Con Cưng bất ngờ nói về những nghi vấn

Chiều tối 26.7, Cty CP Con Cưng (Con Cưng) bất ngờ tung ra thông báo trên web kèm các chứng từ liên quan và cho rằng sản phẩm là hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tuy nhiên ngoài tài liệu chứng minh 2 sản phẩm, đến thời điểm này, Con Cưng vẫn chưa đưa ra các tài liệu khác chứng minh hàng nghìn sản phẩm khác bị quản lý thị trường (QLTT) nghi vấn, tạm giữ. Dù vậy, để đảm bảo đa chiều thông tin, chúng tôi xin lược trích.

Vẫn khẳng định đủ nguồn gốc xuất xứ

Theo thông báo, vào ngày 26.7.2018, giữa Con Cưng và đại diện Chi cục QLTT TPHCM có buổi làm việc. Theo đó, Chi cục QLTT đã công bố Quyết định số 1075 của Cục QLTT (Bộ Công Thương) về việc kiểm tra toàn bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đối với Con Cưng.

Cũng tại buổi làm việc này, Con Cưng đã đề nghị phía Chi Cục QLTT cho phép được nộp và giải trình hồ sơ tại một đầu mối. Lý do, do nhiều địa điểm kinh doanh của Con Cưng bị kiểm tra đồng loạt tại cùng một thời điểm, trong khi chứng từ gốc của mỗi lô hàng chỉ có 1 bộ duy nhất, Chi cục QLTT TPHCM cũng thống nhất ý kiến này.

Con Cưng công bố nội dung làm việc với QLTT TPHCM ngày 26.7.

Liên quan đến sản phẩm thương hiệu TitiOne có 2 nhãn dán chồng lên nhau với 2 Cty khác tên cùng sản xuất bị nghi vấn, Con Cưng trưng ra văn bản của TitiOne do giám đốc Nguyễn Thị Kim Loan cho hay, từ ngày 24.1.2018, Cty TNHH G&C đã đổi tên thành Cty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne. Việc dán nhãn sản phẩm được thực hiện bởi nhà cung cấp, bao gồm cả trường hợp dán nhãn theo tên của pháp nhân mới (Cty TNHH Mỹ Phẩm TiTiOne) chèn lên nhãn theo tên của pháp nhân cũ (Cty TNHH G&C).

Con Cưng cho rằng sản phẩm được đặt hàng sản xuất với đầy đủ bộ nhãn mác CF tại Thái Lan.

Với sản phẩm mã CF G127011 (do khách hàng phát hiện khiếu nại), Con Cưng tung tiếp Thư xác nhận mới nhất ngày 23.7.2018 của Cty International Incorporated (thương hiệu WWW- Thái Lan). Thư này thể hiện, mã sản phẩm nằm trong lô hàng thuộc Hợp đồng số PO2017OEM49 ký ngày 10.11.2017 giữa Con Cưng và WWW. Sản phẩm được đặt hàng sản xuất với đầy đủ bộ nhãn mác CF (Concung Fashion) tại Thái Lan.

Nhà sản xuất bên Thái nhận sai?

Theo thư xác nhận mà Con Cưng đưa ra, WWW thừa nhận “Trong quá trình sản xuất, đã có một số nhãn hàng hóa không đáp ứng theo yêu cầu của Con Cưng, vì vậy nhà sản xuất đã phải điều chỉnh”.

Con Cưng tung thư xác nhận nói nhà sản xuất nhận lỗi.

Từ đó, Con Cưng vẫn khẳng định, sản phẩm là hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định.

Tuy nhiên, với hàng nghìn sản phẩm khác ngoài 2 mặt hàng trên bị QLTT tạm giữ và nghi vấn, đến thời điểm trên, Con Cưng chưa đưa ra được chứng lý chứng minh.

Phân tích nhanh của một luật sư với chúng tôi, nhà sản xuất đã nhận trách nhiệm. Lỗi đó gây thiệt hại không nhỏ nên Con Cưng vừa có thể kiện thắng nhà sản xuất gây thiệt hại cho mình, lại có thể “rửa” được nghi vấn của hàng nghìn khách hàng “nhạy cảm” là các ông bố bà mẹ trên khắp cả nước.

Tuy nhiên khó hiểu là trong hàng loạt các văn bản thông báo, Con Cưng không thể hiện ý chí này. Thậm chí, chỉ có phương án “trả hàng nhà sản xuất” và chấp nhận tiếp thiệt hại khác “gửi tin nhắn đến 3.942 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới”.

Ngô Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/con-cung-bat-ngo-noi-ve-nhung-nghi-van-621391.ldo