Còn có sự thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp

Tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã phản ánh khá sinh động môi trường kinh doanh hiện hành.

Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược, các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Đăng ký thành lập doanh nghiệp luôn là thủ tục được đánh giá cao với kết quả cải thiện đáng khích lệ: thời gian để doanh nghiệp làm các thủ tục đăng ký hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp giảm một nửa trong 6 năm qua. Dù vậy, thời gian đăng ký doanh nghiệp năm 2020 bị kéo dài hơn một chút so với năm 2019.

Về chất lượng thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhìn chung các chỉ số (Thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai; Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ; Cán bộ am hiểu chuyên môn; Cán bộ nhiệt tình, thân thiện) đều tăng điểm. Tuy nhiên, nhóm các tỉnh có điểm thấp nhất lại ghi nhận việc giảm điểm mạnh ở chỉ số về Thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai và chỉ số Cán bộ nhiệt tình, thân thiện.

Về hình thức thực hiện, năm nay chứng kiến sự gia tăng việc sử dụng các biện pháp làm thủ tục hành chính (TTHC) không tiếp xúc như bưu điện và trực tuyến (có địa phương lên đến 92%). Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin ở địa phương chưa đáp ứng được (trung bình có 36,67% doanh nghiệp hài lòng; tỉnh cao nhất cũng chỉ có 40%, tỉnh thấp nhất hơn 3%). Có doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng hướng dẫn hồ sơ chưa chi tiết, khiến doanh nghiệp phải tự tra cứu, tìm hiểu, hồ sơ trả qua bưu điện mất nhiều thời gian khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Tuy vậy, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện TTHC lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…

Hoạt động thanh kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Các vấn đề về nộp bảo hiểm xã hội năm 2020 không có nhiều sự thay đổi so với năm 2019. Một số khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện TTHC trong lĩnh vực này là thủ tục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (với 18% doanh nghiệp gặp phải), điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội (15%), đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội (15%), thủ tục hưởng chế độ ốm đau (15%), thủ tục hưởng chế độ thai sản (13%), đăng ký bảo hiểm xã hội (11%).

Đáng nói, các TTHC liên quan đến xây dựng, dù được cải thiện trong thời gian qua, vẫn chưa thực sự dễ dàng với doanh nghiệp. Các thủ tục khó khăn nhất gồm đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quyết định chủ trương đầu tư… Vấn đề cấp phép xây dựng được doanh nghiệp đánh giá giảm điểm trong năm 2020 so với năm 2019, dù vẫn cao hơn so với năm 2017 và 2018. Điều này cho thấy tốc độ cải cách trong lĩnh vực này cần được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/con-co-su-thieu-thong-nhat-ve-cach-hieu-giua-co-quan-thue-va-doanh-nghiep-236300.html