Dự án hai phía", con của cựu binh James C. Mitchell Jr. thuộc lực lượng Hải quân Mỹ, nói. Trong ảnh là cô Susan cùng di ảnh của cha trên ngực.

Trong khi đó, Jull Hubbs, một thành viên khác của đoàn cũng không nén được cảm xúc và cho biết, một người bạn của cô ở Mỹ có cha là phi công từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, sau đó bị bắt và được giam cùng phòng với cố Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tại nhà tù Hỏa Lò. Khi được tin Jull đến Việt Nam và có chuyến thăm đầy ý nghĩa này, người bạn đó đã nhắn gửi Jull gửi lại một bó hoa hướng dương đến nơi mà cha cô từng bị giam giữ.

Còn đối với Nora Kubach, cô đến Việt Nam cùng với đoàn với tư cách là một nhà văn, nhà biên tập của bộ phim tư liệu “Dự án hai phía”. Chính vì vậy, cùng với cái nhìn của người nghệ sĩ, Nora tin rằng những địa chỉ như nhà tù Hỏa Lò thực sự là một bằng chứng hùng hồn để những người trẻ trong thế hệ ngày nay có thể đến tham quan, tìm hiểu và qua đó tăng cường hiểu biết để chống lại chiến tranh trên toàn cầu.

Được biết, chuyến thăm ngắn ngày tại Hà Nội là một phần trong các hoạt động của các thành viên “Dự án hai phía” đến nhiều địa điểm của Việt Nam từ ngày 25-11 đến 10-12, với mục đích tìm hiểu tình hình, lịch sử đất nước con người Việt Nam, hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; thăm chiến trường xưa nơi cha anh đã tham chiến và tử trận; giao lưu kết bạn với con em của liệt sỹ, cựu chiến binh Việt Nam.

Đoàn đến Việt Nam với tinh thần hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hòa giải, hướng tới tương lai, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. "Chúng tôi hoan nghênh họ đến đây. Tôi cũng đã mất cha trong chiến tranh từ khi còn 3 tuổi và không còn nhiều ký ức về ông. Cũng như họ, tôi hi vọng các hoạt động kết nối này diễn ra nhiều hơn để chúng ta cùng hiểu hơn về lịch sử", chú Đinh Thế Sậu, con trai liệt sĩ Đinh Thế Sang hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, xúc động nói.

T. Minh - D. Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/con-cuu-binh-my-tu-tran-o-viet-nam-xuc-dong-tham-di-tich-nha-tu-hoa-lo-522038/